Cuộc đối thoại áo dài

Cuộc đối thoại áo dài

Triển lãm sắp đặt đa phương tiện về chiếc áo dài Việt Nam thời Nguyễn đang diễn ra tại Viện Goeth Hà Nội. Từ cảm hứng khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài của bà Thái Kim Lan - tiến sĩ triết học người Việt Nam, bà Veronika Witte - nghệ sĩ sắp đặt đa phương tiện người Đức - đã làm nên một cuộc trùng phùng rực rỡ.

Các bộ trang phục lịch sử được lồng vào khung cảnh phỏng vấn với nhiều cá nhân để tạo ra tác động không gian về nhiều phương diện. Người xem bước lên trên sàn được gắn từ hàng ngàn chiếc đòn gánh tre, gợi nhớ đến công việc nhà nông cũng như sự tần tảo của người phụ nữ. Chất vải rực rỡ của những chiếc áo dài và khăn vành xưa cùng những tấm ảnh đen trắng, những băng video phỏng vấn về vai trò và ý nghĩa của chiếc áo dài làm trí tưởng tượng của người xem bay bổng trong cảm nhận về con người - lịch sử - xã hội - văn hóa...

Một góc triển lãm. Ảnh: THANH LÂM

Đậm chất Huế

Có lẽ chưa ở đâu mà chiếc áo dài lại được tôn vinh như ở Huế. Ngày xưa vua Khải Định thường mặc áo dài khi ngồi đọc sách, còn bà Lê Thị Dinh - 95 tuổi, từng làm thị nữ của hoàng hậu - kể rằng mình vẫn mặc áo dài khi đi ngủ. Rồi những mệ, những o mặc áo dài quẩy đôi quang gánh bún bò, bánh canh cá lóc, chè… đi bán rong. Người Huế xưa dù chỉ đi ra vườn, ra khỏi nhà vài bước cũng mặc áo dài. Từ vua - người định phong tục đến dân thường - kẻ tuân theo phong tục… đều nghĩ rằng mặc áo dài nghĩa là bày tỏ sự kính trọng đối với người xung quanh, với không gian sống, ngay cả với thánh hiền trong kinh sách.

Trong nhà đã thế, ngoài đường cũng vậy, giờ tan trường, cả đường Lê Lợi như một biển áo dài lan ra từ các trường học. Phụ nữ ở nhiều công sở cũng đều thướt tha áo dài đi làm. Ấy thế mà đã có thời chiếc áo dài chịu cảnh hẩm hiu ngay trên thánh địa của mình. Sau năm 1975, khó khăn về kinh tế và ý thức hệ thời kỳ đó đã ảnh hưởng đến số phận chiếc áo dài. Bà Lê Thị Dinh kể rằng ngay cả chiếc áo dài thường nhật cũng không dám mặc, huống hồ là những chiếc áo xưa. Mặc áo dài thì bị xem là biểu hiện của trưởng giả phong kiến. Lúc ấy, có gia đình còn tìm cách tống khứ những chiếc áo dài để rửa sạch dấu vết tư sản. Có gia đình từng là quyền quý đã nhất mực bán những chiếc áo đại bào quý giá để mua một tô bún bò cho con cháu ăn hay mua một vỉ thuốc chữa cảm.

Rời Việt Nam sang Đức du học năm 1965, bà Thái Kim Lan mang theo chiếc áo dài, “Nhưng đến Đức, chiếc áo bỗng có một vai trò khác: nó làm nên vóc dáng người Việt. Cảm nghiệm lúc ấy là cảm nghiệm về bản sắc, một thứ đồng nhất tính văn hóa. Khi nó được xuất hiện giữa đám đông xa lạ, nó trở nên dấu ấn tự tin cho ta nhận diện mình là người Việt”, bà hồi tưởng.

Mỗi người xem sẽ có những cảm nhận khác nhau về cuộc đối thoại áo dài.

Thế mà sau năm 1975, trở về Huế, bà sững sờ thấy chiếc áo dài biến mất trên đường phố. Lo rằng những chiếc áo dài xưa của mẹ cũng sẽ biến mất nên bà Lan đã nài mẹ mình hãy giữ chúng. Sang Đức, bà dành dụm số tiền học bổng để gửi về giúp mẹ có một chút phương tiện sống. Thật may, hiểu con, nên người mẹ gói ghém một số áo dài của mình chuyển sang Đức cho con. Mười một chiếc áo dài Huế xưa gồm: áo xiêm, long bào của vua Khải Định, thường phục của vua Khải Định, áo rộng màu đỏ lửa lựu, áo mệnh phụ, áo mệnh phụ công nương, áo gấm xanh rêu, áo dài hoàng thái hậu, áo dài lụa vân xanh, áo dài gấm the, áo dài lụa vàng cùng một chiếc khăn vành xưa ấy được gia đình bà Thái Kim Lan nâng niu, gìn giữ suốt hơn 30 năm nay trong một góc căn nhà ở Munchen. Bà tâm sự: “Bộ sưu tập áo dài xưa của tôi khá khiêm tốn, nó gồm mười hai thứ, lại không phải là một bộ sưu tập tầm cỡ với đại bào, triều phục cung đình… Sau nữa, nó được một người thường dân lưu giữ, theo nếp gia đình Việt Nam. Nó là bộ sưu tập đời thường, gồm y áo của người xưa, như người xưa đã mặc, từ bà mẹ của vua, ông vua cho đến các bà mệnh phụ, phu nhân theo lối cư xử hàng ngày. Đối với tôi, bộ sưu tập này được xem như là vết cắt một mảng đời 100 năm áo dài Việt Nam nói chung và áo dài Huế nói riêng.

