Bắc cầu đưa văn học Việt Nam ra thế giới

Ngày 3-3, tại Hà Nội, hai hội thảo “Văn xuôi Việt Nam - quá trình hội nhập và phát triển” và “Thơ Việt - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt” đã được tổ chức. Các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đã mang đến những câu chuyện đầy cảm xúc, đại diện văn học Việt Nam bắc một nhịp cầu đưa văn học Việt Nam ra thế giới.

Ngày 3-3, tại Hà Nội, hai hội thảo “Văn xuôi Việt Nam - quá trình hội nhập và phát triển” và “Thơ Việt - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt” đã được tổ chức. Các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đã mang đến những câu chuyện đầy cảm xúc, đại diện văn học Việt Nam bắc một nhịp cầu đưa văn học Việt Nam ra thế giới.

Theo GS Phong Lê, văn xuôi Việt Nam đang chuyển nhanh vào một thời kỳ mới với những biến động lớn trong chất liệu và phương thức miêu tả do tác động mạnh của xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn học. Bằng việc phân tích những vấn đề mà văn chương Việt Nam đã phản ánh, các nhà văn Việt Nam cho bạn bè quốc tế thấy nền văn học nước ta vô cùng phong phú, đa dạng và không hề né tránh bất kỳ một đề tài nào.

Nhà văn Y Ban, tác giả 4 cuốn tiểu thuyết viết về thân phận đàn bà, từng là tâm điểm của dư luận chia sẻ: “Tôi có lẽ là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của thời kỳ “văn chương mang gương mặt đàn bà”, khi phần lớn những sáng tác của tôi viết về đàn bà. Tôi tiếp cận và viết về họ với đầy đủ hình hài và những diễn biến tâm lý của họ gắn liền với thời đại họ đang sống. Tôi  luôn tìm cách cải tiến hình thức để tiếp cận nội dung nhằm viết những tác phẩm mà người đọc không thể nhàm chán”.

Chứng minh nỗ lực cách tân của văn xuôi Việt Nam, PGS-TS Mai Hương đã giới thiệu những gương mặt tiêu biểu: Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp… Song có lẽ điểm gây ấn tượng hơn cả trong hội thảo chính là sự xuất hiện của một hiện tượng đặc biệt trong văn học Việt Nam hiện nay đó chính là đại biểu trẻ nhất của hội nghị lần này: cháu Nguyễn Bình, 14 tuổi.

Theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, từ năm 9 tuổi, Nguyễn Bình đã viết bộ tiểu thuyết viễn tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom gồm 8 tập và được xuất bản trước sự kinh ngạc của giới phê bình và bạn đọc. Gần đây, bố cháu vô cùng bất ngờ khi thấy cháu viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh Con rắn trong đám cỏ. Sau khi đọc qua bản thảo của cuốn sách, Kevin Bowen, nhà thơ, dịch giả văn học Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner Đại học Massachusetts (Mỹ) gặp gỡ cậu bé và vô cùng kinh ngạc nhận xét: “Có một nhà văn già dặn trong thân xác của đứa trẻ!”. Đây chính là đại diện của thế hệ các nhà văn trẻ, năng động, nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa hội nhập của văn học nước nhà.

Bên cạnh những ý kiến quảng bá tinh hoa văn học Việt Nam, các nhà văn quốc tế cũng đưa ra những ý kiến khách quan, nhằm giúp đưa văn học Việt Nam bước sâu hơn ra thế giới. Igor Britov, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh khu vực châu Á, Hãng thông tấn Nước Nga ngày nay chỉ ra: Sau 20 năm gián đoạn, đến 2012 mới có cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được dịch, nhưng lại không phải là tác phẩm văn học.

Theo Igor Britov, vấn đề cơ bản hiện nay là thiếu sự xác lập trường phái dịch thuật Việt-Nga. Giờ đây, người Nga không biết nhiều về Việt Nam như trước. Vì thế, cần quảng bá văn hóa Việt Nam một cách định hướng và tổng thể: Phải xây dựng kế hoạch thu hút sự quan tâm bằng các chiến dịch quảng cáo và hoạt động truyền thông.

Nhà văn nữ Phiulavanh Luangvanna của Lào cũng cho rằng: Văn học tồn tại để giúp con người xích lại gần nhau, làm cho con người yêu quý nhau hơn. Hiện tại, văn học chưa làm tốt nhiệm vụ này. Vì vậy, Việt Nam, Lào hay bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới muốn hội nhập và phát triển trước hết phải điều chỉnh và vun trồng ý thức, tình cảm của con người, trong đó văn học được coi là công cụ sâu sắc, tinh tế để thực hiện nhiệm vụ này.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục