Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Phát triển bền vững, đảm bảo an ninh và người dân làm trung tâm

Ngày 23-4, sau phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 tại Hà Nội, diễn ra hai phiên thảo luận chuyên sâu dành cho các chính khách, giới học giả và doanh nghiệp.

Phát triển bền vững, chú trọng kinh tế số

Với chủ đề “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững”, phiên thảo luận thứ nhất Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 tập trung thảo luận về những định hướng tương lai nhằm thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.

ASEAN1.jpg
Phiên họp toàn thể thứ nhất “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững”. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyển đổi số và xây dựng Cộng đồng ASEAN số. Theo đó, ASEAN cần xây dựng thể chế số, cơ sở hạ tầng số và nguồn nhân lực số để chuẩn bị cho tương lai. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và mong muốn học hỏi các quốc gia thành viên cũng như đối tác của ASEAN trong lĩnh vực chuyển đổi số.

ASEAN11.jpg
Phiên thảo luận đã thu hút nhiều ý kiến tham gia của các chính khách, học giả, giới nghiên cứu trong khu vực. Ảnh: QUANG PHÚC

Tham gia thảo luận, GS Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đánh giá ASEAN đã đạt được thành công to lớn trong việc duy trì hòa bình, thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng một cộng đồng đa dạng văn hóa. Những thành tựu này là kết quả của nhiều yếu tố như hợp tác và đồng thuận, chủ nghĩa thực tiễn, cởi mở và hội nhập, đa dạng văn hóa. Để tiếp tục duy trì thành công trong tương lai, ASEAN cần tiếp tục củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh địa chiến lược phức tạp, các đại biểu đề xuất những mô hình quản trị phù hợp để các nước ASEAN duy trì phát triển nhanh và bền vững; đưa ra những biện pháp của ASEAN nhằm thích ứng và đóng góp cho kiến trúc quản trị toàn cầu. ASEAN cần sẵn sàng và chuẩn bị cho người dân tận dụng những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy nền kinh tế khu vực phát triển có tính cạnh tranh cao hơn, bao trùm hơn; nâng cao trình độ nhân lực trong nền kinh tế số.

Đảm bảo an ninh toàn diện, lấy người dân làm trung tâm

Sau phiên thứ nhất, phiên thảo luận toàn thể thứ hai diễn ra với chủ đề “Bảo đảm an ninh toàn diện về Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm”.

ASEAN2.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu tại sự kiện. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu đã cùng trao đổi những nội dung trọng tâm như phương cách thúc đẩy khuôn khổ an ninh khu vực toàn diện, nâng cao năng lực thích ứng trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đi đôi với tăng trưởng kinh tế; các biện pháp xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy và tăng cường khả năng ứng phó trước các mối đe dọa an ninh mới nổi; chiến lược của ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, đi đôi với tôn trọng chủ quyền và lợi ích đa dạng của các quốc gia…

ASEAN22.jpg
Các đại biểu tham dự sự kiện. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong phát biểu tham luận của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định, an ninh luôn là vấn đề quan trọng với ASEAN. Với ASEAN, an ninh bao gồm rất nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội, môi trường. Mỗi lĩnh vực đều quan trọng như nhau và việc bảo đảm an ninh đều phải toàn diện nhất có thể.

Đồng thời, Bộ trưởng Retno Marsudi cũng nhấn mạnh, ASEAN cần tiếp tục lắng nghe tiếng nói của người dân, tiếp tục nỗ lực đảm bảo các tiến trình đều phải lấy người dân làm trung tâm. “Tôi tin rằng rời khỏi Diễn đàn này, chúng ta có thể tự tin nói rằng chúng ta đã đóng góp vào các tiến trình của ASEAN, lấy người dân làm trung tâm trong tương lai”, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói.

Cũng theo đại diện Bộ ngoại giao Indonesia, ASEAN cần tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy những biến chuyển trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hợp tác trong khu vực. ASEAN cần đoàn kết hơn để khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển, trong đó đối thoại đàm phán, đôi bên cùng thắng được thúc đẩy. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Retno Marsudi cũng đề cao sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện luật pháp quốc tế một cách nhất quán.

Bà Sue Lines, Chủ tịch Thượng viện Australia đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam trong việc tạo ra diễn đàn mới này để thảo luận về các vấn đề quan trọng định hình tương lai của ASEAN. Theo bà Sue Lines, ngày nay mối quan hệ của Australia và ASEAN không chỉ dựa trên cơ sở địa lý gần gũi mà còn dựa trên 50 năm hợp tác, tôn trọng, đối tác và tin cậy, được củng cố bởi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.

TS S. Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng nhấn mạnh, ASEAN giữ vị trí trung tâm trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ và là một trụ cột quan trọng trong tổng thể chính sách của New Delhi đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ ủng hộ một ASEAN đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đề cao vai trò của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cho các hoạt động trên các vùng biển và đại dương, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác cùng với ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục