Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - Vị tướng tài với tấm lòng nhân hậu

Trong những ngày tháng tư này khi cả nước đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 33 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì rất nhiều người Việt Nam, nhất là những người lính đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bàng hoàng khi biết tin Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mãi mãi đi xa…

Vị tướng tài nặng lòng với Tây Nguyên

Thuở thiếu thời, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp là một cậu học sinh trường Bưởi, một ngôi trường nổi tiếng của Hà Nội, nơi mà rất nhiều chính khách, tướng lĩnh, các nhà khoa học, văn hóa lớn của đất nước đã từng học tập ở đây. Những năm đèn sách, chàng trai Đặng Vũ Hiệp nổi tiếng là thư sinh, giỏi giang và rất hóm hỉnh. Vậy mà khi đất nước lâm nguy, ông đã gác bút nghiên lên đường đánh giặc cứu nước.

Sau khi tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Phú Thọ, ông tham gia quân đội và trực tiếp cầm súng đánh giặc ở Trung đoàn 23 (Khu 1), Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308), phụ trách Chính ủy Trung đoàn 86 (Sư đoàn 675 Pháo cao xạ)… Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, ông là một vị chỉ huy vô cùng gan dạ, quyết đoán, dũng cảm nơi trận mạc và tràn đầy tình cảm với đồng đội, với nhân dân.

Hơn 10 năm ròng rã trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận B3, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên và Quân đoàn 3, tham gia chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch, trong đó có những chiến dịch gây dấu ấn đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐNDVN như: Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh, chiến dịch Đắc Xiêng... Đặc biệt là chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột (3-1975) – trận then chốt, mở đầu cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vào sinh ra tử, lăn lộn trong bom rơi đạn nổ, một phần đời quan trọng của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ và dữ dội. Chính vì thế ông rất thấu hiểu đất và người Tây Nguyên, ông dành cho mảnh đất ấy những tình cảm sâu nặng, thiêng liêng. Cùng vào sinh ra tử với ông là những người lính, những người anh hùng có tên và không tên mà sau này mỗi lần nhắc đến, ông vô cùng xúc động.

Là một vị tướng trực tiếp trên chiến trường, nhưng Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp vẫn dành dụm chút thời gian quý báu giữa những lần tiếng súng tạm ngưng để viết nhật ký chiến trường. Cuốn nhật ký của ông không còn chỉ của riêng ông nữa, mà đã trở thành một phần của lịch sử chiến tranh cách mạng, đặc biệt là lịch sử của chiến trường Tây Nguyên. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, những ghi chép, tâm tư tình cảm của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã được in thành cuốn sách “Ký ức Tây Nguyên”, một cuốn hồi ký chiến tranh rất nổi tiếng và đến nay đã được nhiều lần tái bản.

Trong cuốn “Ký ức Tây Nguyên”, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp ghi lại chi tiết, đầy đủ và khách quan những sự kiện diễn ra từ khi Mặt trận Tây Nguyên được thành lập cho tới đại thắng Mùa xuân năm 1975. Qua những ghi chép của mình, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã khắc họa rõ nét tập thể cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Nguyên, thông qua những hành động anh hùng và phẩm chất cao đẹp của họ. Ông rung động và trân trọng trước những đóng góp, hy sinh to lớn của những người lính trong cuộc chiến tranh.

Hồi ký của ông có đoạn: “Trên đường trở về Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, tôi suy nghĩ và tự rút ra cho mình một điều: Tất cả mọi chiến thắng ở chiến trường, mọi kỳ tích anh hùng trước hết và trực tiếp đều do những người chiến sĩ binh nhất, binh nhì, những người cán bộ phân đội làm nên dưới sự lãnh đạo vững mạnh của các tổ chức Đảng mà nổi bật là vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên”.

Thấu hiểu tâm tư của người lính, đồng cam cộng khổ với đồng đội, nên dù ở vị trí là người chỉ huy cao cấp nhưng Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp vẫn sống và chiến đấu như một người lính. Người ta nhớ mãi về ông trong vai trò vừa là một nhà chỉ huy chiến lược quân sự tài năng, vừa là một chiến sĩ quả cảm, không ngại khó khăn gian khổ, không một chút nản lòng trước cái chết cận kề.

Trọn tình cảm cho nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình thống nhất, nhưng những nỗi đau, hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh để lại luôn giằng xé trong ông. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe cũng đã bắt đầu suy giảm do những ảnh hưởng của chiến tranh, những năm tháng sống trong rừng núi với bộn bề thiếu thốn, nhưng Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp không cho phép mình nghỉ ngơi. Nghỉ hưu, ông lại tham gia vào một cuộc “chiến đấu” mới, đó là bảo vệ quyền lợi và đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đầu năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập thì cũng là năm ông chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội.

Ngay sau đó, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã cùng với những “đồng đội”của mình trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam xây dựng đề án giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tiếp đó, ông cùng với nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tổ chức thu thập hồ sơ, chứng cứ để tiến hành vụ khởi kiện ngày 31-1-2004 đối với các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Năm tháng đi qua, tuổi đời nhiều lên, sức khỏe của Thượng tướng giảm sút nhiều. Nhưng, vì những nạn nhân của chiến tranh, vì số phận của những đồng đội mình, của con em họ và của những người dân lành, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tham gia tổ chức nhiều hoạt động để tập hợp lực lượng, kêu gọi nhân dân trong nước và quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình, công bằng, công lý của các nạn nhân Việt Nam. Sự ủng hộ này, không chỉ dừng lại ở mặt tinh thần mà có cả nhiều vật chất để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đến nay đã có hàng trăm gia đình nạn nhân chất độc da cam được sửa chữa nhà mới, hàng nghìn nạn nhân được nhận tiền hỗ trợ chữa bệnh, mua cây trồng, vật nuôi để đẩy mạnh sản xuất. Trong thời gian công tác ở Hội, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã dành phần lớn thời gian của mình để tới thăm những làng trẻ Hữu nghị, những gia đình nạn nhân chất độc da cam, chia sẻ và động viên họ vượt qua thách thức, khó khăn.

Nói về những đóng góp của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, GS Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định: “Những nạn nhân da cam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ mãi mãi tự hào về Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, về những gì mà ông đã làm trong suốt những năm tháng chiến tranh giải phóng đất nước và những năm ông làm Chủ tịch Hội. Cuộc chiến đấu đòi công lý, công bằng của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ còn kéo dài và đầy gian nan, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không dừng bước, không phụ lòng trước những đóng góp và sự kỳ vọng rất to lớn của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp”.

Còn ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam xúc động nói: “Bác Hiệp dù tuổi cao, sức khỏe không tốt nhưng suốt 4 năm làm Chủ tịch Hội, ông đã đem hết trí tuệ, sức lực và kinh nghiệm công tác để cùng Ban chấp hành hội xây dựng hội thực sự là chỗ dựa vững chắc, một “địa chỉ đỏ” cho những nạn nhân của chiến tranh”.

Vĩnh biệt Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, vĩnh biệt một vị tướng tài ba, một con người có trái tim nhân hậu. Ông từ biệt thế giới này nhưng tài ba, đức độ và tấm lòng của ông còn lưu lại mãi mãi. 

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục