Ngày 19-9: Mở cổng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội là một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, nhằm tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Ngày 19-9 tới đây, sau hơn 10 năm đầu tư và xây dựng, làng sẽ chính thức làm lễ mở cổng làng.
Ngày 19-9: Mở cổng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội là một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, nhằm tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Ngày 19-9 tới đây, sau hơn 10 năm đầu tư và xây dựng, làng sẽ chính thức làm lễ mở cổng làng.

Không gian đậm chất truyền thống

Không gian rộng hơn 1.500ha với địa hình đẹp, có núi, đồi, hồ nước và rất nhiều cây xanh, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được coi là một địa điểm lý tưởng tại thủ đô Hà Nội để xây dựng ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tới nay, 34/54 ngôi làng dân tộc của đồng bào đã hoàn thành và bắt đầu được đưa vào sử dụng.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn, người đã nhiều năm gắn bó với dự án này cho biết, ngay từ bước chuẩn bị đầu tư, bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương, mời bà con các dân tộc tham gia vào công tác chuẩn bị dự án, định hình quy trình xây dựng khu các làng dân tộc để các chủ thể văn hóa (54 dân tộc) tự giới thiệu về mình.

Bên cạnh đó, để đồng bào các dân tộc phát huy vai trò của chủ thể văn hóa, tháng 4 vừa qua, hội nghị xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban quản lý làng văn hóa và các địa phương được tổ chức. Theo đó, trong thời gian tới, đồng bào dân tộc sẽ về đây, ở đây, quản lý và cùng khai thác với Ban quản lý.

Hiện đang có hai phương án, hoặc chọn các học sinh, sinh viên của các trường dân tộc nội trú sau khi tốt nghiệp về đây ở các làng của chính dân tộc mình, họ sẽ trở thành cán bộ công nhân viên của làng và làm hướng dẫn viên; hoặc tổ chức cho một nhóm đồng bào dân tộc về đây sinh sống một thời gian, sau đó lại luân phiên nhóm khác.

“Dù chọn phương án nào thì việc tạo môi trường sản xuất, tránh sự xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của đồng bào khi sinh sống tại làng, cũng đang được tính tới”, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định.

Bà con dân tộc đã tề tựu về làng văn hóa chuẩn bị cho ngày mở cổng làng.

Bà con dân tộc đã tề tựu về làng văn hóa chuẩn bị cho ngày mở cổng làng.

Và không gian di sản thế giới

Theo quy hoạch làng văn hóa, song song với khu 54 làng văn hóa dân tộc, khu di sản thế giới cũng được xây dựng rộng khoảng 40ha. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ tập trung vào hạ tầng cơ sở và khu các làng dân tộc. Các khu vui chơi giải trí, khu di sản văn hóa thế giới… sẽ kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhà đầu tư sẽ xây dựng dự án theo định hướng của mình phù hợp với quy hoạch và mục tiêu chung của làng.

Trong chiến lược khai thác, Ban quản lý cũng đã xây dựng đề án để thu hút khách đến làng như một điểm đến của du lịch văn hóa. Thực tế, tại Việt Nam, chưa có nơi nào xây dựng được một khu quây quần, ấm áp và góp mặt đầy đủ 54 dân tộc như nơi đây và chưa nơi nào đưa được các dân tộc tập trung sống theo một quy mô lớn như vậy.

Bên cạnh đó, đây là nơi gìn giữ, giới thiệu và phát huy bản sắc giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam, chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với khách trong nước. Kế hoạch phối hợp với Tổng cục Du lịch để các công ty lữ hành xây dựng tour đến làng… đang được tính tới.

Trước mắt, làng văn hóa sẽ là điểm đến ấn tượng đẹp của khách quốc tế đến Hà Nội nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tại thời điểm này, con đường chính từ đại lộ Thăng Long kéo dài vào làng đang được gấp rút hoàn thiện để tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho du khách tham dự sự kiện khai trương vào ngày 19-9 tới.

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó trưởng Ban quản lý làng, cho biết: Không gian văn hóa của các dân tộc nơi đây đã được xây dựng và thể hiện sinh động. Ban quản lý đã làm việc với Tổng công ty Vận tải Hà Nội để tổ chức tuyến xe buýt đến địa điểm này. Riêng trong những ngày khai trương mở cổng làng, tần suất hoạt động là 1 giờ/chuyến. Hiện tại, một số bà con đồng bào dân tộc đã đến làng để trưng bày hiện vật, vật dụng chuẩn bị đón khách. Tất cả đang hồi hộp chờ đợi tới ngày mở cửa làng. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục