Trận mưa lịch sử kéo dài

Hà Nội ngập trong biển nước

THÀNH NAM
Hà Nội ngập trong biển nước

* Nhiều hoạt động thường ngày bị ngừng trệ

Từ rạng sáng đến hết ngày 31-10, Hà Nội chịu đựng những đợt mưa lớn bất thường, ngập úng đã xảy ra trên hầu hết mọi tuyến phố, giao thông tắc nghẽn đến tận đêm, các sinh hoạt của thành phố dường như bị ngừng trệ. Hệ thống thông tin liên lạc bị tắc nghẽn, thành phố cắt điện trên diện rộng.

Nhiều nơi ngập sâu 1,5m nước

Hà Nội ngập trong biển nước ảnh 1

Mưa lớn kéo dài gây ngập sâu hầu hết các tuyến đường ở Hà Nội, nhiều hoạt động thường ngày bị đình trệ. Ảnh: MINH ĐIỀN

Mưa đã dai dẳng kéo dài từ tối 30-10, tới nửa đêm về sáng 31-10 mưa đã to hơn với những trận rất lớn đã đổ xuống Hà Nội đến khoảng 12 giờ trưa mới ngớt dần. Nhưng tới 15 giờ chiều, trời mưa lớn trở lại đến hết ngày. Do mưa lớn và kéo dài, nhiều hồ tại Hà Nội đã ngập nước tràn cả lên đường khiến tình hình ngập nước trên các tuyến phố càng trở nên trầm trọng, nhiều tuyến phố nước thành sông sâu tới 1,5m.

Tới tận trưa, nhiều nhà mặt phố vẫn đóng cửa, nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán không hoạt động. Nhiều công sở tới trưa muộn mới làm việc, nhưng chiều sớm đã tan sở vì mọi người lo không thể về nhà được do ngập nước và tắc đường. Nhưng ngược lại tại các cửa hàng sửa chữa xe máy lại đông nghịt khách sửa xe do xe bị nước ngập tới tận yên và chết máy.

Mặc dù ngay từ 4 giờ 30 sáng 31-10, tại các điểm úng ngập, lực lương ứng trực của công ty đã có mặt để mở nắp hố ga, khơi thông dòng chảy, đồng thời phối hợp với lực lượng cảnh sát hướng dẫn giao thông. 11 tổ máy tại trạm bơm Yên Sở đã được vận hành hết công suất. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại Hà Nội, quá 21 giờ đêm qua, trên hàng loạt tuyến phố ô tô và xe máy bị kẹt đường giữa trời mưa vẫn tiếp tục kéo dài.

Tại những điểm nút giao thông chính, thường ngày đã đông đúc, ùn tắc, thì tình trạng kẹt xe lại càng trở nên cấp bách. Do người dân bị kẹt giữa đường khá đông và cố tìm cách liên lạc cho người thân đến “ứng cứu” đã dẫn đến tình trạng hệ thống thông tin liên lạc cũng bị tắc nghẽn. Dưới chân là nước ngập, trên đầu thì mưa trút. Nhiều nút giao thông chính diễn ra một cảnh tượng khó tin về ùn tắc. Trừ 2 tuyến đường cao của Hà Nội là đường Láng và Đê La Thành không bị ngập nước, nhưng tại đây cũng xảy ra tắc nghẽn những đoàn người và xe kéo dài tới vài km tới tận đêm.

Ngừng cấp điện nhiều khu vực

Trước tình trạng mưa lớn kéo dài, tối cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có công điện khẩn gửi các chủ tịch các quận, huyện trong toàn thành phố và các cơ quan chức năng yêu cầu, tập trung mọi lực lượng đối phố với tình trạng mưa lớn và ngập úng kéo dài, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, giảm thiểu ách tắc giao thông và sớm khôi phục ổn định điện lưới.

Q.KHÁNH

Mưa lớn còn làm ảnh hưởng đến việc cấp điện trên diện rộng. Trạm 220kV Hà Đông đã bị ngập úng và để đảm bảo an toàn lưới điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải yêu cầu đơn vị vận hành tách các máy biến áp 220, 110 kV và một số đường dây cùng cấp điện áp ra khỏi hệ thống điện. Do đó, việc cung cấp điện cho khu vực Hà Đông và một số khu vực khác của Hà Nội bị tạm ngừng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tích cực xử lý sự cố trong thời gian sớm nhất để việc cung cấp điện trở lại bình thường.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, tổng lượng mưa đo được tại các tuyến đường và nội thành là rất cao. Đến 21 giờ tối qua, lượng mưa đo được tại trạm Láng là trên 300 mm, tại khu vực Hà Đông là 450 mm.

Trong khi đó, năng lực vận hành tiêu nước của Hà Nội phổ biến mới đạt trung bình 100 mm/ngày. Do đó, tại nhiều nơi, mực nước các sông hồ dâng lên nhanh từ 1,5 đến trên 2m so với mức nước ban đầu. Hồ Gươm được coi là “không thể ngập” thế mà đến tối qua, mực nước tràn qua bờ hồ lên tới tận mặt phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay.

Hà Nội ngập trong biển nước ảnh 2

Cho đến tối qua, rất nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn còn ngập sâu. Ảnh: MINH ĐIỀN

Trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết, đợt mưa bất thường xảy ra ngày 31-10 là do không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao. Trọng tâm mưa là thủ đô Hà Nội và khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ. Đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm nay ở Hà Nội. Trận mưa này có lượng mưa lớn nhất kể từ năm 2001.

Dự báo hôm nay (1-11), trọng tâm mưa sẽ chuyển lên trung du Bắc bộ; mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kéo dài ít nhất đến đêm 2-11. Tính đến chiều cùng ngày, lượng mưa đo được tại khu vực nội thành cho thấy đây là cơn mưa lớn nhất trong vòng 24 năm qua, kể từ 1984 và nếu tính các trận mưa trong ngày thì đây là cơn mưa lớn nhất trong 35 năm qua.

Mưa to kéo dài cũng đã khiến mực nước trên hệ thống sông vùng Bắc bộ như sông Lô, sông Thao, sông Đà lên nhanh, phá hoại nhiều ha lúa và hoa màu cùng nhiều công trình hạ tầng giao thông, điện và thông tin liên lạc tại các tỉnh như Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Dương. Mưa lớn làm mực nước các hệ thống sông Bắc bộ sẽ lên lại. Chiều và tối qua (31-10), sông Lô, Thao, Đà và các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình như sông Cầu, sông Thương xuất hiện một đợt lũ. Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu sông La tiếp tục lên.

THÀNH NAM

Theo thông tin từ huyện Mê Linh - Hà Nội, đêm qua (31-10), mưa lũ đã làm 3 người chết và mất tích tại huyện này. Trong số đó có 1 thanh niên khi đi trên đường thì gặp tai nạn giao thông ngã xuống kênh dẫn nước bị chấn thương nặng và bị lũ cuốn đi gây tử vong; và 2 học sinh của Trường Trung học cơ sở Mê Linh bị lũ cuốn trôi mất tích, nhiều khả năng đã bị tử vong.

Sáng cùng ngày, do mưa to gió lớn, anh Hoàng Lê Nguyên, SN 1974, là bác sĩ của Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp đang trên đường đến cơ quan là Bệnh viện Thể thao (Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) thì gặp nạn. Anh Nguyên bị ngã xe và bị nước chảy xiết cuốn xuống mương gần sân vận động Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). Đến chiều 31-10, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm vớt được xác của nạn nhân.

Mưa lớn khiến giao thông đi lại rất khó khăn. Sân vận động Mỹ Đình - nơi diễn ra giải điền kinh vô địch quốc gia vào sáng 31-10 - cũng chịu chung hoàn cảnh và không đủ điều kiện cho các vận động viên tranh tài. Chính vì thế, BTC quyết định dời chương trình thi đấu như kế hoạch vào buổi sáng (thi đấu 21 cự ly, trong đó có 18 cự ly chung kết) xuống tranh tài vào 14 giờ chiều qua. Tuy nhiên, trời Hà Nội cứ mưa nặng hạt làm BTC quyết định hoãn luôn cả ngày thi đấu.

G.Y.


Miền Trung: Lũ vẫn ở mức cao

* Đã có 19 người chết và mất tích do lũ

Đến chiều tối 31-10, lũ trên các sông từ Quảng Trị cho đến Hà Tĩnh đã xuống, như vẫn còn ở mức cao. Qua 2 ngày hoành hành, lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề về người và của ở các địa phương này. Trong đó, Nghệ An là địa phương bị thiệt hại về người nặng nhất: 12 người chết và mất tích.

Hà Tĩnh: Nối dài con số người thiệt mạng do lũ

Đến 17 giờ chiều 31-10, mặc dù nước lũ đã rút, nhưng huyện Can Lộc và Thạch Hà vẫn đang ngập gần 1m. Với phương châm “nước rút tới đâu dọn vệ sinh tới đó”, ngay trong chiều 31-10, hàng ngàn lượt người dân cùng lực lượng đoàn viên, thanh niên đã đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường…

Báo cáo từ Ban chỉ huy PCLB Hà Tĩnh tính đến 17 giờ chiều 31-10 đã có thêm 6 người chết do lũ.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh cho biết để ứng kịp thời ứng phó hậu quả lũ, trung tâm đã chi viện khẩn cấp cho các huyện hơn 1 tấn chất khử khuẩn nước Cloramin B, 43.000 viên khử khuẩn, gần 35.000 gói 0RESOL chống tiêu chảy cho người dân.

Quảng Bình: Hơn 100 ngàn người thiếu nước sạch

Mặc dù lũ đã rút, nhưng đến chiếu tối 31-10, hơn 10.000 hộ dân các xã vùng trũng của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh vẫn còn ngập sâu trong nước.

Hiện tại, có hơn 100 ngàn người dân ở các xã Phong Thủy, An Thủy, Liên Thủy, Cam Thủy, Xuân Thủy, Dương Thủy, thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) và các xã Duy Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh… của huyện Quảng Ninh đang thiếu nước sạch để dùng trong ăn uống. Vì vậy nguy cơ xuất hiện một số loại bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy… sau khi lũ rút là khó tránh khỏi. Để đối phó, ngày 31-10, 100% cán bộ đang làm việc tại trung tâm y tế hai huyện Quảng Ninh Và Lệ Thủy đã về địa phương xử lý nguồn nước, trực tiếp hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh, đồng thời phun hóa chất khử trùng.

Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, sáng nay 1-11, học sinh cấp II và cấp III tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đi học trở lại sau 2 ngày nghỉ học tránh lũ. Riêng học sinh mầm non và tiểu học có thể phải nghỉ học từ 1 đến 2 ngày nữa.

Nghệ An: Nhiều trẻ em chết do lũ

Theo tin từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An, tính đến chiều tối 31-10, tại Nghệ An đã có tổng cộng 12 người chết và mất tích do mưa lũ. Đáng lưu tâm nhất là có một số trường hợp xảy ra đối với trẻ em, như cháu Bùi Thị Lành (SN 1998, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu) trong khi đi chăn trâu bị nước cuốn trôi, cháu Vũ Huy Hoàng (SN 2000, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn) trong khi được mẹ chở từ trường về nhà bị nước cuốn, cháu Lê Thị Thúy Vân (xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa) bị chết đuối. Còn lại những trường hợp khác bị chết vì điện giật, gió tạt rơi xuống cầu chết đuối, lật thuyền, nước cuốn… Có một trường hợp bị mất tích là anh Nguyễn Ngọc Huy (xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ) bị nước cuốn trôi vẫn chưa tìm thấy thi thể.

NHÓM PV
 

ĐBSCL: Lũ đang rút nhanh

Mực nước lũ đầu nguồn trên sông Tiền, sông Hậu đang xuống nhanh. Hiện tại, mực nước đo được trên sông hậu tại Châu Đốc là 2,85m; trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,20m, bình quân xuống

3-5 cm/ngày. Dự báo những ngày tới nước lũ tiếp tục xuống. Tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng… tỉnh Đồng Tháp, nông dân bắt xuống giống lúa đông xuân sớm. Tại Đồng Tháp, đến nay đã có 6 người chết, 10 người bị thương do lũ lụt, dông lốc và hơn chục điểm sạt lở xảy ra. Ước tổng thiệt hại từ đầu mùa lũ đến nay gần 20 tỷ đồng, chủ yếu do sạt lở.

NG.DUY - H.NGỰ

Tin cùng chuyên mục