Vĩnh biệt Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Sau hơn 5 ngày cấp cứu với sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng, mẹ Nguyễn Thị Thứ đã về cõi vĩnh hằng hồi 1 giờ 40 ngày 10-12, hưởng thọ 106 tuổi. Mẹ ra đi về cõi vĩnh hằng không quá bất ngờ nhưng đã tạo nên một sự hụt hẫng trong lòng người dân...
Vĩnh biệt Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Sau hơn 5 ngày cấp cứu với sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng, mẹ Nguyễn Thị Thứ đã về cõi vĩnh hằng hồi 1 giờ 40 ngày 10-12, hưởng thọ 106 tuổi. Mẹ ra đi về cõi vĩnh hằng không quá bất ngờ nhưng đã tạo nên một sự hụt hẫng trong lòng người dân...

Nhà mẹ Thứ nằm trong con ngõ hẹp thuộc thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) hôm nay rất đông người. QL1A đoạn ngã ba Lầu Sụp, chiếc cờ tang được cắm đầu làng, dẫn vào con đường ngoằn ngoèo lọt thỏm giữa hai bờ tre rũ quệt đầu người như buồn rầu đưa tiễn người mẹ Việt Nam anh hùng về cõi vĩnh hằng.

Với người dân ở cái làng quê nhỏ bé này, mẹ Thứ mất đi cũng như mẹ của mỗi người rời xa cõi trần. Ai ai cũng đến chia sẻ, rơi nước mắt tiễn đưa người mẹ VNAH về với 9 người con, 2 cháu ngoại và một con rể đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Mẹ nằm đó, trên chiếc chõng năm nào, dưới tấm chân dung mẹ với bao nếp nhăn. Mỗi nếp nhăn trên gương mặt mẹ là một nỗi đau, nỗi đau mất con, mất cháu. Dẫu biết nay mẹ đã về với đất mẹ, về gặp những người con, người cháu yêu quý… trong lòng cứ trống trải lạ kỳ.

Trong chiến tranh, đất Điện Thắng đã chứng kiến mẹ Thứ đưa tiễn con, cháu và con rể lên đường đánh giặc, và lần lượt sau đó, mẹ lại thắt lòng nuốt nước mắt vào trong khi vĩnh viễn rời xa những đứa con, người cháu. Sức mẹ già nua tưởng chừng không chịu nổi nỗi đau mất con, mất cháu, nhưng mẹ vẫn kiên cường vượt qua, vẫn kiên cường bám trụ trên mảnh đất Điện Bàn làm cơ sở cách mạng đợi ngày chiến thắng.

Tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu hình tượng mẹ Nguyễn Thị Thứ được xây dựng tại Quảng Nam.

Tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu hình tượng mẹ Nguyễn Thị Thứ được xây dựng tại Quảng Nam.

30-4-1975, mẹ nở nụ cười khi đất nước trọn niềm vui chiến thắng, nhưng sâu thẳm trong lòng mẹ là nỗi đau mất con. Và trong giấc ngủ thời bình, giấc ngủ của mẹ vẫn là cuộc chiến, vẫn là những đợt hô xung phong đánh giặc…

Để tri ân mẹ, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam cùng cả nước phát động xây tượng đài mẹ Thứ tại xã Tam Phú, TP Tam Kỳ để tưởng nhớ đến những cống hiến, hy sinh mất mát của mẹ - đại diện cho những người mẹ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Tôi gặp ông Lê Tự Thận – người con trai còn lại của mẹ - khi đang tất bật chuẩn bị hậu sự cho mẹ. Ông buồn rầu cho biết: Sáng ngày 5-12, mẹ Thứ có dấu hiệu ăn không được, bụng no hơi và sức khỏe yếu, gia đình tức tốc đưa mẹ vào Bệnh viện C Đà Nẵng. Tại đây, các bác sĩ đã chăm sóc theo chế độ đặc biệt cho mẹ.

Hai ngày sau, mẹ khỏe dần và đưa ra điều trị tại Khoa Nội A. Nhưng chỉ 6 giờ sau đó, mẹ yếu dần, một lần nữa các bác sĩ đưa mẹ vào Khoa Hồi sức cấp cứu. Đến 12 giờ đêm ngày 9-12, mặc dù đã hết lòng chữa trị, nhưng các bác sĩ đành gọi người nhà ra và trả lời bằng cái lắc đầu. Đến 1 giờ 40, mẹ đã trút hơi thở cuối cùng.

Ngay sau khi tin mẹ Thứ mất được loan đi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải đã đến thăm mẹ lần cuối cũng như chỉ đạo việc lo hậu sự cho mẹ. Ngay trong ngày 10-12, mặc dù chưa đến lễ viếng, nhưng những dòng người cứ đổ về nhà mẹ để thăm mẹ lần cuối.

Một nén nhang xin tiễn mẹ Thứ - hình tượng người mẹ VNAH về với đất mẹ anh hùng, về với những người con đã hy sinh trong công cuộc giành độc lập dân tộc. Mẹ về cõi vĩnh hằng rời xa trần thế, nhưng trong lòng người dân đất Quảng kiên trung, trong lòng người dân miền Nam – nơi những người con của mẹ đã ngã xuống và trong lòng người dân miền Bắc hậu phương vẫn một lòng tôn kính mẹ, mẹ Thứ - mẹ VNAH!  

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục