Ngày hội lớn của người đọc sách

Người dân TPHCM đã không còn xa lạ gì mô hình “Hội sách”, với tiêu chí là nơi tập trung đa dạng các đầu sách, có giá bán rẻ hơn so với thị trường. Hội sách đã là một hoạt động văn hóa đọc nhiều ý nghĩa. Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã công bố một hoạt động văn hóa đọc mới - “Ngày đọc sách” đầu tiên của TPHCM.
Ngày hội lớn của người đọc sách

Người dân TPHCM đã không còn xa lạ gì mô hình “Hội sách”, với tiêu chí là nơi tập trung đa dạng các đầu sách, có giá bán rẻ hơn so với thị trường. Hội sách đã là một hoạt động văn hóa đọc nhiều ý nghĩa. Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã công bố một hoạt động văn hóa đọc mới - “Ngày đọc sách” đầu tiên của TPHCM.

  • “Đọc sách” thay cho “bán sách”

Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, ý tưởng của “Ngày đọc sách” xuất phát từ chương trình Lễ hội Đường sách do sở tổ chức vài năm qua. Ở đường sách, việc bán sách chỉ chiếm một phần nhỏ, cung cấp sách, tạo một nơi đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách mới là thành công lớn nhất của đường sách. Chính từ đó, ý tưởng một “Ngày đọc sách” tập trung hoàn toàn vào yếu tố “đọc sách” thay cho việc “bán sách” được đề ra.

Cũng vì thế, khác với các hội sách, yếu tố số lượng sách, giá bán sách hầu như không được chú trọng ở chương trình “Ngày đọc sách”. Các thông tin được giới thiệu chỉ tập trung ở các đơn vị tham gia, các hoạt động văn hóa đọc và quan trọng nhất là vấn đề đọc sách.

Tọa đàm sách luôn thu hút đông đảo bạn đọc sẽ là điểm nhấn của “Ngày đọc sách 2013” lần đầu được tổ chức tại TPHCM.

Tọa đàm sách luôn thu hút đông đảo bạn đọc sẽ là điểm nhấn của “Ngày đọc sách 2013” lần đầu được tổ chức tại TPHCM.

Theo đó, Ngày đọc sách 2013 lần đầu tiên được tổ chức ở TPHCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-4-2013 tại Cung văn hóa Lao động. Tham dự có 8 đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến sách như các nhà phát hành Fahasa, Tiki, Cửu Đức (Nhà sách Hà Nội); các đơn vị xuất bản NXB Trẻ, Tổng hợp; các nhà làm sách như Nhã Nam, Thaihabooks và Công ty Lạc Việt giới thiệu mô hình sách điện tử.

Việc đọc sách được đưa lên hàng đầu. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Thaihabooks đồng thời là đại diện ban tổ chức, tại Ngày đọc sách 2013 sẽ dành hẳn một khu vực lớn có trang bị ghế, mái che… để bạn đọc ngồi đọc sách. Sách đọc được các đơn vị tham gia cung cấp miễn phí với nội dung đa dạng, bao gồm gần như toàn bộ các đầu sách đang có trên thị trường.

Thực chất, ở một số hội sách hay ở các nhà sách lớn trên địa bàn TP đều có tổ chức những khu vực đọc sách. Tuy nhiên, dành phần lớn diện tích và số sách đa dạng, phong phú như Ngày đọc sách 2013 thì đây là lần đầu tiên.

  • 2 ngày 7 tọa đàm

Không chỉ ngồi đọc sách, ngày đọc sách còn tập trung vào việc tổ chức các buổi tọa đàm với chủ đề khuyến khích thói quen đọc sách của người dân. Chỉ trong 2 ngày, tại Ngày đọc sách 2013 sẽ diễn ra đến 6 cuộc tọa đàm về văn hóa đọc và các cuộc tọa đàm đều được xây dựng một cách đầy thực tế, thiết thực từ nội dung đến người thuyết trình.

Cuộc tọa đàm đầu tiên được tổ chức vào lúc 9 giờ 30 sáng 20-4 có chủ đề “Thói quen đọc sách của người công chức lãnh đạo”, khách mời tham dự là bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM. Đến trưa, cuộc tọa đàm có chủ đề “Đọc sách để sáng tạo và đồng cảm” có sự tham dự của thạc sĩ nghệ thuật, nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

Các cuộc tọa đàm khác, ban tổ chức cũng đã mời những nhân vật nổi bật, phù hợp nhất với chủ đề như “Kỹ năng đọc trên internet” do ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Lạc Việt, một trong những đơn vị đi đầu về thông tin điện tử. Hay cuộc tọa đàm “Sách và hội nhập” có sự tham gia của bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Phạm Phú Ngọc Trai, tọa đàm “Tôi tư duy, tôi thành đạt” do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Thaihabooks trình bày.

Cuộc tọa đàm lớn nhất của ngày đọc sách sẽ diễn ra ngay trước lễ bế mạc với sự tham gia của tất cả khách mời trước đó, tọa đàm xoay quanh một chủ đề lớn: “Văn hóa đọc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

  • Ngày hội văn hóa

Ngoài đọc sách, tọa đàm văn hóa đọc, Ngày đọc sách 2013 còn có hàng loạt hoạt động khác, biến ngày đọc sách thành một ngày hội văn hóa của TPHCM và cả các tỉnh lân cận.

Được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 86 năm ngày phát hành cuốn sách Đường kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (21-4-1927) nên tại ngày đọc sách sẽ có một cuộc triển lãm sách báo quý hiếm có chủ đề “Sách báo thời 9 năm”. Cuộc triển lãm sẽ trưng bày hơn 50 đầu sách báo cách mạng ra đời trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Trong đó có nhiều đầu sách quý hiếm như Tuyên ngôn Đảng cộng sản (F.Engels và Karl Marx) do X.Y.Z lược dịch (bút danh của Hồ Chủ tịch) xuất bản tại Liên khu IV 1950. Bàn về mâu thuẫn, bút ký của C.B (bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) NXB Sự thật 1952…

Ngày đọc sách sẽ là sự kiện mở đầu cho một loạt các hoạt động về văn hóa đọc dự kiến sẽ được tổ chức trong năm 2013. Trước mắt, ngay sau ngày đọc sách được tổ chức tập trung lần nay, Sở TT-TT sẽ triển khai thực hiện tiếp ngày đọc sách tại NVH Thanh niên, NVH Phụ nữ, các trung tâm văn hóa quận - huyện. Đến năm 2014, hoạt động ngày đọc sách sẽ tiếp tục mở rộng tổ chức tại các nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn TPHCM.

Chương trình “Góp sách hay, gieo ước mơ” là một hoạt động hưởng ứng ngày đọc sách do Sở TT-TT TPHCM kết hợp cùng Công ty cổ phần Tiki thực hiện. Các tình nguyện viên của chương trình sẽ đi vận động, kêu gọi mọi người đóng góp sách và nhận sách đóng góp tận nhà những bạn đọc có hảo tâm. Toàn bộ số sách quyên góp được sẽ đường dành tặng cho người dân các vùng nông thôn, huyện đảo, hải đảo và công nhân các khu công nghiệp. Chương trình hiện đang được thực hiện và đến ngày 21-4 sẽ tổng kết tại ngày đọc sách.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục