Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng - Bài 2: Hoàn thiện thủ tục đầu tư

Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa, nhiều doanh nghiệp đã hăm hở đăng ký hàng trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp đăng ký cả ngàn tỷ đồng, tham gia đầu tư các dự án. Tuy nhiên, với các dự án đã đi vào hoạt động, hiệu quả kinh doanh rất èo uột.

Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa, nhiều doanh nghiệp đã hăm hở đăng ký hàng trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp đăng ký cả ngàn tỷ đồng, tham gia đầu tư các dự án. Tuy nhiên, với các dự án đã đi vào hoạt động, hiệu quả kinh doanh rất èo uột.

Họa vô đơn chí

Tại ven quốc lộ 1A, đoạn thuộc xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), cuối năm 2004, DNTN Thành Hiệp Phát (THP) đã được UBND TPHCM cấp phép xây dựng một bến xe tải với tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng. Theo chủ trương của UBND TPHCM, dự án này được hỗ trợ lãi suất vay đầu tư. Như vậy, theo quy định thì với số vốn đầu tư trên, THP được hỗ trợ khoảng 37 tỷ đồng trong thời gian 9 năm đầu tư và khai thác. Các con số này đã được Sở Giao thông Vận tải thẩm định, trình UBND TPHCM xem xét khi ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, bến xe đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2007, nhưng đến nay, việc hỗ trợ lãi vay cho THP vẫn còn…tranh cãi! Sở Tài chính cho rằng, trong quyết định đầu tư của UBND TPHCM chỉ có con số tổng mức đầu tư là 119 tỷ đồng mà không có con số hỗ trợ lãi vay là 37 tỷ đồng nên họ không có căn cứ chi. Hiện UBND TPHCM giao cho các sở Tài chính, Giao thông Vận tải và Kế hoạch - Đầu tư xem xét lại sự vụ.

Không những vậy, bến xe của THP còn sống dở chết dở với tình cảnh xe ra vào bến thưa thớt. Trước đây, xe tải chạy thẳng từ quốc lộ 1A vào bến xe luôn, nhưng từ khi làm đại lộ Đông Tây thì lối đi này đã không còn nữa. Thay vào đó xe vào bến phải đi vào đường Trần Đại Nghĩa (đường lên KCN Lê Minh Xuân) rồi rẽ vào con đường đất tránh song hành với quốc lộ 1A. Không những bất tiện do phải quẹo lòng vòng, đường hẹp chỉ vừa 2 làn xe và xấu mà trên con đường này xe tải cũng đậu tràn lan do không có biển cấm. Hệ quả là mặt đường bị lấn chiếm, gây kẹt xe liên tục nên các xe tải khác muốn vào bến cũng ngại. Trong khi đó, khi kêu gọi đầu tư, TPHCM có cam kết sẽ không cho xe đậu tràn lan trên đường ở những chỗ có bãi đậu xe. Một lãnh đạo THP bức xúc: “Từ khi đưa vào khai thác đến nay, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 100 lượt xe ra vào, trong lúc sức chứa của bến là 200 chiếc. Vì vậy, mỗi tháng chúng tôi lỗ 20 - 30 triệu đồng!”.

5 năm vẫn một giá!

Từ nhiều năm trước cho đến nay, người dân TPHCM luôn sống trong nỗi lo thiếu nước sạch. Được xem là đơn vị đầu tiên hợp tác với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nhưng “số phận” của Công ty TNHH Hiệp Ân (Hiệp Ân) cũng không kém phần long đong. Năm 2000, Hiệp Ân đã bỏ ra khoảng 2,5 tỷ đồng đầu tư một trạm xử lý, hệ thống đường ống cùng đồng hồ nước và cung cấp nước sạch cho khu dân cư ở phường 4, quận 8. Tuy nhiên, do vùng này thưa dân nên từ khi đi vào khai thác (tháng 1-2002) đến tháng 10-2002, trạm chỉ bán được 150 - 200m3/ngày, trong lúc công suất thiết kế là 1.000m3/ngày. Không thể để lãng phí và thua lỗ kéo dài, Hiệp Ân đề nghị Sawaco mua lại lượng nước dư. Đến tháng 11–2002, Sawaco mới chịu mua 700m3/ngày với giá 2.200 đồng/m3 và lên thêm 200m3/ngày từ tháng 12-2003. Qua nhiều lần nài nỉ, đến tháng 1-2005 Sawaco mới nâng giá mua nước lên 2.376 đồng/m3. Sang đầu năm 2006, Sawaco ký lại hợp đồng mua nước với Hiệp Ân, không những giá không đổi mà sản lượng còn giảm xuống còn 800m3/ngày.

Từ đó đến nay, dù Hiệp Ân đã nhiều lần kiến nghị xin tăng giá bán sỉ nước sạch do chi phí đầu vào ngày càng tăng cao, nhưng Sawaco vẫn không nhúc nhích trong khi giá bán nước sạch trung bình từ cuối năm 2004 của Sawaco là 4.500 đồng/m3. Theo bà Phạm Ngọc Huỳnh, Giám đốc Hiệp Ân, ngay cả ở thời điểm năm 2002, mức giá trên đã không mang lại hiệu quả kinh doanh chứ đừng nói gì năm 2009. Không những vậy, bà Huỳnh cũng đang rất lo lắng khi Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn (một thành viên của Sawaco) đang tiến hành phủ mạng lưới cấp nước lên khu vực Hiệp Ân đang cung cấp nước. Bởi nếu Sawaco ngưng mua nước thì thiệt hại mà Hiệp Ân hứng chịu là không nhỏ. Đồng cảnh ngộ với Hiệp Ân là DNTN Hằng Hải. Tại phường 5, quận 8, Hằng Hải cũng đầu tư xây dựng một trạm cấp nước sạch, hoạt động từ tháng 5-2004 và bán lại cho Sawaco 1.200m3/ngày với mức giá tương tự. Với “thế đứng” chông chênh nên cả Hiệp Ân lẫn Hằng Hải đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” với Sawaco từ nhiều năm qua.

Với vị trí đặc thù, TPHCM là địa bàn triển khai thực hiện xã hội hóa đầu tư vào các ngành hạ tầng kỹ thuật rất sớm, chủ trương được thể hiện ở hầu hết trong các nghị quyết, bản quy hoạch, quyết định và quy chế. Lúc đầu cũng có hàng trăm nhà đầu tư đăng ký tham gia, nhưng cho đến nay, số nhà đầu tư thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cầu đường là lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất, nhưng cũng mới có được một số công trình như cầu Bình Triệu 2, quốc lộ 1A (đoạn An Sương - An Lạc), cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Hữu Cảnh… Tuy nhiên, trong đó chỉ có cầu Phú Mỹ là thực sự thu hút được nguồn vốn từ nước ngoài. Còn lại chủ yếu lấy vốn từ các ngân hàng trong nước.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu vốn hàng năm cho ngành. Riêng lĩnh vực cầu đường, mỗi năm TPHCM cần 14.000 - 15.000 tỷ đồng. Nhưng việc thu hút vốn ngoài ngân sách còn gặp rất nhiều khó khăn, lớn nhất vẫn là thủ tục đầu tư. Chẳng hạn, hình thức BOT có một rào cản lớn của Bộ Tài chính là quy định 2 trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70km. Còn hình thức đổi đất lấy hạ tầng cũng không còn “đất dụng võ” khi quỹ đất của TP đã “cạn”. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Nguyễn Văn Quang cho rằng, để chủ trương xã hội hóa phát huy tác dụng cao như mong muốn thì cần có nhiều ưu đãi hơn nữa. Nhưng cần nhất vẫn là tạo được hành lang pháp lý rõ ràng và chặt chẽ cùng với môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.

H.LIÊM - N.KHOA

>> Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng - Bài 1: Trắc trở vì đi đầu!

Tin cùng chuyên mục