1 năm ngày mất GS Trần Văn Giàu - Người cộng sản khiêm nhường

1 năm ngày mất GS Trần Văn Giàu - Người cộng sản khiêm nhường

Tôi gặp anh, GS Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đầu tiên vào năm 1946, lúc sắp vào chiến khu. Tôi được gặp anh qua người bạn thân của tôi là Huỳnh Văn Tiểng, lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến. Sau khi tình nguyện đi kháng chiến, tôi được cấp trên bố trí làm việc tại một bệnh viện vì tôi từng học Trường Y Hà Nội hơn 2 năm.

Hơn nữa, Ủy ban Kháng chiến biết tôi rất thích âm nhạc nên đề nghị cho anh Lưu Hữu Phước cùng đi với tôi để sửa đổi các điệu kèn quân đội theo phong cách của Việt Nam. Sau đó, Ủy ban Kháng chiến bổ nhiệm tôi nhận nhiệm vụ tổ chức dàn quân nhạc Nam bộ. Tôi đã đến làng Lương Hòa tìm được một số kèn và tuyển được nhiều nhạc công lành nghề.

Dàn nhạc của chúng tôi có nhiệm vụ mỗi đêm tổ chức ca nhạc giới thiệu những bài hát của Lưu Hữu Phước. Số tiền bán vé, 30% cho đội kèn và 70% để nuôi dưỡng thương binh. Tôi thấy mình đã nhận được sự cảm thông của anh Trần Văn Giàu và cám ơn anh vì đã giao cho tôi đúng việc theo ước nguyện của mình.

GS Trần Văn Giàu với thiếu nhi TPHCM. Ảnh: T.L.

GS Trần Văn Giàu với thiếu nhi TPHCM. Ảnh: T.L.

Lần thứ hai được gặp anh, cách đó mấy chục năm, khi Hội những người yêu nước tại Pháp tổ chức buổi đón tiếp anh. Lần đó, anh đại diện cho kháng chiến đến chỉ đạo cho hội về phương hướng và những hoạt động để có thể ủng hộ phong trào kháng chiến một cách đắc lực nhất. Trong buổi họp, anh có nhắc đến phong trào của Tổng hội sinh viên Việt Nam và Thanh niên tiền phong miền Nam có công trong việc phổ biến tinh thần tham gia kháng chiến.

Chính anh đã nhìn nhận bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước có thể huy động nhiều thanh niên tham gia kháng chiến hơn mấy bài diễn văn mang tính chính trị của anh. Điều này làm tôi xúc động và rất ngưỡng mộ một chiến sĩ cộng sản có tính cách khiêm nhường đối với những người làm công tác văn nghệ.

Trong buổi gặp gỡ riêng với anh, anh lại nhắc: “Tôi biết những lời ca trong những bài hành khúc của Lưu Hữu Phước là do Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng góp sức nhưng phải nhờ anh giúp phổ biến trong giới thanh niên”. Tôi không ngờ, sự đóng góp nhỏ bé của mình mà được một lãnh đạo cấp cao để ý.

Sau đó, tôi tiếp tục công việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam tại hải ngoại cũng như về dạy trong nước nhưng tôi không có dịp gặp lại anh Trần Văn Giàu. Mãi đến khi hội những người họ Trần tại miền Nam tổ chức Lễ Thánh Trần Hưng Đạo, tôi mới có dịp gặp lại anh. Anh là người trưởng tộc cao niên nhất trong hội, anh hơn tôi 10 tuổi nhưng mấy năm sau anh thường bị mệt nên trong những kỳ lễ hội tôi phải thay anh đốt cây nhang khai lễ.

Lúc về nước tôi mới có dịp biết rõ thêm một số công trình nghiên cứu sử học của anh, biết anh đã có công đào tạo thêm nhiều học trò, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền và trong ngành giáo dục. Hai anh em tôi đã nhìn chung một hướng: Phụng sự văn hóa nghệ thuật của đất nước Việt Nam.

Hôm nay 16-12, kỷ niệm 1 năm ngày mất của anh, anh vẫn sống mãi trong tinh thần của những người đồng chí của anh, những người yêu văn hóa nghệ thuật ngày nay và kể cả mai sau.

GS-NS Trần Văn Khê

Tin cùng chuyên mục