Nghệ An - ngổn ngang di tích xuống cấp

Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ rất lớn. Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An, hiện đơn vị này đang được phân cấp quản lý 1.300 di tích, trong đó có 127 di tích cấp quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh. Thế nhưng, theo khảo sát của đơn vị này, có đến 50% chùa và 30% đình bị xuống cấp, nhiều di tích đã không còn nguyên bản.
Nghệ An - ngổn ngang di tích xuống cấp

Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ rất lớn. Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An, hiện đơn vị này đang được phân cấp quản lý 1.300 di tích, trong đó có 127 di tích cấp quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh. Thế nhưng, theo khảo sát của đơn vị này, có đến 50% chùa và 30% đình bị xuống cấp, nhiều di tích đã không còn nguyên bản.

  • Họp chợ trên di chỉ khảo cổ học

Những ai đi trên quốc lộ 1A qua địa bàn xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu) chắc chắn không thể biết nơi đây có một di chỉ khảo cổ học nổi tiếng - di chỉ Cồn Điệp Quỳnh Văn. Trên nền khu khảo cổ này hiện là chợ Vân.

Ông Hồ Minh Kiều, cán bộ phụ trách văn hóa xã Quỳnh Văn cho biết: Ngay từ năm 1930, một nhà khảo cổ người Pháp đã đến đây khảo cứu và phát hiện đây là một di chỉ quý. Từ những năm 1960, một số cuộc khai quật khảo cổ nữa cũng được tiến hành và phát hiện nhiều hiện vật quý thể hiện bằng chứng về một nền văn hóa cách đây khoảng 6.000 – 7.000 năm. Khoảng năm 1974 thì xuất hiện việc họp chợ ở đây, ngoài ra người dân còn đào lấy sò điệp để đóng gạch làm nhà.

Ông Kiều cho hay, đến giờ, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào tìm đến hay có văn bản chính thức công nhận đó là di chỉ khảo cổ. Xã chỉ nhận được thông tin là không cho dân xây dựng thêm trên khu di chỉ. Hiện khu chợ Vân mới đang được xây dựng, khi người dân chuyển đi, hy vọng di chỉ sẽ bắt đầu có cơ hội “ló mặt”. Nhưng đó mới chỉ là sự “ló mặt” vô hồn, còn để nó hiển hiện thực sự thì phải cần các ngành các cấp liên quan vào cuộc.

Mái đình Lương Sơn đã bị hư hỏng nặng.

Mái đình Lương Sơn đã bị hư hỏng nặng.

Không phải chịu cảnh hẩm hiu như di chỉ Cồn Điệp Quỳnh Văn, đình Lương Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương) khá hơn vì đã được các cấp ngành quan tâm, dù sự quan tâm đó chỉ mới… trên giấy. Khi đến thăm đình, ông Hoàng Văn Hữu - người trông coi đình - dẫn chúng tôi vào xem gian hậu cung. Thật xót xa khi thấy tấm biển ghi chỉ dẫn “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” (được xếp hạng năm 1990) nằm ở góc gian hậu cung.

Ông Hữu cho biết, do khi đào mương phía trước cổng đình đã không chỉ làm mất luôn biển chỉ dẫn mà còn phá luôn cả hàng rào bảo vệ đình. Ở khu vực đình chính, nhiều họa tiết, hoa văn trên các cột, kèo đã không còn nguyên trạng, nhiều điểm trong đình nhìn lên thấy được ánh nắng mặt trời, mái phía phải đình ngói đã sạt xuống…

Ông Lê Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết xã đã gửi kiến nghị lên các cấp xem xét tôn tạo đình. Ngày 15-9-2008, đơn vị chuyên trách của Bộ VH-TT-DL là Ban Quản lý di tích và danh thắng Nghệ An về tìm hiểu, khảo sát. Nhưng từ đó đến nay, xã vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Mới nhất, vào ngày 26-8-2011, xã mới nhận được công văn của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đô Lương thông báo: Do công trình tôn tạo, nâng cấp đình Lương Sơn có kết cấu phức tạp, cần có cán bộ quản lý chuyên ngành đủ năng lực nên UBND tỉnh thay đổi chủ đầu tư từ UBND huyện Đô Lương chuyển sang Ban Quản lý di tích và danh thắng Nghệ An.

  • Lại là kinh phí

Do thiếu kinh phí nên không ít công trình tôn tạo, nâng cấp di tích trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa thể thực hiện được. Đơn cử như việc mở rộng, nâng cấp Khu di tích nhà yêu nước Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn). Hiện vướng mắc nằm ở 2 hộ dân chưa thể di dời vì thiếu kinh phí thanh toán cho họ. Việc này đã được Ban Ban Quản lý di tích và danh thắng đề xuất cách đây 3 năm nhưng chưa được duyệt, trong khi càng để lâu thì kinh phí càng đội lên.

Ngay cả việc phục dựng Văn miếu Vinh cũng gặp khó khăn vì kinh phí. Địa điểm được chọn là khu vực khuôn viên Công ty In và 14 hộ dân trên đường Ngô Đức Kế (thuộc phường Hồng Sơn). Tuy nhiên, giá đất theo khung nhà nước tại khu vực này là 30 triệu đồng/m2, còn theo giá thị trường là 60 triệu đồng/m2, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Nghệ An cho biết: “Thực trạng di tích xuống cấp là do trải qua 2 cuộc chiến tranh, bị bom đạn tàn phá. Ngoài ra, đã từng có lúc chúng ta chưa hiểu đúng về giá trị các di tích nên đã phá đi. Những năm gần đây, việc khôi phục lại các di tích được quan tâm tích cực. Tuy nhiên, số di tích được khôi phục chưa nhiều do nguồn kinh phí còn khá eo hẹp”.

Từ năm 2002-2009, Ban Quản lý di tích và danh thắng mỗi năm bình quân nhận được 300 triệu đồng cho công tác tu bổ, nâng cấp di tích. Từ năm 2010, nâng lên 500 triệu đồng/năm. Nhưng với số tiền này, ông Thanh ví von: “Nhà đông con, cha mẹ cũng khó”.

Theo ông Thanh, nên gắn trách nhiệm với từng địa phương cụ thể. Nhưng do phần lớn các địa phương còn đang gặp khó khăn nên nhà nước phải có một khoản kinh phí “kích cầu”, từ đó địa phương kêu gọi xã hội hóa góp công, chung tay vào việc phục dựng di tích. 

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục