Người vẽ viết văn

Viết văn chẳng phải nghề độc quyền của bất cứ ai. Viết văn cũng chẳng dạy mà thành được. Con đường đến với chữ nghĩa là con đường vô định; có người đi hết cả cuộc đời cũng vẫn chỉ chập chững mà thôi; có người vụt lóe sáng lại chợt tắt; lại có người đang rong ruổi nẻo khác bỗng bị “trời đày” cầm bút và rồi những trang văn cứ ào ạt dâng đầy...
Người vẽ viết văn

Viết văn chẳng phải nghề độc quyền của bất cứ ai. Viết văn cũng chẳng dạy mà thành được. Con đường đến với chữ nghĩa là con đường vô định; có người đi hết cả cuộc đời cũng vẫn chỉ chập chững mà thôi; có người vụt lóe sáng lại chợt tắt; lại có người đang rong ruổi nẻo khác bỗng bị “trời đày” cầm bút và rồi những trang văn cứ ào ạt dâng đầy...

Họa sĩ - Nhà văn Lê Trí Dũng

Họa sĩ - Nhà văn Lê Trí Dũng

Là tôi đang nói đến trường hợp cuối cùng, là Lê Trí Dũng đấy! Ông họa sĩ nổi tiếng, “đệ nhất thượng thừa“ về vẽ ngựa bỗng bị trời vừa “đày” vừa xúi viết. Viết một mạch trong dăm bảy năm đã có tới ba tập sách dày dặn mang chung một tựa đề: Những hòn cuội nhặt dọc đường, tính ra đã hơn ngàn trang sách. Mà như anh tâm sự khi ra mắt tập thứ 3 của Những hòn cuội nhặt dọc đường, anh sẽ “nhặt cuội” đến khi nào mạch nguồn trong anh cạn kiệt.

Đến tập thứ 3 Những hòn cuội nhặt dọc đường chắc chắn nhiều người đặt câu hỏi, nguồn mạch nào tuôn chảy và nuôi dưỡng những dòng văn Lê Trí Dũng? Và lạ lùng thay, sức vẽ của ông Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam không những không bị những dòng văn cuốn đi, mà ngược cứ cuồn cuộn dâng trào, ứ tràn trên những tấm toan, giấy điệp, giấy dó. Vậy thì hãy cứ đọc những gì Lê Trí Dũng viết đi. Câu trả lời nằm trong những con chữ không vô cảm kia.
 
Cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã viết về những dòng văn của Lê Trí Dũng: “Tiểu thuyết về chiến tranh thì Bảo Ninh là tác giả được Lê Trí Dũng mến mộ nhất. Còn tản văn (hoặc tạp văn) về đề tài chiến tranh, tôi vẫn cho rằng Lê Trí Dũng là hơn cả. Quan điểm nghệ thuật của tác giả hết sức đơn giản: “Tác phẩm văn chương, tác phẩm hội họa…là tác phẩm nghệ thuật, muốn hay… phải “xuất được cái thần”. Cái thần của bài tản văn được bộc lộ tập trung trong mươi dòng cảm hứng triết luận về chiến tranh. Trong những ngày và đêm chiến tranh khốc liệt nhất thì trời đất vẫn vô tình: “Mặt trời vẫn hừng lên vô tình như từ thuở hồng hoang không có chiến tranh”. Bom đạn cũng vô tình: “Xa xa, tiếng bom pháo vẫn rền nổ vô tình như mọi ngày từ thời chiến tranh bùng nổ”. Đằng sau dáng vẻ vô tình của chiến tranh là “sự tính toán không vô tình chút nào của bộ chỉ huy tối cao cả hai bên”.

Trong tương quan éo le này giữa con người và trời đất hiện lên hình ảnh lẫm liệt những người lính. “Chúng tôi lầm lũi đi trong bình minh giữa rừng cây trụi lá. Bóng in sẫm trên nền trời đỏ hực như vô vọng”. Hình ảnh rỡ ràng “áo chàng đỏ tựa ráng pha” người chinh phu của Đoàn Thị Điểm có cơ bị lu mờ trước hình ảnh lẫm liệt những người lính của Lê Trí Dũng…”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết: “Nếu tôi khen văn của anh viết hay thì thật là không phải, thật chả ra làm sao cả! Có một thứ văn dị ứng với mọi sự bình phẩm dông dài - thứ văn đọc lên là để cùng nhau thấm thía và cùng nhau chia sẻ về những chiêm nghiệm trong trẻo mà dữ dội, tìm thấy ở giữa những góc khuất của cuộc đời - ấy là văn của Lê Trí Dũng”.

Giới mỹ thuật có khoảng dăm người cầm bút, nhưng thành công hơn cả là Lê Trí Dũng và Đỗ Phấn. Đỗ Phấn là dụng công, còn Lê Trí Dũng thì tưng tửng, ngẫu hứng và coi viết là một sự giải lao, bộc bạch những suy nghĩ, tâm tình, trăn trở về nhân tình thế thái, về nghề, về những góc khuất của chiến tranh đã trải đời người đã nếm… Nói như nhà văn Trần Huy Quang: “Cái mạnh của Dũng là những trang viết về thế thái nhân tình, về tình đồng đội. Cái tình của người viết là cái tình của người trong cuộc chứ không phải thương vay khóc mướn”.
 
Trong 3 tập tản văn của Lê Trí Dũng ngồn ngộn chất liệu đời sống, nhưng cao nhất là cái tình của người viết được phả vào từng trang văn. Lê Trí Dũng không cố làm văn hay thận trọng và trau chuốt câu chữ; văn anh như mạch nguồn bị dồn nén lâu ngày, cứ ào ào tuôn chảy trong tâm thế của một con người bộc trực, trắng đen rõ ràng, không giả dối khuất lấp bởi những hư danh hay muôn vàn lý do khác.

Viết văn đối với Lê Trí Dũng như một sự tri ân những gì tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng, cũng đồng thời như giải tỏa tâm hồn… Chính thế nên, những trang viết của Lê Trí Dũng đi vào lòng người như lẽ tự nhiên cuộc sống vốn vậy, với nhiều câu chữ, ý tưởng độc đáo lạ đến ngỡ ngàng.

Anh viết một đoạn văn về Hà Nội, ai đọc cũng như đang đọc chính những tâm trạng mình: “Bay từ Sài Gòn ra, nhìn trên máy bay Hà Nội không còn như dải lụa đỏ trên cánh đồng xanh mướt nữa, cao ốc khối hộp đã mọc lên san sát, có những ngôi nhà mỏng như tờ giấy. Lòng buồn và thầm nghĩ Hà Nội xưa đã không còn, những biệt thự cổ đã bị chắp vá loang lổ, những chung cư đã chụp thêm nhiều lồng sắt trong cơn mưu sinh, buồn mà nghĩ rằng “bao giờ cho đến ngày xưa”… Nhưng lại chợt nghĩ rằng, biết đâu cái “vặn mình” lại báo hiệu một sự đổi mới… Xưa nay lẽ đời là: “Thế gian biến cải vũng nên đồi” mà. Có cái gì giữ mãi được đâu! “Lòng người” là cái bền vững nhất còn có khi thay đổi nữa là…!”.
 
Nếu vậy thì không thể nói chơi được, không thể là những phút ngẫu hứng của một họa sĩ. Mà một con người đau những nỗi đau trần thế như Lê Trí Dũng, nhưng cũng vẫn con người ấy lại mang trong mình một con tim quá nhạy cảm cùng một sức bùng cháy mãnh liệt, hết mình vì nghệ thuật thì một gia tài đáng nể về văn chương đâu có gì khó hiểu. Và, chúng ta chờ sức sáng tạo của Lê Trí Dũng.

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục