Nơi công cộng khói thuốc mịt mù

Nơi công cộng khói thuốc mịt mù

Mỗi năm, cả nước có 4 vạn người chết do các bệnh liên quan tới thuốc lá. Nhưng khói thuốc vẫn mịt mù nơi công sở, trường học, nhà hàng, khách sạn, thậm chí ở những nơi cấm hút thuốc như bệnh viện, bến tàu, bến xe vẫn đầy người thản nhiên hút thuốc. Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá, PV SGGP 12 Giờ đã có cái nhìn về vấn nạn này.

  • Chuyện thường ngày

Khu khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai đã cuối giờ sáng mà vẫn đông nghịt người. Trong không khí nóng bức và ngột ngạt đó, ở cuối dãy ghế chờ khám bệnh vẫn có ba người đàn ông ngồi rít thuốc lá. Khói thuốc tỏa mịt mù. Nhiều ánh mắt khó chịu hướng về họ nhưng những người này vẫn phớt lờ. Chỉ đến khi một y tá tới nhắc nhở và chỉ vào tấm biển không hút thuốc ngay gần đó, họ mới chịu di điếu thuốc xuống đất.

Nơi công cộng khói thuốc mịt mù ảnh 1

Tại các nơi công cộng, không quá khó để bắt gặp người hút thuốc mà chẳng ai bị nhắc nhở hay xử phạt. Nhiều người còn hồn nhiên xả khói cạnh tấm biển cấm hút thuốc lá. Tại Bến xe Mỹ Đình, một trong những bến xe khách lớn của Hà Nội, từ cổng bến xe đến khu nhà chờ, trong các quán nước xung quanh khu nhà xe, hầu như chỗ nào cũng có người phì phèo thuốc lá, từ những cậu bé đánh giày cho tới người lớn tuổi. Một chị phụ nữ bế con nhỏ đang ngồi chờ xe, than với chúng tôi: “Khó chịu lắm, thậm chí trên cả những chuyến xe cũng có người hút thuốc. Có biển cấm hút thuốc cũng chỉ để làm cảnh vì đâu ai xử phạt nên người ta vẫn cứ thản nhiên phì phèo điếu thuốc, coi đó là chuyện bình thường”. 

  • Luật có như không!

Tình trạng hút thuốc lá ở Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, trở thành một trong những quốc gia hút thuốc hàng đầu thế giới, với 51,6% nam giới hút thuốc. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chúng ta thiếu những biện pháp kiểm soát và cảnh báo nguy cơ tác hại do thuốc lá gây ra. Cách đây 4 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000đ đối với hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng như bến xe, sân bay, bệnh viện, rạp hát, rạp chiếu phim, phòng đợi của nhà ga…

Thế nhưng, theo TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia cho biết, cho tới nay chưa có lực lượng chức năng nào đứng ra xử phạt và cũng chưa có ai hút thuốc lá nơi công cộng hay những nơi có biển cấm hút thuốc mà bị xử phạt. TS Kính cũng cho rằng, chế tài xử phạt của chúng ta hiện chưa đủ mạnh, số tiền xử phạt quá thấp. Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc của người nghiện rất khó thay đổi.

Một vấn đề nữa là việc in cảnh báo tác hại của thuốc lá bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc vẫn chưa được thực hiện cho dù Việt Nam đã tham gia Công ước khung về phòng chống tác hại thuốc lá. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei đã sử dụng các hình ảnh và thông điệp luân phiên chiếm 50% diện tích trở lên trên vỏ bao thuốc lá để cảnh báo những nguy cơ tác hại của thuốc lá với sức khỏe.

Theo TS Kính, mẫu cảnh báo “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” chỉ chiếm 30% diện tích của mỗi vỏ bao thuốc lá như hiện nay là không đủ mạnh để tác động tới ý thức người sử dụng. Mẫu cảnh báo như vậy chỉ phần nào cung cấp cho người dân nhận thức được về tác hại của thuốc lá, song không giúp hiểu được tác hại cụ thể, đầy đủ do thuốc lá gây ra, thậm chí còn gây hiểu nhầm là thuốc lá chỉ “có thể” gây một bệnh “ung thư phổi”.

  • Chết do thuốc lá vẫn ngày một tăng

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông. Mặt khác, tổng chi phí xã hội cho 3 loại bệnh phổ biến có nguyên nhân từ hút thuốc lá rất lớn, khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm, tương đương với khoảng 20% tổng chi tiêu ngân sách cho y tế. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho thấy, ở Việt Nam, đối tượng hút thuốc có ở tất cả các nhóm ngành nghề, khu vực và đặc biệt cao ở nhóm từ 25-50 tuổi.

Những người làm nghề xây dựng, lái xe có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất- trên 70%, tiếp đến là ngành nghề vận hành máy móc, công nghiệp, bán hàng... Đặc biệt, có đến hơn 50% những người làm quản lý, lãnh đạo hút thuốc lá. Bên cạnh đó, số người không hút thuốc nhưng phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động rất cao, với khoảng 2/3 số phụ nữ và 1/2 số trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, với tình trạng hút thuốc lá như hiện nay ở Việt Nam, dự kiến sẽ có khoảng 7 triệu người sẽ chết sớm do mắc các bệnh có liên quan đến thuốc lá trong vòng 20 năm nữa. Chưa kể, hút thuốc lá còn làm giảm năng suất lao động, gây thiệt hại 5%-10% kinh tế mỗi gia đình/năm.

QUỐC LẬP

 Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ y tế của WHO tại Việt Nam cho biết, khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất độc, trong đó có 43 chất là tác nhân gây ung thư. Khi hút thuốc, các chất này sẽ đi vào cơ thể và là nguyên nhân của khoảng 25 căn bệnh nguy hiểm, phổ biến nhất là ung thư phổi, các bệnh về đường hô hấp và tim mạch. Cụ thể, hút thuốc lá làm tim đập mạnh hơn, làm giảm oxy trong máu, tổn hại đến các tế bào cơ tim, khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người hút thuốc lá cao gấp 3 lần so với những người không hút thuốc. Cứ 3 người hút thuốc lá thường xuyên, mỗi người hút 20 điếu/ngày thì 1 trong 3 người sẽ chết sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Tin cùng chuyên mục