Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng - Bài 1: Trắc trở vì đi đầu!

Trên thông dưới thắt!
Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng - Bài 1: Trắc trở vì đi đầu!

Với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi ngân sách còn hạn chế nên từ khá sớm, TPHCM đã đề ra nhiều chính sách thông thoáng nhằm thu hút nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, qua hơn chục năm triển khai chủ trương xã hội hóa tại TPHCM, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng.

Xã hội hóa về hạ tầng giao thông sẽ giảm tình trạng kẹt xe. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Xã hội hóa về hạ tầng giao thông sẽ giảm tình trạng kẹt xe. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Trên thông dưới thắt!

Cầu Phú Mỹ (nối quận 2 và quận 7) đã khánh thành ngày 2-9-2009, có lẽ hơn ai hết, TS Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC - chủ đầu tư công trình), là người vui nhất. Tuy nhiên, ông Thái cũng không quên những tháng ngày truân chuyên xung quanh việc xây dựng cây cầu này.

Là Việt kiều và đang có cuộc sống khá ấm êm ở Pháp, nhưng sau những lần tiếp xúc với những người từ quê mẹ sang, ông Thái đã quyết chí phải làm một cái gì đó cho quê hương. Thế là đầu những năm 1990, ông trở về VN sinh sống và làm việc.

Cùng thời điểm này, TPHCM lại có chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế góp công, góp sức xây dựng quê hương… Hồ hởi, ông cùng các đồng nghiệp đã đăng ký tham gia đấu thầu xây dựng cầu Phú Mỹ. Để thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư, nhóm của ông đã chủ động liên doanh với một số doanh nghiệp nhà nước và thành lập PMC. 

Trong khi Bộ Tài chính và lãnh đạo UBND TPHCM rất ủng hộ và thống nhất bảo lãnh cho PMC vay tiền từ các ngân hàng ở Pháp và giao cho Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TPHCM đứng ra ký hợp đồng vay thì người lãnh đạo quỹ này lại tìm mọi cách gây khó dễ. Cho đến ngày cuối cùng phải ký hợp đồng vay thì giám đốc quỹ đã bỗng dưng… “biệt dạng”! Vị này đã tắt máy ĐTDĐ và lãnh đạo thành phố cũng không thể liên lạc được.

Ông Thái và những cộng sự của mình đã phải dò tìm mãi mới biết người này đang “trốn” trong phòng làm việc của mình. Họ đã phải “canh” trước cửa phòng làm việc của người này đến 12 giờ đêm! Đến nước này thì người đứng đầu quỹ buộc phải “hạ bút”. Sau khi có được chữ ký, ông Thái đã vội vã fax ngay bản hợp đồng qua Pháp. May mà các ngân hàng Pháp kiên nhẫn chờ dù sắp hết giờ làm việc.

Do sự chậm trễ của các thủ tục đầu tư mà việc xây dựng cầu chậm so với dự kiến khoảng 1 năm và PMC đã phải đền cho nhà thầu hơn 1 triệu USD. Dĩ nhiên, sau “sự cố” đó, vị lãnh đạo của quỹ trên cũng “ra đi”, và UBND TPHCM đã ra sức tạo mọi điều kiện thuận lợi để công trình thi công. Kết quả ngoài mong đợi, cầu Phú Mỹ đã hoàn thành trước thời hạn dự kiến 4 tháng!

Kéo dài bởi thủ tục

Trước áp lực ùn tắc do lượng ô tô và xe máy ngày càng tăng nhanh, năm 2004, UBND TPHCM đã ra chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm với nhiều ưu đãi và 8 địa điểm đã được xác định sẽ là bãi đậu xe ngầm tương lai.

Hưởng ứng kịp thời, Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) đã đề xuất xây dựng một bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1). Đây được xem là dự án bãi đậu xe ngầm công cộng đầu tiên của cả nước. Đến tháng 4-2005, Thủ tướng cũng có văn bản chấp thuận việc đầu tư xây dựng công trình này.

Do công trình dạng này chưa có trong quy chuẩn xây dựng của VN nên IUS phải bỏ cả trăm triệu đồng ra mua tài liệu và thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện bản thiết kế công trình.

Vận hành hệ thống xử lý nước ngọt công suất 5000m³/ngày cung cấp cho người dân Huyện Cần Giờ tại công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn - đơn vị thực hiện xã hội hóa cấp nước. Ảnh: Đức Trí

Vận hành hệ thống xử lý nước ngọt công suất 5000m³/ngày cung cấp cho người dân Huyện Cần Giờ tại công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn - đơn vị thực hiện xã hội hóa cấp nước. Ảnh: Đức Trí

Mọi việc tưởng như suôn sẻ như có lần lãnh đạo IUS hồ hởi thông báo: dự án sẽ được khởi công trong tháng 9-2006. Tuy nhiên, “mạng nhện thủ tục” bắt đầu “bao vây” dự án. Cuối năm 2006, Sở Giao thông Công chính TPHCM (GTCC - nay là Sở Giao thông Vận tải) và Bộ Xây dựng đã đồng ý phương án kết nối giao thông, kết nối với ga tàu điện ngầm trong tương lai, nhưng các sở ngành khác lại cho rằng chưa phù hợp (!).

Một chuyện dở khóc dở cười nữa là Sở TN - MT TPHCM đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho dự án này vào ngày 20-6-2006, nhưng cũng chính sở này, gần một năm sau lại đòi chủ đầu tư phải bổ sung yêu cầu này (!). Tháng 10-2006, Sở GTCC TPHCM cũng đã từng thống nhất với IUS về phương án bảo tồn và di dời cây xanh công viên mà IUS đã đưa ra.

Nhưng sau đó, Công ty Công viên Cây xanh (thuộc Sở GTCC) lại cho rằng không thể phục hồi một số loại cây xanh theo phương án của IUS! Mặc dù Bộ Xây dựng đã có công văn cho rằng thiết kế cơ sở của dự án áp dụng các tiêu chuẩn hiện hành của VN và các tiêu chuẩn châu Âu, Anh, Mỹ và Singapore là phù hợp với các quy định hiện hành, nhưng nhiều sở ngành của TPHCM vẫn liên tục “thắc mắc”.

Đến nay, từ con số ban đầu là 657 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư dự kiến của công trình đã “đội” lên 1.748 tỷ đồng. Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, nhưng lãnh đạo IUS thừa nhận vẫn chưa thể xác định được ngày khởi công vì còn chờ UBND TPHCM ký hợp đồng BOT, rồi chờ cấp giấy phép xây dựng…

Hoàng Liêm - Nguyễn Khoa

>> Bài 2: Hoàn thiện thủ tục đầu tư

Tin cùng chuyên mục