Cơ duyên

Cơ duyên của cuộc triển lãm này đến từ sự gặp gỡ của bà Thái Kim Lan với bà Almuth Meyer-Zollititsch, Viện trưởng Viện Goeth tại Hà Nội. Trong cuộc trò chuyện, họ đề cập thời trang áo dài Việt Nam. Những chiếc áo dài lâu năm ở một góc trong căn nhà ở Munchen của bà Lan đã hiện ra rực rỡ trong mắt mọi người. Vốn nhạy cảm với những bảo vật văn hóa, bà viện trưởng sốt sắng tạo điều kiện cho cuộc triển lãm bộ sưu tập áo dài xưa. Ý tưởng đưa ra là những hiện vật truyền thống được trình bày trong một không gian hậu hiện đại, trong chuỗi đối thoại liên chủ thể về tính đồng thời của cái không đồng thời, về thời gian và sáng tạo.

Chiếc long bào của vua Khải Định.

Với bà Veronika Witte - nghệ sĩ sắp đặt đa phương tiện đến từ Berlin, áo dài là một hiện tượng chảy tràn của thời gian. Bà đề nghị đặt tên triển lãm là Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh, lấy cảm hứng từ câu thơ trong bài thơ tiếng Đức Die Zeit (Thời gian) của bà Thái Kim Lan. Rồi bà tất bật đi lại giữa Hà Nội và Huế để lựa chọn nhân vật, phỏng vấn, ghi tiếng, ghi hình. Những nhân vật ấy là bà tiến sĩ triết học Thái Kim Lan, chủ nhân bộ sưu tập; bà Lê Thị Dinh, 95 tuổi, từng làm thị nữ của hoàng hậu; nữ sinh viên Chu Hà Thanh, 19 tuổi; tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn; Nguyễn Lan Hương - nhà tạo mẫu áo dài… Bà Veronika Witte cho biết: “Tôi đã thu thập được rất nhiều tư liệu. Những tư liệu đó nói, miêu tả, hiển hiện mà không cần qua ngôn từ. Nội dung phỏng vấn kể về sự dịch chuyển bản sắc văn hóa, về bảo tồn, về xử lý chỗ trống, về biến đổi quan niệm giá trị, về sự mất mát và (tái) sở hữu những cái mới và cũ thông qua (tái) chiếm hữu cái riêng”. Tư liệu ấy được bà làm thành một video lắp ghép từ các đoạn phỏng vấn, do bà tự ý kết nối. Những nhân vật “nói chuyện” với nhau trong video lắp ghép ấy, dù ngoài đời chưa gặp nhau bao giờ. Kết quả là một cuộc đàm thoại tưởng tượng, một trao đổi có sắp đặt về bảo tồn, về thời đại và những xáo động của nó, về ý nghĩa của chiếc áo dài trong đời họ.

* Bà Veronika Witte - nghệ sĩ sắp đặt đa phương tiện người Đức: Trang phục là khuôn mặt của một thời đoạn. Chúng là biểu tượng và đại diện, là sự đánh dấu các thành viên của một nhóm cộng đồng, một nền văn hóa, một giai tầng xã hội hay một xu hướng chính trị nhất định. Trang phục có tác dụng che chắn, nhưng cũng là lớp bảo vệ, và những tấm áo dài nọ là biểu tượng cho các lý tưởng xã hội quá khứ. Chúng kể cho ta nghe về vai trò của người mặc và về cơ thể nói chung trong một xã hội. Đó là những giá trị luôn luôn thay đổi, bất kể ta có muốn thế hay không.

* Bà Thái Kim Lan - tiến sĩ triết học, chủ nhân bộ sưu tập: Tôi muốn trình bày những chiếc áo dài thành một đề tài để suy nghĩ. Gia sản của tôi không có gì quý báu. Nó rất đơn giản và nhỏ bé so với những bộ sưu tập khác nhưng đối với tôi tình cảm yêu quý và nhìn lại tấm áo dài, công phu của người làm, chất liệu vải người xưa chọn và cách người xưa gìn giữ, trân trọng cũng như lối sống qua sự ăn mặc rất quan trọng.

* Ông Trần Đức Anh Sơn - tiến sĩ sử học, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng:
Những cái (bộ sưu tập áo dài - T.G.) giữ lại thế này rất quý nên những người có ý thức từ đầu, trước là giữ cho gia tộc, sau đó trở thành (của) quốc gia, và nếu một lúc nào đấy cái này được tập hợp trong bộ hồ sơ để thành những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì nó trở thành tầm quốc tế. Đó là việc đáng khuyến khích, hoan nghênh và đáng tiếc là không có nhiều cơ hội giữ như vậy…

* Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đặt vấn đề sưu tầm những chiếc áo dài của những người phụ nữ trong cung đình. Nhưng việc sưu tầm khi bảo tàng ra đời rất muộn và gặp nhiều khó khăn. Việc phục chế cũng rất là khó, và tư liệu để phục chế thì cũng nghiên cứu chưa đầy đủ. Đó chính là khoảng trống của bảo tàng.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tin cùng chuyên mục