Thư nước Đức

Người giữ hồn Việt tại Berlin

Người giữ hồn Việt tại Berlin

Tháng 5-2010, chính quyền thủ đô Berlin (Đức) đã phát động chiến dịch “Berlin, gương mặt của bạn”. Theo đó, cư dân TP sẽ bình chọn trong số những người hàng xóm của mình ai sẽ là công dân tiêu biểu TP - người có những việc làm thiết thực, hữu ích đóng góp vào sự phát triển của Berlin. Trong số 204 gương mặt đó có một cái tên Việt Nam: Trần Phương Hoa.

Du khách ghé qua Berlin trong thời điểm hiện nay chắc chắn sẽ không tìm thấy Tượng đài Chiến thắng. Không phải vì biểu tượng tự hào của nước Đức xây dựng từ thế kỷ 19 bị phá đi, thế chỗ bởi tòa nhà mua sắm mới mà tượng đài cao 69m này đang trong thời gian trùng tu.

Để giữ cho môi trường trong sạch, không bị ảnh hưởng, toàn bộ tượng đài từ đế đến đỉnh đều được “bọc” nhựa, không để lọt bụi bẩn ra ngoài. Lâu nay, những công trường xây dựng kiểu này là mảnh đất màu mỡ cho quảng cáo. Các công ty lớn tại Đức cạnh tranh gay gắt nhằm “xí” các khoảng trống xung quanh công trình xây dựng để giăng logo, slogan thu hút sự chú ý của người dân Berlin hướng về sản phẩm của họ.

Tuy nhiên, không ít người dân và du khách tham quan Berlin cảm thấy bực dọc bởi một số pano quảng cáo lố bịch, không phù hợp. Rất nhiều người đã phản ứng gay gắt về những hình ảnh phản cảm đó.

Chính vì vậy, lần trùng tu tượng đài này, chính quyền TP Berlin nhất quyết nói không với quảng cáo: sẽ không có những bộ đồ lót hay những chai dầu gội đầu “tưng bừng” xung quanh Tượng đài Chiến thắng. Thay vào đó là hình 204 công dân tiêu biểu của TP Berlin (ảnh).

Tôi đến thật gần, quan sát rất tỉ mỉ sáng kiến của chính quyền TP và phát hiện ra dãy trên cùng có tấm hình của một người Việt Nam - cô Trần Phương Hoa. Thông báo của ban giám khảo nêu rõ: “Với tấm bằng về đào tạo âm nhạc, cô Trần Phương Hoa đã miệt mài trong suốt 10 năm qua giúp các em nhỏ và thanh thiếu niên Việt Nam (tại Berlin) học tiếng Việt.

Tuy nhiên, nói viết được tiếng Việt chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là các em phải biết chính xác nguồn gốc cũng như văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cô Trần Phương Hoa đã dạy ngữ pháp, từ vựng cùng với một số nhạc cụ châu Á. Việc kết hợp dạy ngôn ngữ và trình diễn âm nhạc với một dàn đồng ca trẻ tuổi đem lại sự gắn kết cộng đồng. Đó chính là cách để tìm lại cội nguồn và mang đến sự tự tin”.

Cô Trần cùng chồng và con gái lớn rời Hà Nội sang Đức năm 1991. Cô sinh bé gái thứ 2 tại nơi vợ chồng cô sinh sống gần Bonn. Năm 1996, gia đình cô chuyển tới ở Berlin. Cô nhận thấy rằng, trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Berlin rất nhiều trẻ em, đặc biệt là những em thuộc thế hệ thứ 2 tại Đức, khát khao được học ngôn ngữ và văn hóa của cha mẹ, ông bà mình.

Theo cô Trần, học tiếng Việt không chỉ để bảo tồn văn hóa Việt mà còn là thúc đẩy tính cởi mở và tự tin trong một xã hội đa văn hóa ở Berlin. Việc nhận biết ai với ai bắt đầu từ ngôn ngữ. Âm nhạc và các món ăn truyền thống của Việt Nam cũng là những yếu tố quan trọng để “nhận dạng” người Việt.

Fred Zimmermann (Đỗ Văn dịch)

Tin cùng chuyên mục