Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại

Văn hóa tạo động lực thúc đẩy phát triển

Thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, trên địa bàn thành phố đang có những chuyển động tích cực. Các sở, ban ngành, đoàn thể, quận huyện đều đã hoặc đang triển khai quán triệt nghị quyết quan trọng này với những việc làm cụ thể, nghiêm túc, thiết thực. PV Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM về những vấn đề mấu chốt trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu mới.
Văn hóa tạo động lực thúc đẩy phát triển

Thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, trên địa bàn thành phố đang có những chuyển động tích cực. Các sở, ban ngành, đoàn thể, quận huyện đều đã hoặc đang triển khai quán triệt nghị quyết quan trọng này với những việc làm cụ thể, nghiêm túc, thiết thực. PV Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM về những vấn đề mấu chốt trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu mới.

* PV
: Trước thực trạng phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của thành phố là một trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước, một số vấn đề văn hóa gây bức xúc xã hội chậm được khắc phục, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM có những giải pháp gì để giải quyết? Vấn đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong thời kỳ mới?

* Đồng chí Nguyễn Thành Rum: Thời gian tới, trên cơ sở mạnh dạn nhìn cặn kẽ những hạn chế, khiếm khuyết trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành một số giải pháp đồng bộ như sau: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL ngày 16-4-2012 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nhằm chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, đồng thời tham mưu UBNDTP ban hành Chỉ thị cũng nhằm mục đích như trên nhưng cụ thể trong điều kiện đặc thù của thành phố.

Xây dựng chiến lược, xu hướng phát triển của ngành về: cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư, chính sách đãi ngộ, nâng cao chất lượng đội ngũ làm văn học nghệ thuật thành phố.

Tham mưu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Kiến nghị ban hành các biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn, đồng thời tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn kịp thời, thường xuyên để các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật và cá nhân các nghệ sĩ nâng cao nhận thức, hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách về văn học nghệ thuật, qua đó tránh được những sai sót, khuyết điểm.

Về cuộc vận động nếp sống văn minh đô thị, thực chất là một cuộc vận động đối với cộng đồng dân cư, do người dân thực hiện và kết quả trước hết phục vụ cho lợi ích cuộc sống của người dân. Do đó, giải pháp tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cộng đồng, ý thức tự giác thực hiện của từng người dân vẫn phải là giải pháp chủ đạo bên cạnh các giải pháp khác gồm: Trang bị tốt cơ sở vật chất tiện ích công cộng tạo điều kiện cho người dân ứng xử văn minh, lịch sự; giữ gìn trật tự vệ sinh nơi công cộng; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn dân cư.

Việc xử lý vi phạm lĩnh vực này có nhiều khó khăn như: hành vi vi phạm nếp sống văn minh thường diễn ra nhanh khó phát hiện, không đủ lực lượng để kiểm tra, quản lý trên khắp địa bàn; mức phạt hành chính trong một thời gian dài khá thấp, thiếu tác dụng răn đe… nên đòi hỏi ngành văn hóa và các cơ quan có liên quan phối hợp đồng bộ và nỗ lực hơn nữa, đeo bám địa bàn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh. Thậm chí trường hợp vi phạm gây hậu quả tai hại lớn có thể thông báo đến đơn vị, gia đình có người vi phạm để phối hợp nhắc nhở, giáo dục.

Đường sách - Một trong những nét đẹp văn hóa của TPHCM mỗi độ xuân về.

Đường sách - Một trong những nét đẹp văn hóa của TPHCM mỗi độ xuân về.

Hiện nay một số nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đã được thay đổi theo hướng tăng nặng hơn về mức xử phạt cũng đã phát huy tác dụng như NĐ 117/2009/NĐ-CP, NĐ 73/2010/NĐ-CP. Đồng thời thành phố và 24 quận huyện cũng đã thí điểm thực hiện nhiều mô hình nhằm phát huy hiệu quả quản lý nhà nước với sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng dân cư, được đánh giá có kết quả tốt và đã phổ biến nhân rộng thực hiện như: Tuyến đường văn minh đô thị, khu phố - tuyến đường không rác, khu dân cư tự quản, tổng vệ sinh khu phố - tổ dân phố hàng tuần… Kết quả thực hiện các nội dung: Vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị là các tiêu chuẩn để bình chọn các danh hiệu văn hóa của khu dân cư, đã có tác dụng tích cực trong việc động viên người dân cùng tham gia hưởng ứng.

* Mô hình thiết chế văn hóa nào phù hợp với việc phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc?

* Thời gian qua, thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở đều thực hiện tốt chức năng hoạt động và nhiệm vụ chính trị của mình, có nhiều loại hình, sản phẩm văn hóa truyền thống chất lượng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được đưa đến công chúng kịp thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Giải pháp chính yếu trong giai đoạn mới nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa là, bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, chúng tôi rất quan tâm tới việc đầu tư nâng cấp các thiết văn hóa cấp thành phố cho xứng tầm là một trung tâm văn hóa xã hội của cả nước. Thành phố đang quan tâm đầu tư Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, rạp xiếc thành phố, Nhà hát Trần Hữu Trang từ nay đến năm 2015, sau đó tiếp tục đầu tư hoàn thiện các Bảo tàng và hệ thống các Nhà hát, Nhà Văn hóa cấp thành phố để phục vụ công chúng.

* Biện pháp giảm dần sự cách biệt về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn?

* Đây là một vấn đề lớn, cần phải có những chủ trương, chính sách ở cấp vĩ mô đồng thời phải có sự quan tâm phối hợp của nhiều ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Một trong nhiều tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2012 cũng nhằm giảm dần sự cách biệt này. Trong đề án quy hoạch phát triển ngành văn hóa TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, chúng tôi cũng rất quan tâm đến mục tiêu quy hoạch mang tính đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh hai tiêu chí về văn hóa gắn kết với thể thao trong công việc hệ trọng này.

Hiện nay, bình quân mỗi năm thành phố chi khoảng 5 tỷ đồng cho chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất… (bao gồm kinh phí phục vụ nghệ thuật và chiếu phim lưu động), theo tôi, đây cũng chỉ là một trong những biện pháp tạm thời nhằm giảm dần sự cách biệt trong hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn, về lâu dài cần phải có nhiều chủ trương, chính sách toàn diện hơn, ví dụ như hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng của cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở, tăng nhịp độ xã hội hóa hoạt động văn hóa- thể thao phù hợp với tình hình mới một cách hợp lý và có định hướng…  

Nguyên Khang (thực hiện)

Thông tin liên quan

>> Giữ gìn ổn định chính trị - xã hội về mọi mặt

>> “Chìa khóa vàng” cho tiến trình phát triển TPHCM 

Tin cùng chuyên mục