TP Hồ Chí Minh: Tốc độ tăng trưởng tăng, chất lượng cuộc sống có tăng?

Đình công, khiếu kiện gia tăng
TP Hồ Chí Minh: Tốc độ tăng trưởng tăng, chất lượng cuộc sống có tăng?

TP Hồ Chí Minh: Tốc độ tăng trưởng tăng, chất lượng cuộc sống có tăng? ảnh 1

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, báo cáo về vấn đề đình công trước đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Ảnh: M.Hg

Đó là băn khoăn lớn nhất của các thành viên đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM sau khi nghe báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TP năm 2007 và trực tiếp phản ánh kết quả tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 2, QH khóa XII, trong cuộc họp diễn ra sáng 16-10.

Trong 9 tháng đầu năm 2007, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM đạt 155.656 tỷ đồng, tăng 11,7%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 4 năm qua. Các đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng đây là thành quả đáng tự hào của TPHCM nhưng cũng đặt vấn đề: Liệu tốc độ tăng trưởng này có bền vững, chất lượng cuộc sống người dân có được nâng lên khi chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng cao, thủ tục hành chính còn gây phiền hà, ùn tắc giao thông lên đến mức báo động; thời gian gần đây lại rộ lên những vụ đình công kéo dài, những vụ khiếu kiện đông người của người dân các quận huyện trên địa bàn TPHCM.

Đình công, khiếu kiện gia tăng

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: Từ ngày 29-9 đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra 34 vụ đình công kéo dài tại KCX Linh Trung 1, 2, lan sang các doanh nghiệp (DN) ở tỉnh Bình Dương và có khả năng lan sang Đồng Nai. Công nhân (CN) đình công rất trật tự, không đập phá, nhưng kéo dài với một yêu cầu là được nâng lương cơ bản. Có một thực tế là thu nhập của CN trong các DN có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) sau khi đã tăng ca đến kiệt sức, cao lắm cũng chỉ ở mức 1,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhiều DN xây dựng thang bảng lương nhưng mỗi bậc lương chỉ chênh nhau có… 10.000 đồng. Vật giá leo thang, đời sống CN ngày càng khó khăn. Như vậy, mức độ thụ hưởng sự tăng trưởng kinh tế giữa các đối tượng trong xã hội là không đồng đều. Chất lượng cuộc sống của đại bộ phận CN ở thành phố thực tế là đã suy giảm nghiêm trọng.

Đại biểu Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP, thống kê: Chỉ từ đầu tháng 9 đến nay, Văn phòng Đoàn ĐBQH đã nhận 483 đơn khiếu kiện của công dân, mới xử lý được 83 đơn. Còn rất nhiều bức xúc của người dân, những vấn đề tồn đọng chưa giải quyết được. ĐB Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công an TP, băn khoăn: “Thời gian trước, những khiếu kiện đông người chủ yếu là của bà con các tỉnh, mấy ngày gần đây lại rộ lên những khiếu kiện của dân TP về dự án, về giải tỏa đền bù mà phần nhiều là những chuyện không được giải quyết triệt để, kéo dài từ nhiệm kỳ QH này sang nhiệm kỳ QH khác. CN thì đình công, nông dân mất đất từ các dự án thì khiếu kiện. Những bất ổn trong 2 tầng lớp cơ bản này là nguy cơ tiềm ẩn cho sự mất ổn định về kinh tế-xã hội của TP…”. 

Ngập, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường: báo động đỏ

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTCC, báo cáo: TPHCM hiện có 3.300 con đường với tổng chiều dài hơn 3 triệu m. Đến tháng 4-2007, TPHCM có khoảng 6,5 triệu xe, trong đó xe máy đăng ký tại TP gần 3,5 triệu chiếc. Mùa tựu trường, lượng xe máy từ các tỉnh đổ về đột biến. Thêm vào đó, quy định về đăng ký xe gắn máy đã được nới lỏng, một người có thể đăng ký đứng tên 2-3 xe dẫn đến bùng nổ về số lượng trong khi hạ tầng đường sá không đủ, nên tắc đường là… tất yếu. Chuyện này đã được dự báo từ 10 năm trước mà vẫn không thể tránh. “Nhiều người cứ nói là phải tăng tỷ trọng xe buýt lên 15%-20%. Tôi cho là muốn tăng lên 10% cũng đã không nổi vì hạ tầng đường sá của TPHCM không phải được thiết kế dành cho xe buýt. Chúng ta cứ hô hào chống kẹt xe tắc đường nhưng lại thoải mái cấp phép cho những trường quốc tế, những khu kinh doanh dịch vụ, ăn uống, những cao ốc, biệt thự dày đặc trong nội thị, khác nào tạo điều kiện để gia tăng nạn kẹt xe” - ĐB Trần Du Lịch bức xúc.

Riêng vấn đề ngập đường, ngành giao thông không thể giải quyết nổi. 60% diện tích của TPHCM nằm dưới mực nước triều. Hiện nay, mức cao nhất của thủy triều đã đạt 1,44m, cao hơn những năm qua 4cm. Mực nước thấp nhất khi triều rút lại thấp hơn thời gian trước đến 7 cm. Đây là mối lo lớn, làm nảy sinh những bất ổn về môi trường trong tương lai gần. Cùng chia sẻ mối quan tâm về môi trường, ĐB Trần Đông A nói: “Vừa rồi, tôi cùng đoàn của Sở Y tế đi kiểm tra về dịch bệnh và môi trường ở huyện Cần Giờ. Chỉ trong 3 xã mà có đến 106 người bị sốt xuất huyết. Người dân che chắn lu nước trong nhà thì chính quyền lại cấp phép cho mấy ông xây dựng đào hàng loạt hố nước, vũng lầy phía trước, thử hỏi làm sao dập tắt được dịch bệnh? Hội chứng tay-chân-miệng xuất phát từ Đài Loan (Trung Quốc) cũng do họ phát triển công nghiệp vừa và nhỏ trong khu dân cư, gây ảnh hưởng đến môi trường. Nếu không có sự kiên quyết, đồng bộ trong quản lý nhà nước, một mình ngành y tế có làm đêm làm ngày cũng không giải quyết nổi”.

Phải lấy chất lượng cuộc sống làm thước đo

“Người dân không quan tâm đến những con số tăng trưởng kinh tế 12% hay 13%. Cái họ cần là chất lượng cuộc sống, là chuyện tiền lương, là giá cả, là chuyện đường tắt, đường ngập… có được giải quyết hay không. - ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn. Kết thúc buổi làm việc, ĐB Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, kết luận: “Để chất lượng cuộc sống của người dân TP được nâng lên cùng với tốc độ phát triển kinh tế, thời gian sắp tới, TP phải quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính, giải quyết thật triệt để khiếu kiện đông người, những bức xúc về dân sinh. Đoàn ĐBQH TP sẽ giám sát chặt vấn đề này. Tôi hy vọng trong kỳ họp QH sắp tới, mỗi ĐBQH sẽ chuẩn bị, suy nghĩ thật kỹ về các vấn đề cử tri quan tâm để có những kiến nghị sát thực tế, để tiếng nói của đoàn ĐBQH TP thể hiện đúng tâm tư nguyện vọng của người dân TPHCM. Những tồn tại, bất hợp lý trong chính sách, đoàn ĐBQH TP có thể mạnh dạn kiến nghị để sửa luật. Mục đích cao nhất là đảm bảo một mức sống ổn định, một môi trường sống tốt đẹp, bình yên cho người dân”.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục