Chúc mừng GS Trần Văn Giàu bước sang tuổi 100 (6-9-1911): Một năm trong một trăm năm

Chúc mừng GS Trần Văn Giàu bước sang tuổi 100 (6-9-1911): Một năm trong một trăm năm

Sau ngày đất nước thống nhất, GS Trần Văn Giàu về lại TPHCM. Chúng tôi - những học trò của ông, thường đến thăm, nghe ông kể những câu chuyện mà chưa có sách vở nào ghi lại. Có lần tôi hỏi: “Năm tháng nào để lại trong ký ức của thầy nhiều dấu ấn sâu đậm nhất?”. Ông trả lời, không chút do dự: “Năm 1945”. Trong năm ấy, ông vừa là Bí thư Xứ ủy, vừa đảm nhiệm nhiều trọng trách như Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến của Nam bộ.

Các đồng chí lãnh đạo và tuổi trẻ TPHCM chúc mừng Giáo sư Trần Văn Giàu nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng vào tháng 8-2009. Ảnh: Việt Dũng

Các đồng chí lãnh đạo và tuổi trẻ TPHCM chúc mừng Giáo sư Trần Văn Giàu nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng vào tháng 8-2009. Ảnh: Việt Dũng

Ông kể: Đêm 9-3-1945, hay tin Nhật đảo chính Pháp, tôi có hai nỗi mừng. Thứ nhất, một trong hai kẻ thù (thực dân Pháp) bị loại, từ nay dân ta chỉ phải đối phó với kẻ thù còn lại (phát xít Nhật). Thứ hai, không chóng thì chầy, Nhật cũng sẽ thua, tạo ra thời cơ để dân ta vùng lên giành chính quyền. Mừng xong lại lo: lực lượng của ta còn mỏng quá. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940, Pháp dìm cách mạng ở Nam bộ trong biển máu. Hơn một năm tái lập Xứ ủy, ta chỉ có chừng dăm ba ngàn đảng viên và quần chúng cốt cán, trong khi Nhật và các phe phái thân Nhật đông hơn nhiều.

Ngày 15-8-1945, ngay sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng, ông triệu tập Ban Thường vụ Xứ ủy để vạch kế hoạch giành chính quyền và cử Ủy ban khởi nghĩa. Ông dự kiến khởi nghĩa sẽ nổ ra trong đêm 17-8, chậm lắm là đêm 18-8. Không ngờ, trong hai kỳ hội nghị Xứ ủy sau đó, vài người còn bị ám ảnh bởi thất bại của cuộc khởi nghĩa 5 năm trước nên không tin tưởng khởi nghĩa lần này sẽ thành công. Ông lo lắm: chẳng bao lâu nữa, quân Anh sẽ vào Nam bộ để giải giới quân Nhật, họ sẽ ngăn cản dân ta giành chính quyền, ngược lại sẽ giúp Pháp trở lại tái chiếm Nam bộ. Ông đưa ra sáng kiến: lấy Tân An (quê hương của ông) làm thí điểm, nếu tỉnh này khởi nghĩa thành công, các địa phương khác sẽ làm theo. Hội nghị đồng ý. Đêm 22-8, Tân An giải phóng.

Đến ngày 22-9, quân Pháp nổ súng tấn công trụ sở ủy ban nhân dân và các cơ quan khác của Nam bộ ở Sài Gòn. Sáng sớm hôm sau, Hội nghị liên tịch Xứ ủy - Ủy ban nhân dân - Ủy ban kháng chiến Nam bộ được triệu tập, có hai đại diện Trung ương tham dự. Ông Giàu đề nghị hội nghị quyết định kháng chiến, nhưng không ngờ có ý kiến không tán thành, viện cớ kháng chiến là một vấn đề trọng đại của cả nước, Nam bộ phải chờ mệnh lệnh của Trung ương. Ông Giàu trả lời: “Đồng ý là phải thỉnh thị trung ương, nhưng Pháp đánh ta thì ta phải đánh trả lại ngay, nếu không sẽ mất đất, mất dân”. Hội nghị thảo luận hơn một tiếng đồng hồ mà vẫn không thống nhất ý kiến. Ông Giàu đứng dậy, tuyên bố ngắn gọn: “Khi giặc xâm lăng, tướng ngoài biên phải chỉ huy binh sĩ chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nhân dân, không chờ có lệnh của triều đình rồi mới hành động. Phải phát động kháng chiến ngay lập tức”. Quyết định của ông được đa số tán thành.

Lời kêu gọi kháng chiến (do ông vừa thảo xong trong đêm) được thông qua và đưa đi in hàng ngàn bản, không chỉ niêm yết ở khắp Sài Gòn mà còn gửi đi lục tỉnh: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng… Hãy nắm chặt võ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Từ Hà Nội, Chính phủ ra huấn lệnh, khẳng định chính sách tranh thủ hoàn toàn độc lập của Chính phủ và ca ngợi lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp.

Giữa tháng 10, trung ương điều động ông Giàu và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra Hà Nội. Ông kể: “Lên tới cầu Biên Hòa, dừng xe ngó về thành phố, vẫn thấy Sài Gòn cháy đỏ rực từ mấy tuần nay. Kẻ địch hãy còn bị bao vây quân sự và kinh tế trong Sài Gòn”. Phải rời đồng bào, đồng chí trong hoàn cảnh đó, lòng ông không khỏi rối bời! Nhưng lệnh đòi thì phải đi…

Tới thủ đô, ông nêu với trung ương hai nguyện vọng: cho phép ông trở lại chiến trường Nam bộ, nếu không được thì cho ông sang Campuchia và Thái Lan lập một căn cứ hậu cần cho Nam bộ. Nguyện vọng thứ hai của ông được chấp thuận. Từ nước ngoài, ông vừa vận động nhiều thanh niên Việt kiều về Nam bộ chiến đấu, vừa mua sắm vũ khí tiếp tế cho quân dân Nam bộ. Ông còn được Liên đoàn Đông Nam Á, một tổ chức quốc tế chống thực dân đế quốc, bầu làm phó chủ tịch.

Nghe đến đây, một người bạn của tôi buột miệng nhận xét: “Đời thầy thật lắm thăng trầm!”. Ông cười, không phải tiếng cười sảng khoái trong ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, mà là nụ cười hiền hòa, có pha chút hóm hỉnh. Ông đọc hai câu thơ của cụ Phan Bội Châu: “Giả sử tiền đồ tận di thản/ Anh hùng hào kiệt giã dung thường”. (Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai?).

Là một đạt nhân, ông nhìn mọi thăng trầm trong cuộc sống với tâm hồn thanh thản. Ông kết hợp một cách hài hòa ba nhân cách: một bậc tiền bối cách mạng, một sử gia và một nhà hiền triết. Điều đó càng khiến lớp môn sinh chúng tôi thêm cảm phục vị giáo sư của mình.

TS Phan Văn Hoàng

Tin cùng chuyên mục