Khai mạc diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5)

Ngày 27-8, tại Đà Nẵng, Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3) đã chính thức được khai mạc.
Khai mạc diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5)

(SGGPO). Ngày 27-8, tại Đà Nẵng, Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3) đã chính thức được khai mạc.

Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác trong cấp cao Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ nhằm phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác biển và xây dựng lòng tin ở khu vực, nhất là trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải.

Đại biểu các nước tại Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5, khai mạc sáng 27-8 tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trong 2 ngày 27 và 28-8, đại biểu các nước sẽ tập trung thảo luận các nội dung nhằm thúc đẩy hợp tác biển trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là kinh nghiệm từ cơn bão Hải Yến; quản lý và bảo vệ hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác nghề cá bình đẳng; những diễn biến hiện nay liên quan đến an ninh hàng hải ở Biển Đông: Những thách thức và cách tiếp cận của ASEAN; Tăng cường an ninh, an toàn và tự do hàng hải của khu vực, thông qua việc triển khai những biện pháp xây dựng lòng tin cũng như các công cụ khu vực ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển.

Cũng tại Diễn đàn lần này, các nước tham gia sẽ tập trung trao đổi về tình hình trên biển, hợp tác biển trong khu vực thời gian qua; kiểm điểm, đánh giá các sáng kiến đã và đang được thực hiện trong AMF và EAMF, cũng như định hướng tương lai cho AMF và EAMF.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức các Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng lần này nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của Việt Nam đối với lĩnh vực quan trọng và ưu tiên của ASEAN về hợp tác biển và bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Trên cơ sở đó, diễn đàn sẽ là kênh đối thoại về các vấn đề liên quan đến hợp tác biển với trọng tâm là xây dựng lòng tin, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thúc đẩy đoàn kết ASEAN và tranh thủ các nước đối tác liên quan của ASEAN, tập trung vào các ưu tiên chung của ASEAN.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục