Diễn đàn Tương lai ASEAN là sáng kiến quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược

Ngày 23-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm, làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) tại Việt Nam từ ngày 21 đến 24-4.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của Ban Thư ký ASEAN và cá nhân Tổng Thư ký vào công việc chung của Cộng đồng ASEAN; hoan nghênh và cảm ơn Tổng Thư ký đã nhận lời mời tham dự AFF lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam dành nhiều tâm huyết cho sáng kiến này với mong muốn AFF sẽ trở thành diễn đàn trao đổi các ý tưởng, sáng kiến thúc đẩy hợp tác khu vực, bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của ASEAN, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và phát triển bền vững.

1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Ảnh: QUANG PHÚC

Trao đổi về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng khẳng định sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường và thích ứng trong môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động, bảo đảm xây dựng một cộng đồng phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại; cho rằng ASEAN cần thúc đẩy quan hệ đối thoại với các nước đối tác, nhất là các nước lớn, theo hướng cân bằng, đa dạng hóa, đa phương hóa, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, gia tăng điểm đồng, giảm thiểu bất đồng.

Trước những biến động phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy xử lý các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Myanmar.

Đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định, ASEAN đang có cách tiếp cận đúng đắn, duy trì vai trò nòng cốt thúc đẩy đối thoại, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tránh xảy ra leo thang căng thẳng, xung đột, bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.

Về tình hình Myanmar, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ nước Chủ tịch ASEAN 2024 Lào và Đặc phái viên của Chủ tịch về Myanmar, cũng như Tổng Thư ký ASEAN trong thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 điểm, nhất là huy động hỗ trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế cho người dân Myanmar, thông qua Trung tâm AHA, góp phần giúp Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thủ tướng nhấn mạnh hơn lúc nào hết, ASEAN cần đoàn kết, thúc đẩy cách tiếp cận sáng tạo, đột phá hơn, hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp khả thi, bền vững, vì lợi ích của người dân Myanmar, và vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN khẳng định, AFF là sáng kiến quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Việt Nam trong thúc đẩy hình thành một diễn đàn của riêng ASEAN về chính tương lai của ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, thích ứng nhanh chóng trước những biến động về địa chính trị cũng như cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực.

Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn khẳng định, đây là lợi ích và ưu tiên chung của các nước thành viên. Qua tiếp xúc với các đối tác, Tổng Thư ký cho biết, các nước đối tác luôn bày tỏ coi trọng quan hệ và vai trò trung tâm của ASEAN, sẵn sàng hỗ trợ ASEAN triển khai các trọng tâm ưu tiên ở từng trụ cột cộng đồng, nhất là về thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn lực, giao lưu kết nối nhân dân.

Về tình hình Myanmar, Tổng Thư ký Kao Kim Hourn đánh giá cao những chia sẻ của Thủ tướng cũng như của Việt Nam, bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc nền tảng của ASEAN đồng thời vẫn thể hiện tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái giữa các thành viên trong đại gia đình ASEAN; cho rằng ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy các bên liên quan tại Myanmar tăng cường tiếp xúc, đối thoại vì lợi ích của người dân Myanmar và hoà bình, ổn định khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, Tổng Thư ký hoan nghênh và đánh giá cao tư duy chiến lược và cách tiếp cận đúng đắn của Việt Nam; mong muốn các bên thúc đẩy đàm phán, hướng tới hoàn tất một COC thực chất, hiệu quả, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và vì lợi ích của ASEAN.

Tin cùng chuyên mục