Chủ động phòng chống dịch bệnh trong gia súc, gia cầm

Bệnh lở mồm long móng đang có nguy cơ bùng phát thành dịch trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Tại tỉnh Đắc Lắc, theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, từ tháng 8-2009 đến nay đã có hơn 400 con trâu, bò mắc bệnh, tập trung chủ yếu ở huyện Krông Bông và thành phố Buôn Ma Thuột.

(SGGPO).- Bệnh lở mồm long móng đang có nguy cơ bùng phát thành dịch trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Tại tỉnh Đắc Lắc, theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, từ tháng 8-2009 đến nay đã có hơn 400 con trâu, bò mắc bệnh, tập trung chủ yếu ở huyện Krông Bông và thành phố Buôn Ma Thuột.

Còn tại tỉnh Gia Lai, cùng với đàn gia súc 42 con ở xã Ia Dơk, huyện biên giới Đức Cơ nhiễm bệnh này, trong tuần cũng đã có thêm ổ dịch mới ở xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, với 13 con bò của 7 hộ mắc bệnh.

UBND tỉnh Gia Lai đã có công điện, chỉ đạo triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tối đa không để bệnh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, theo ông Dương Ngọc Thanh - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Gia Lai thì nguy cơ bệnh lở mồm long móng lan rộng ở khu vực Tây Nguyên là rất lớn. Cùng với khí hậu ẩm ướt, lượng vắc xin tiêm phòng đợt I đang ở giai đoạn cuối, sức đề kháng trong đàn gia súc yếu, khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng cao.

* Phú Thọ: Để chủ động phòng tránh dịch tái phát trong mùa mưa lũ sắp tới, từ ngày 1 đến 30-10, tỉnh Phú Thọ đồng loạt triển trai tiêm vắc xin phòng lở mồm long móng cho hơn 170.000 con trâu bò; gần 69.000 con lợn được tiêm vắc xin phòng tụ huyết trùng, dịch tả và LMLM... Tỉnh phấn đấu đến 25-10 toàn bộ số gia súc trên được tiêm phòng dịch.

* Hòa Bình: Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Tân Lạc, đến ngày 9-10, tại xóm Bục, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) xuất hiện 27 con trâu bò mắc bệnh lở mồm long móng. Ngay sau khi phát hiện dịch, Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long lóng gia súc.

Theo đó, tỉnh tổ chức khoanh vùng dịch khẩn cấp tại huyện Tân Lạc; thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, lập biển báo, cấm vận chuyển gia súc, cấm tự động giết mổ trâu, bò trong vùng dịch; nhốt tất cả trâu, bò để chăm sóc tại gia đình không chăn thả, tiến hành quét dọn phân rác hàng ngày, xử lý chất thải bằng phương pháp chôn đốt; phun thuốc khử trùng ngày 2 lần tại các hộ có trâu bò bị dịch, bãi chăn thả, đường giao thông và phương tiện tiếp xúc với gia súc bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tại ổ dịch, khu vực quanh ổ dịch. Đồng thời tiến hành tiêm phòng bao vây vùng dịch và áp dụng các biện pháp chống dịch lở mồm long móng đối với vùng vành đai.    

Quốc Học - T.T.X.

Tin cùng chuyên mục