Xây dựng bản lĩnh người sáng tạo văn hóa

Không chỉ là chân lý, đó còn là mệnh lệnh
Xây dựng bản lĩnh người sáng tạo văn hóa

Vừa qua, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM phối hợp Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức tọa đàm chủ đề “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ”. Các ý kiến tại tọa đàm khẳng định: Từ xưa đến nay, văn hóa nghệ thuật luôn là một dòng chảy không ngừng nghỉ, luôn giao lưu cọ xát để loại bỏ những thứ phản văn hóa, bồi đắp những giá trị truyền thống. Dù ở trường phái nào, mục đích và bản chất của văn hóa nghệ thuật vẫn phải hướng tới phục vụ đời sống con người, đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển và hoàn thiện nhân cách con người.

Không chỉ là chân lý, đó còn là mệnh lệnh

Là người đã đi qua những năm tháng chiến tranh, Tiến sĩ - họa sĩ Trang Phượng, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM, kể rằng năm 1955, khi thi vào trường mỹ thuật, ông thất vọng khi thấy nhiều nơi ở miền Nam treo ảnh Ngô Đình Diệm. Trong lòng chàng trai trẻ chỉ khao khát ước mơ ngày nào đó được vẽ chân dung Bác Hồ.


Văn nghệ sĩ trẻ TPHCM biểu diễn giao lưu với nhân dân, cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa

Đầu năm 1962, ông cùng họa sĩ Cổ Tấn Long Châu thành lập Phòng hội họa Giải Phóng, vẽ tranh cổ động gửi đi các tỉnh và quân giải phóng để động viên quân dân chiến đấu. Các họa sĩ trẻ lần lượt ra mặt trận, từ Long An, Mỹ Tho đến miệt Hóc Môn 18 thôn vườn trầu, Tây Ninh. Thêm sự chi viện từ miền Bắc, họa sĩ Huỳnh Phương Đông về mở lớp dạy vẽ tại căn cứ R, họa sĩ Thái Hà mở lớp dạy ở Tây Nam bộ, nhiều họa sĩ trẻ đã được đào tạo cung cấp phục vụ chiến trường và vùng giải phóng đang được mở rộng. Lời Bác như mệnh lệnh của trái tim, các họa sĩ đã tỏa đi khắp các chiến trường miền Nam, với cây bút, cây cọ của mình, họ đã ghi lại những hình ảnh chiến đấu của bộ đội, của nhân dân. Cùng sát cánh với bộ đội trên đường hành quân, đào công sự và trực tiếp chiến đấu, các chiến sĩ tay cọ, tay bút liên tục ghi chép, ký họa hình ảnh chiến sĩ lúc dừng chân nghỉ quân, khi cân não chiến đấu trực diện với quân thù. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Nam có 61 họa sĩ hy sinh, riêng Phòng hội họa Giải Phóng có 10 họa sĩ anh dũng hy sinh trên các chiến trường.

“Lời kêu gọi của Bác Hồ - “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” không chỉ là chân lý mà còn là một mệnh lệnh. Lời hiệu triệu từ trái tim của Người đã lay động hàng triệu trái tim người Việt. Một dân tộc vĩ đại như thế, một đất nước can trường như thế luôn nhắc nhở chúng ta phải không ngừng phấn đấu, bảo vệ đến cùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ đến cùng di sản của Bác Hồ. Trái tim này còn đập thì vẫn còn chiến đấu”, những lời đanh thép của nhà văn lão thành Vũ Hạnh như tiếp thêm lửa cho cả khán phòng.

Khi đất nước mở cửa, chuyển sang cơ chế thị trường, mặt tích cực của nó với tính cạnh tranh đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, xu thế này cũng bộc lộ mặt trái là xu hướng biến nhiều giá trị thành hàng hóa có thể đem ra mua bán, đổi chác. Văn hóa nghệ thuật cũng không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực đó. Luân lý, đạo đức bị đồng tiền chi phối đang có biểu hiện sa sút. Sản phẩm văn hóa có dấu hiệu bị thương mại hóa đã nảy sinh đủ thứ tác phẩm kiểu “mì ăn liền”, được thai nghén vội vàng, hời hợt rồi tung ra thị trường miễn sao có được thù lao; hoặc dùng công nghệ lăng xê để quảng bá, đánh bóng tên tuổi. Không khó để nhận ra thời gian gần đây ở một số bộ môn nghệ thuật, các tác phẩm giá trị thẩm mỹ cao thì thưa thớt, còn các loại “rác phẩm” thì phát tán tràn lan.

Những chiến sĩ trẻ xung kích trên mặt trận mới

“Tình hình đó cho chúng ta thấy rằng, hiện nay, văn hóa nghệ thuật vẫn là một mặt trận thậm chí còn gay go ác liệt và phức tạp hơn trước”, Đại tá - nhạc sĩ Võ Công Phước, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, nhìn nhận. Ông lý giải, phức tạp hơn vì ranh giới giữa cái đẹp - cái xấu, cái thiện - cái ác rất khó phân định rạch ròi; gay go ác liệt hơn bởi đây là cuộc đấu tranh giữa bản sắc văn hóa dân tộc với sự xâm nhập ồ ạt của xu hướng ngoại nhập, là cuộc đọ sức mang tính sống còn giữa những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, dân tộc với các trào lưu mang tính thời thượng, là cuộc giành giật trái tim và khối óc giới trẻ của hồn thiêng núi sông ngàn năm văn hiến trước sự cám dỗ choáng ngợp của chủ nghĩa thực dụng. “Chúng tôi đã chiến đấu trên mặt trận đạn bom với tâm hồn người nghệ sĩ và giờ đây trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, chúng tôi ý thức rằng mình vẫn chiến đấu với tinh thần người chiến sĩ”, ông Võ Công Phước chia sẻ.

Nhà văn Trầm Hương cũng tâm tư khi các thế hệ cầm bút tiền nhân trong chiến tranh như Dương Tử Giang, Kiên Giang Hà Huy Hà, Bình Nguyên Lộc, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo… đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử, trong khi các cây bút trẻ hiện nay chưa mặn khai thác kho tàng lịch sử dân tộc, cũng thiếu vắng những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại.

Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Cẩm Lệ, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, cho rằng bên cạnh thực trạng trên, gần đây đáng ghi nhận vẫn có một số tác giả trẻ đi vào đề tài tình yêu quê hương đất nước, với ca khúc ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, con người Việt Nam với phong cách mới, được giới trẻ đón nhận. Có thể kể như Nồng nàn Hà Nội, Em trong mắt tôi của Nguyễn Đức Cường, Ngày mới nắng lên, Xinh tươi Việt Nam của Nguyễn Hồng Thuận, Việt Nam ngày mới của Nguyễn Văn Chung, Quê hương tôi của Khắc Việt, Màu xanh Việt Nam của Lương Bằng Quang, Đến với con người Việt Nam tôi của Xuân Nghĩa, Việt Nam ơi của Bùi Quang Minh, Quyết giữ biển đảo quê hương của Nguyễn Hậu, Hào khí biển Đông của Khánh Đơn, Bay qua biển Đông của Lê Việt Khánh... “Thời nào chúng ta cũng có lòng yêu nước, chỉ có điều cách thể hiện mỗi thời không giống nhau. Lòng yêu nước vẫn âm ỉ cháy trong mỗi huyết quản chúng ta”, lời Lê Việt Khánh chia sẻ.

Với họa sĩ trẻ Trần Thanh Cảnh thì dù đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng lời Bác dạy vẫn đậm tính thời sự, phù hợp bối cảnh hiện nay. Anh mong mỏi TP quan tâm hơn nữa, đầu tư xây dựng không gian sáng tác, trưng bày để các bạn trẻ được thể hiện vai trò của mình. “Mặt trận văn hóa nghệ thuật hôm nay đã thay những cuộc đấu súng trực diện bằng cuộc chiến công nghệ của những pháo đài số, không một viên đạn nhưng hàng ngàn chuyến bay có thể bị tê liệt; cũng không thuần túy tranh chấp có hay không định hướng và các trào lưu mang tính toàn cầu. Việc cần làm để giữ vững chiến lũy là xây dựng bản lĩnh của người sáng tạo”, họa sĩ Trần Thanh Cảnh bày tỏ.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục