EU cam kết sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam

Chiều 31-10, lễ đón Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam đã diễn ra trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu đến Việt Nam, kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990.
EU cam kết sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam

(SGGP).- Chiều 31-10, lễ đón Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam đã diễn ra trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu đến Việt Nam, kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy duyệt đội danh dự. Ảnh: Minh Điền

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy duyệt đội danh dự. Ảnh: Minh Điền

Tại cuộc hội đàm ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo về những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chủ tịch Herman Van Rompuy đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, vượt qua những khó khăn trước mắt về kinh tế, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhất trí tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh lâu dài tại thị trường của nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải, năng lượng, tài chính, y tế, du lịch và dịch vụ. EU cam kết hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy đàm phán để hai bên có thể sớm hoàn tất và ký kết Hiệp định FTA Việt Nam - EU; thúc đẩy việc sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Việt Nam đề nghị EU tiếp tục duy trì quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đầy đủ cho Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2015 và ưu tiên thúc đẩy sớm thực hiện thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA). Việt Nam và EU nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả các chương trình ODA giai đoạn 2011 - 2013 và xác định ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2014 - 2020 trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Herman Van Rompuy đã chứng kiến lễ ký kết Hợp đồng tài trợ tín dụng giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trị giá 150 triệu eur giữa Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Bộ Tài chính Việt Nam; Hiệp định tài chính cho Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu EU - MUTRAP trị giá 16,5 triệu eur giữa phái đoàn châu Âu tại Việt Nam với Bộ Công thương Việt Nam.

Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Chủ tịch Herman Van Rompuy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp và có cuộc hội kiến với Chủ tịch Herman Van Rompuy.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục