Nghề MC: Vinh quang - cay đắng chỉ trong tấc lưỡi

Giờ đây MC đã trở thành một nghề được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, ưa chuộng, không thua gì ham muốn được làm ca sĩ, người mẫu, diễn viên. MC ngày nay cũng có nhiều cơ hội làm việc, đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền, nhanh nổi tiếng nhưng cũng rất dễ trở thành… thảm họa!

Giờ đây MC đã trở thành một nghề được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, ưa chuộng, không thua gì ham muốn được làm ca sĩ, người mẫu, diễn viên. MC ngày nay cũng có nhiều cơ hội làm việc, đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền, nhanh nổi tiếng nhưng cũng rất dễ trở thành… thảm họa!

Khi các chương trình truyền hình thực tế nở rộ, cơ hội dành cho người làm nghề MC nhiều hơn. Ai có bản lĩnh, có cá tính, nhạy bén, cộng thêm sự may mắn sẽ nhận được nhiều show. Từ thành công của show trước, tiếp tục được mời cho những show tiếp theo và cứ như thế, tên tuổi họ được khẳng định, độ “nóng” cũng tăng theo.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có một trường đào tạo MC chính quy. Những MC tên tuổi hiện nay, phần là tự học, tự tích lũy kinh nghiệm; phần tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm, nhà văn hóa hoặc các khóa đào tạo cấp tốc do các đài truyền hình lớn mở ra để bồi dưỡng cho đội ngũ MC của chính nhà đài.

10 năm qua, cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức, cũng là nơi cung cấp và tạo điều kiện làm việc cho một đội ngũ MC trẻ, nhiều tiềm năng, được thị trường đón nhận, như: Trấn Thành, Hồng Phượng, Anh Quân, Quốc Bình… và mới đây có thêm Tú Trinh, Bùi Đức Bảo.

Nhưng để thật sự trụ được với nghề, trở thành một tên tuổi MC được tin cậy và được các chương trình truyền hình thực tế, chương trình ca nhạc, game show “săn đón”, bản thân MC phải biết tự trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm mỗi ngày và tạo được cá tính riêng biệt.

Con đường để trở thành MC chuyên nghiệp, có bản lĩnh, làm chủ và ứng biến nhạy bén với mọi tình huống phát sinh xảy ra trong chương trình không hề dễ dàng. Áp lực thuộc kịch bản, nói cho kịp giờ thường là nguyên nhân dẫn đến những sự cố đáng tiếc, đôi khi biến MC thành thảm họa của “nghề nói”, mà ngay cả những tên tuổi gạo cội trong nghề cũng không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp.

Nhà báo Lại Văn Sâm từng dịch đại lời của diễn viên nước ngoài tại một sự kiện văn hóa lớn; BTV Lê Bình không cần ý tứ buông lời chê bai đồng nghiệp; MC Yumi Dương thì “xin một tràng pháo tay cho nạn nhân vùng lũ” ngay trên sóng trực tiếp.

MC của HTV từng nói hớ: “Nhân dịp sập nhịp cầu dẫn Cần Thơ” hay “Chúc một ngày quốc tang thật nhiều niềm vui” và gần đây phóng viên Sĩ Khỏe bị gắn biệt danh “chuông reo là ném”, khi thẳng tay ném chiếc điện thoại bất ngờ đổ chuông lúc anh đang dẫn trực tiếp trên truyền hình…

Nghệ sĩ Thanh Bạch - một “lão làng” trong nghề MC cho rằng: “MC là một nghề cần nhiều kỹ năng, chứ không chỉ là nói hay. Phải thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức để khi đứng trên sân khấu có thể chủ động dẫn dắt chương trình, đủ bản lĩnh và sự thông minh biến cái có sẵn - kịch bản của ban tổ chức, thành cái của mình để chuyển tải đến người xem. Mình phải tin vào những điều mình nói thì khán giả mới tin. Đừng để lời nói của mình thành thói quen, sẽ rất dễ biến thành tai họa. MC đừng biến mình thành một cái máy nói vô hồn”.

Dù là MC nổi tiếng, nhưng chỉ cần một lần sơ suất, một lần nói sai, nói “hớ” là hình ảnh bấy lâu gầy dựng của MC ấy đổ sông đổ biển. Vinh quang hay cay đắng chỉ cách nhau một “tấc lưỡi” và vì thế, MC luôn thận trọng trong lời nói, ứng xử sẽ không bao giờ thừa.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục