“Vùng trắng” tái định cư

Tái định cư (TĐC) là đến “nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”, đó là pháp lệnh đối với mọi dự án hạ tầng nếu phải dời dân. Nhưng việc này vẫn còn rất nhiều khó khăn, câu chuyện tại khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 TPHCM là một ví dụ.
“Vùng trắng” tái định cư

Tái định cư (TĐC) là đến “nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”, đó là pháp lệnh đối với mọi dự án hạ tầng nếu phải dời dân. Nhưng việc này vẫn còn rất nhiều khó khăn, câu chuyện tại khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 TPHCM là một ví dụ.

Ít người ở, thiếu hạ tầng

Tại khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi, 9 lô chung cư xây dựng xong từ tháng 10-2007, nhô lên cao nhất là chung cư 15 tầng, còn lại là chung cư 5 tầng bao bọc san sát nhau, chính giữa có một trường mẫu giáo. Một vài cây xanh thấp lè tè trồng dọc lối đi, không có công viên cho khu dân cư. Toàn bộ công trình trên nằm lọt giữa cánh đồng đang trồng lúa, cỏ cây bao phủ!

Tóm lại từ xa nhìn tới hoặc vào tận nơi thì cảm nhận vẫn là một khối bê tông màu xám trắng sơn phết bên ngoài “nặng trịch” được xây dựng theo kiểu cũ, đi thang bộ, chứ không hiện đại như những chung cư thương mại đang bán trên thị trường. Nhưng đó là khu TĐC khổng lồ, thuộc tốp lớn nhất của TPHCM với 1.040 căn hộ, nằm trong tổng thể diện tích 6,4ha, hiện nay chủ yếu phục vụ giải tỏa cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đường vào khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, Q2 còn ngập đầy bùn đất.
Đường vào khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, Q2 còn ngập đầy bùn đất.

Ông Lư Tấn Tân, Phó chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi cho biết, hiện nay có 326 hộ đã ở trong chung cư, sắp tới sẽ tiếp nhận tiếp 51 hộ nữa, chỉ chiếm độ 30%. Thực chất nhu cầu TĐC của quận thì nhiều, nhưng còn nhiều cái khó để thu hút người dân về đây an cư lạc nghiệp.

Đầu tiên là chất lượng của chung cư. Đó là vết nứt tường xuất hiện ở nhà để xe, tại một số căn hộ, ngoài ra những hư hỏng nhỏ như bong nền, hư ống nước… thì rất nhiều. Đối với khu dân cư, hệ thống hạ tầng cơ bản cần phải có đó là điện, đường, trường, trạm. Nhưng ở đây có đèn chứ không có điện, giữa đồng không mông quạnh nhưng lại thiếu điện đèn đường (hiện chỉ có tại 3 lô, đó là A 4, 5, 6). Hệ thống trường học thì mới chỉ có một trường mẫu giáo nằm giữa các tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, nhưng hiện cũng là chỗ học tạm cho các em học cấp 2, vì trường cấp 2 đang xây dựng. Về y tế, theo quy hoạch khu TĐC sẽ sử dụng chung bệnh viện nằm trong quy hoạch của khu dân cư 174 ha dọc theo liên tỉnh lộ 25B. Khu 174 ha đã có hàng chục năm nay, nhưng chỉ có vài căn nhà, còn lại là cỏ ngút ngàn, riêng bệnh viện thì không biết bao giờ mới xây.

Chưa hết, hàng ngày người dân phải đi chợ Cây Xoài trên đường Nguyễn Thị Định, cách khoảng 10 phút chạy xe. Nhưng “ớn” nhất khi phải ra đường đi học, đi làm, đi chợ… là vừa chen, vừa né những xe container chạy “bạt mạng” trên liên tỉnh lộ 25. Bởi đây là con đường duy nhất lâu nay nối khu TĐC với trung tâm quận 2 của thành phố. Từ đầu tháng 9 đến nay có thể đi qua cầu Phú Mỹ nhưng đường chưa hoàn chỉnh, lại lòng vòng. Đây cũng là con đường chính nối cảng Cát Lái, nên xe ăn hàng nối đuôi nhau chạy dài dằng dặc, con đường quá nhỏ, khi hai xe tránh nhau thì người đi xe máy phải dừng lại, ép hết cỡ vào lề đường mới đảm bảo an toàn.

Mặc dù ông Nguyễn Văn Thành, trưởng Ban quản trị chung cư cho biết ngay giao lộ của đường vào chung cư với liên tỉnh lộ 25 đã có đèn báo hiệu, nhưng lưu thông rất lộn xộn. Những chiếc xe container dài ngoẵng vẫn lao “hết ga”, “hết số”, để lại đằng sau là nỗi ám ảnh…

Nhọc nhằn mưu sinh

Trong khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi, dường như giờ nào, ngày nào cũng có thể gặp những người dân độ tuổi lao động đang rảnh rỗi nhưng khuôn mặt lại lắm lo toan. Tại một quán tạp hóa có bán cà phê ở chung cư lốc A, có thể bàn chuyện nhiều giờ với nhiều người, nhưng ai cũng lo lắng khi bàn đến chuyện làm ăn.

Anh Hải ở căn hộ 314 là một người như thế. Sống tại phường Thủ Thiêm, hồi chưa bị giải tỏa anh lái tàu cho một công ty trong cảng Sài Gòn. Thời gian chạy tàu có khi là trưa hoặc tối mà cũng có lúc là 3-4 giờ sáng. Vì gần nhà, nên chủ tàu gọi là anh có mặt ngay tức khắc, lương không cao nhưng khoảng thu nhập hơn một triệu đồng/tháng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Từ khi về đây, việc đi lại quá xa, không phù hợp do giờ giấc không ổn định nên anh phải nghỉ làm.

Giải quyết việc làm là vấn đề hóc búa đối với chính quyền sở tại. Ông Lư Tấn Tân, Phó chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi kể câu chuyện: Năm ngoái sàn giao dịch việc làm mở ở quận, phường giới thiệu 50 lao động lên đó nhưng không có ai đi. Bởi sàn việc làm thì nêu tiêu chí rõ ràng, nghề gì làm việc gì. Còn những hộ dân tái định cư phần lớn là lao động phổ thông, không có nghề, độ tuổi lưng chừng nên làm việc gì cũng khó!

Theo báo cáo của UBND phường Thạnh Mỹ Lợi, tính đến nay đã cho 12 hộ vay với tổng số vốn 210 triệu đồng để kinh doanh. Hiện có 7 hồ sơ xin vay vốn đang tiếp tục thẩm định. Nói chung các hồ sơ vay vốn làm ăn chủ yếu là buôn bán nhỏ. Hẳn nhiên đó chỉ là muối bỏ biển, việc giải quyết việc làm cho người dân tại đây đòi hỏi một bài toán căn cơ, thật sự nghiêm túc.

Từ câu chuyện của khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi có thể thấy, mặc dù chính quyền đã cố gắng lo cho người dân TĐC, nhưng vẫn còn những khiếm khuyết cần phải khắc phục. Từ hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày cho đến công ăn việc làm đòi hỏi phải có đầy đủ, sát thực hơn; làm sao khi dân đến thì hưởng ngay an cư lạc nghiệp.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục