Ba nhà thơ nổi tiếng tuổi rắn

Nói về các nhà thơ hiện đại tuổi rắn ở Việt Nam thì có nhiều nhưng trong bài viết này, xin chỉ được mạn phép nói về 3 nhà thơ cầm tinh con rắn nổi tiếng, có những đóng góp to lớn cho nền thi ca Việt Nam.

Nói về các nhà thơ hiện đại tuổi rắn ở Việt Nam thì có nhiều nhưng trong bài viết này, xin chỉ được mạn phép nói về 3 nhà thơ cầm tinh con rắn nổi tiếng, có những đóng góp to lớn cho nền thi ca Việt Nam.

Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2-2-1917 (Đinh Tỵ) tại xã Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định nhưng quê gốc của ông ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã từng sống và làm việc ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Ông tham gia phong trào Việt Minh năm 1944, sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I và là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật CHDC Đức năm 1983. Ông được giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954 với tập thơ Ngôi sao và được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên năm 1996.

Trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà thơ Xuân Diệu đã xuất bản nhiều tập thơ và hầu hết đều được tái bản nhiều lần như: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Ngọn quốc kỳ (1945), Hội nghị non sông (1946), Dưới sao vàng (1949), Riêng chung (1960), Mũi cà Mau - Cầm tay (1962), Một khối hồng (1964), Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Hồn tôi đôi cánh (1976), Thanh ca (1982), Một chùm thơ (1983), Tuyển tập Xuân Diệu (1982). Ngoài thơ ra, Xuân Diệu còn xuất bản 7 tập văn xuôi, 7 tập tiểu luận phê bình và 4 tác phẩm dịch.

Xuân Diệu được biết đến là một nhà thơ nổi tiếng, tiên phong trong phong trào thơ mới, ngay từ 2 tập thơ đầu tiên Thơ thơ và Gửi hương cho gió, Xuân Diệu đã sớm xác lập vị thế của mình trên thi đàn Việt Nam. Ngoài những đóng góp to lớn cho thơ mới, Xuân Diệu còn được phong là ông hoàng của thơ tình với những bài thơ tình buồn nhưng chứa chất tính triết lý hiện sinh về tình yêu.

Nói về mình và thi ca, nhà thơ Xuân Diệu viết: “...Tôi là học sinh của nhiều nhà trường, mãi mãi tôi vẫn là học sinh. Dù vậy, tôi đi trên đôi chân mình và điều cơ bản nhất mà thơ tôi hiến cho bạn đọc là những giọng điệu của tôi, là tâm khảm, là linh hồn của tôi”.

Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, còn có bút danh Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh, ông sinh ngày 2-2-1929 (Kỷ Tỵ) ở xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nhà thơ Giang Nam hoạt động cách mạng từ rất sớm (năm 16 tuổi) và làm Phó ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Sau 1954, ông kinh qua các chức vụ Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, ông công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam với vai trò Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Trưởng ban Đối ngoại. Sau đó ông trở về quê làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Khánh Hòa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI.

Nhà thơ Giang Nam đã xuất bản nhiều tác phẩm thơ và cũng nhận được hàng chục giải thưởng về văn học, trong đó có giải nhì về thơ của Tạp chí Văn nghệ năm 1961 cho bài thơ nổi tiếng Quê hương; Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cho tập thơ Quê hương và Giải thưởng Nhà nước về văn học đợt I năm 2001.

Bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam đã được đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy cho học sinh. Bao thế hệ học sinh đã từng học, từng thuộc lòng bài thơ của ông nhưng số phận “khoa bảng” của bài thơ thì lại long đong. Chả là năm 1961 khi xét thưởng cho bài thơ có những ý kiến trao giải nhất cho bài thơ nhưng cũng có ý kiến chỉ nên trao giải ba cho bài thơ vì chúng ta đang đánh Mỹ, bài thơ sợ có ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của quân và dân ta và cuối cùng để trung hòa hai luồng ý kiến “nghệ thuật” và “chính trị”, bài thơ được trao giải nhì!

Nói về văn chương, nhà thơ Giang Nam viết: “Tôi thấm thía một điều: cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc là ngọn nguồn cảm xúc, là niềm vui và nỗi đau trong thơ tôi. Hoan nghênh những tìm tòi về hình thức. Mọi thứ “làm dáng” tôn vinh chữ nghĩa đều có mặt trái của nó là ngăn cản thơ đi vào lòng người. Tôi nghĩ rằng thơ Việt Nam phải mang đặc điểm Việt Nam, càng phát triển, đổi mới càng phải biết bảo tồn cái gì là Việt Nam, là dân tộc trong thơ”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, sinh ngày 14-1-1941 (Tân Tỵ), quê ông ở Phú Thọ trong một gia đình cha là nhà giáo còn mẹ làm ruộng. Ngay từ bé ông đã đi học xa nhà, sau khi học xong Đại học Sư phạm Hà Nội, ông trở thành người lính chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom đạn trong 8 năm, từ đây ông đã cho ra hàng loạt những bài thơ nổi tiếng về người lính và những cô thanh niên xung phong. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc trở thành những ca khúc nổi tiếng như Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây.

Sau khi rời quân ngũ, nhà thơ Phạm Tiến Duật làm Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, rồi làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

Trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã in nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm chính như: Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970), Thơ một chặng đường (thơ, 1971), Ở hai đầu núi (thơ, 1981), Nhóm lửa (thơ, 1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 2000)... Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969 - 1970, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 4 năm 2012.

Nói về nghề văn, nhà thơ Phạm Tiến Duật viết trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại những điều tâm sự về cái Thiện và cái Ác trong con người trong các tác phẩm đầy triết lý: “...Tài liệu của văn chương, căn cớ của văn chương có thể là cái Ác nhưng mục đích của văn chương phải là cái Thiện. Cái Ác ấy là sự sắp đặt lý trí làm trọng còn cái Thiện lấy sự uẩn khúc của tình đời làm trọng. Có nền văn học nào trên thế giới lại thiếu cái tình uẩn khúc ấy? Cứ ngẫm một hồi về thơ Đường và thơ Tống, cũng rõ. Nhưng muốn làm cái Ác đã khó mà muốn làm cái Thiện còn khó hơn nhiều. Muốn có cái Thiện của thời này phải học kỹ lưỡng lắm. Chẳng hạn, muốn trung thực mà không hiểu biết cũng không thể trung thực được. Vậy trước mặt nhà văn luôn luôn là một biến đổi”.

Nhà văn VŨ ĐẢM

Tin cùng chuyên mục