Sức hấp dẫn của sự thật

Là một trong các hội văn học nổi tiếng nhất cả nước, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm chú ý của bạn đọc. Vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã công bố danh sách các tác giả, tác phẩm đoạt giải thưởng năm nay, theo đó giải văn xuôi đã thuộc về tác phẩm bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của nhà văn Nguyên Ngọc.

Có thể nói, chưa bao giờ thể loại văn chương phi hư cấu như hồi ký, bút ký nở rộ như hiện nay. Về mặt kinh doanh, hàng loạt tác phẩm dạng này gây xôn xao dư luận như Tôi là một con lừa của Nguyễn Phương Mai, John đi tìm Hùng của Hùng John, Phút 90++ của Trương Anh Ngọc… và dĩ nhiên không thể không kể đến hai cuốn sách của tác giả Huyền Chip.

Một điều đáng chú ý là văn học phi hư cấu đón nhận sự tham gia với số lượng lớn các tác giả trẻ. Điều này được xem là dễ hiểu khi văn học phi hư cấu đôi khi không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm viết, trải nghiệm sống, tài năng sáng tạo… như các thể loại văn chương khác. Có đôi khi, tác phẩm chỉ đơn thuần là một dạng nhật ký, ghi chép lại những sự kiện diễn ra với tác giả trong một hành trình, một sự kiện nào đó. Sự thu hút với bạn đọc chỉ đơn thuần nằm ở chỗ hành trình đó, sự kiện đó tương đối xa lạ, độc đáo với người đọc.

Vì vậy, không thể nói là hấp dẫn về mặt văn chương nhưng câu chuyện hành trình đến Lybia ầm vang tiếng súng của Nguyễn Phương Mai, đi dọc Việt Nam không xu dính túi của Trần Hùng John… vẫn thu hút người đọc. Đó chỉ mới tính những tác phẩm đã xuất bản, nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ khác cũng đang chờ ra mắt với những câu chuyện mới, những sự kiện lạ mà tác giả đã trải qua. Không thể phủ nhận, các tác giả trẻ đã tìm thấy ở văn chương phi hư cấu một cơ hội để tìm kiếm thành công trên con đường sáng tác.

Thế nhưng, mọi việc lại không đơn giản như thế, nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã nêu ra bản chất của thể loại văn chương phi hư cấu: “Điều chính yếu làm nên giá trị, phẩm chất và ưu thế của văn phi hư cấu là tính chính xác và trung thực của nó. Sự kiện đã xảy ra khi nào? Ở nơi chốn nào? Ai đã tham gia vào sự kiện đó? Trong tất cả những trường hợp này, người đọc đòi hỏi câu trả lời cặn kẽ và rõ nghĩa, dù đó là con số, ngày tháng, lời khẳng định hay phủ định”.

Chính lối suy nghĩ chỉ cần viết ra là đủ trở thành một tác phẩm văn chương phi hư cấu là nguyên nhân chính xảy ra tình trạng tranh cãi về một số tác phẩm phi hư cấu thời gian qua, nhất là các tác phẩm của những cây bút trẻ. Tuy nhiên, lỗi có phải thực sự ở họ?

Rất nhiều tác giả trẻ là người tay ngang, sáng tác với họ là một hành trình đầy mới lạ. Khi viết, họ chỉ thuần túy viết cho mình, viết cái mình muốn mà không hề biết đến những yêu cầu cần thiết của văn chương phi hư cấu. Vấn đề là một tác phẩm không thể tự dưng xuất hiện, nó sẽ phải thông qua rất nhiều khâu, trong đó một phần rất quan trọng là biên tập ở các NXB. Và đáng lẽ hỗ trợ những tác giả trẻ này trong việc hoàn thiện các tác phẩm thì một số NXB, công ty sách lại chỉ nghĩ đến lợi nhuận kinh doanh, không những không góp phần hoàn thiện tác phẩm mà còn đẩy tác phẩm đi xa khỏi khái niệm “sự thật”.

Phi hư cấu là một dòng văn chương tuyệt vời với những tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật, được bạn đọc chú ý và có thể xem là một công cụ góp phần khuyến khích, rèn luyện sáng tác. Thế nhưng, đã đến lúc rất cần sự chung tay của những người làm sách, các nhà phê bình để định hướng cho các tác giả trẻ sáng tác đúng bản chất của thể loại văn chương này, đừng để phi hư cấu vốn thành công bằng sự thật lại trở thành một sản phẩm giả tạo, đánh lừa bạn đọc.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục