Xây dựng các tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị cao: Còn nhiều ngổn ngang

Câu chuyện 5B
Xây dựng các tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị cao: Còn nhiều ngổn ngang

Sáng 18-7, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nhằm xây dựng những tác phẩm văn học-nghệ thuật (VHNT) giá trị cao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa 8”. Trải qua 15 năm đưa vào đời sống, nghị quyết đã góp phần mang đến sự phát triển đa dạng của VHNT đất nước nhưng bên cạnh đó cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi các biện pháp thiết thực để giải quyết, đưa VHNT đáp ứng được nhu cầu của xã hội phát triển.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng, Mỹ Uyên và Cát Tường trong vở Biển của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng, Mỹ Uyên và Cát Tường trong vở Biển của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.

Câu chuyện 5B

Ngày 17-7-1997, UBND TPHCM ký quyết định nâng cấp CLB sân khấu thể nhiệm thành Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (còn gọi Sân khấu nhỏ 5B). Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 - khóa 8 ra đời và nhanh chóng trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của Sân khấu nhỏ 5B khi đó. Dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của TP, hàng loạt sự kiện lớn của sân khấu TP đã diễn ra tại đây, như Tháng liên hoan sân khấu nhỏ lần 1 (1992), lần 2 (1993). Trở thành đơn vị tiên phong với những vở kịch tạo tiếng vang lớn, thường xuyên duy trì 12-14 vở, mỗi đêm diễn 1 vở khác nhau. Trong đó, có nhiều vở kịch trở thành hiện tượng lớn của sân khấu trong nước như Dạ cổ hoài lang, vở mà khán giả phải xếp hàng mua vé từ trước 1 tháng. Theo NSƯT Thanh Hoàng, người điều hành sân khấu 5B, có được thành quả đó nhờ sự đồng lòng của nghệ sĩ và sự đồng bộ trong công tác chỉ đạo, quản lý của nhà nước.

Bắt đầu từ cuối 2003 đến 2008 nhiều “tinh hoa” từ 5B tách ra làm sân khấu riêng trên cơ sở doanh thu, lợi nhuận. Những sân khấu này cũng không còn lệ thuộc vào Hội Sân khấu TP và một số đơn vị đã thực hiện những vở diễn hướng đến nhu cầu dễ dãi của khán giả và tập trung chủ yếu vào mục tiêu giải trí. Giai đoạn 2008-2013 là thời gian những vở kịch khai thác đề tài đồng tính, ma quỷ, kinh dị… xuất hiện đều đặn và dày đặc, đáng báo động.

Trong khi đó, Sân khấu nhỏ 5B vẫn kiên trì với hành trình của mình với những vở kịch hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất, hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng. Thế nhưng, cơ sở vật chất của cơ sở 5B ngày càng xuống cấp đã cản trở khán giả đến với sân khấu. Thậm chí, dự án làm thang máy phục vụ khán giả, sân khấu 5B đã tự thân vận động, dự án đã có, kinh phí các nhà hảo tâm đã chuẩn bị xong, thế nhưng đã 3 năm qua vẫn chưa thể làm được do vướng cơ chế. Việc biểu diễn cũng thế, như vở Điều ước thiêng liêng đơn vị tự chạy nguồn kinh phí thực hiện, phục vụ các trường học, bệnh viện, xí nghiệp… được đánh giá cao, tạo dư luận tích cực. Theo yêu cầu của TP, 5B tiếp tục phục vụ thêm 20 suất miễn phí, nhà nước hỗ trợ kinh phí nhưng đến khi quyết toán thì chỉ nhận được mức quyết toán của một đơn vị nghệ thuật công lập, không đủ trang trải.

Thực trạng chung

Nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long làm rõ hơn thực trạng hiện nay với những ví dụ ở điện ảnh và âm nhạc. Với điện ảnh, các rạp chỉ tập trung chiếu phim ngoại, còn phim nội dù giải vàng, giải bạc đều bị từ chối hay chỉ chiếu 1-2 suất cho có. Lý do đơn giản là lợi nhuận và cũng vì lợi nhuận khi làm phim trong nước, để thu hút khán giả, nhà sản xuất chỉ chăm chăm vào yếu tố giải trí, xem nhẹ nội dung. Ở âm nhạc, hiện nay bất cứ một chương trình nào cũng có nhà tài trợ và để quảng bá thương hiệu, các nhà tài trợ đã gây áp lực để ưu tiên các loại nhạc thị trường, từ đó tạo nên sự mất cân bằng trầm trọng trong thưởng thức âm nhạc hiện nay. Việc quản lý gần như buông xuôi, để mặc âm nhạc, điện ảnh tự trôi nổi.

Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM Dương Cẩm Thúy lại có một minh họa khác, vấn đề không chỉ ở khâu quản lý mà còn ở cả cách đối xử, quan tâm. Liên hoan phim quốc gia là nơi để người làm phim gặp nhau, xem phim của nhau, trao đổi nghề nghiệp… nhưng người làm phim lại không được mời, thậm chí vé xem phim cũng không có, trong khi ban tổ chức dồn các học sinh cấp 2 đi xem cho đầy rạp. Đối xử với người làm phim tệ đến vậy là cùng.

Một vấn đề nữa được nêu lên là sự thiếu quy hoạch, quan tâm trong đào tạo. Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Uyên Huy nêu thực trạng giảng dạy nghệ thuật như hiện nay, mảng kiến thức cơ bản vẫn chỉ dạy trường phái ấn tượng vốn có từ cuối thế kỷ 19, còn trên 20 trường phái nghệ thuật hiện đại sau đó, rồi hệ thống hậu hiện đại… đều bỏ trống, tạo nên một lỗ hổng kiến thức lớn. Rồi Nghị quyết Trung ương 5 - khóa 8 nêu rõ bảo vệ và phát huy bản sắc truyền thống nhưng trong các trường mỹ thuật Việt Nam lại không có khoa mỹ thuật truyền thống, điều mà các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan… đã làm từ lâu. Việc phát triển văn hóa hiện đại làm sao tiến hành khi hệ thống nhà hát, bảo tàng còn lạc hậu.

Trách nhiệm và vai trò

Trước sự nhiễu loạn của VHNT hiện nay, bà Ngô Ngọc Ngũ Long thẳng thắn nêu ra nguyên nhân lớn nhất là do “chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và nghiêm minh”. Giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ là khẩu hiệu mà còn phải được thực thi bằng chiến lược bảo vệ văn hóa trên cơ sở xây dựng pháp luật về văn hóa cũng như hỗ trợ các lĩnh vực văn hóa trong nước. Như Hàn Quốc đã buộc các rạp chiếu phim phải chiếu phim nội địa ít nhất 106 ngày trong năm, Pháp quy định cụ thể tần suất phim nội địa trên truyền hình… Nếu cứ xem nhẹ, thả lỏng cho thị trường tự do thì hệ quả tất yếu không thể lường trước được.

Bà Dương Cẩm Thúy đặt vấn đề: “… Ta thử đặt ra vài câu hỏi thôi: thanh niên hiện nay làm gì sau giờ học, lao động? Tại sao ta để phim Hàn Quốc, Trung Quốc tràn ngập màn ảnh truyền hình của ta? Tại sao lại để một số phim Việt Nam kém chất lượng chiếm những giờ vàng, có hàng triệu khán giả xem, trong đó có thiếu nhi? Và khi trả lời được những câu hỏi đó, có khi ta sẽ có một chiến lược lớn, toàn diện để phát triển VHNT nước nhà”.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục