Nhớ anh Năm Công - một nhân cách lớn

Ngày 8-9, bác Võ Chí Công (tên thật là Võ Toàn, tên thường gọi là Năm Công) – nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đã qua đời tại TPHCM, thượng thọ 100 tuổi. Võ Chí Công – cái tên rất quen thuộc với đồng bào miền Nam, đặc biệt là đồng bào Quảng Nam – Đà Nẵng, từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay. Biết rằng sinh tử là lẽ thường ở đời, nhưng bác Võ Chí Công đi xa vẫn để lại nỗi hụt hẫng trong lòng người Quảng Nam, nhất là những người Quảng Nam đã một thời kề vai sát cánh bên bác trong suốt cuộc kháng chiến…
Nhớ anh Năm Công - một nhân cách lớn

Ngày 8-9, bác Võ Chí Công (tên thật là Võ Toàn, tên thường gọi là Năm Công) – nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đã qua đời tại TPHCM, thượng thọ 100 tuổi. Võ Chí Công – cái tên rất quen thuộc với đồng bào miền Nam, đặc biệt là đồng bào Quảng Nam – Đà Nẵng, từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay. Biết rằng sinh tử là lẽ thường ở đời, nhưng bác Võ Chí Công đi xa vẫn để lại nỗi hụt hẫng trong lòng người Quảng Nam, nhất là những người Quảng Nam đã một thời kề vai sát cánh bên bác trong suốt cuộc kháng chiến…

Ngày 8-9, sau khi được tin bác Võ Chí Công mất tại TPHCM, tôi đi tìm lại những người Quảng Nam đã từng gắn bó với bác trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong số những người sát cánh cùng bác Võ Chí Công, nay cũng ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, mắt đã mờ, tóc đã bạc, trí nhớ không còn minh mẫn nữa. Nhưng khi nhắc đến cụ Võ Chí Công, ký ức lại ùa về như mới hôm qua.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo chúc thọ nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công tháng 8-2007. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo chúc thọ nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công tháng 8-2007. Ảnh: Việt Dũng

Tôi tìm đến nhà ông Phan Đấu (83 tuổi), nguyên Phó Văn phòng Khu ủy Khu V, thư ký riêng của bác Võ Chí Công từ tháng 3-1965 đến cuối 1976, trong cơn mưa như trút nước. Tuổi đã cao cộng với hai cơn tai biến mạch máu não, ông Phan Đấu đi lại khó khăn và trí nhớ kém lắm. Nhưng khi nghe tôi nhắc đến bác Võ Chí Công, ông cắt lời, đôi mắt đục ngầu ngấn lệ: “Tui nhận được tin cụ mất lúc 7 giờ sáng nay (ngày 8-9 – PV). Mới cách đây 1 tháng, nghe cụ trở bệnh vào Bệnh viện Thống Nhất, vợ chồng tui vào thăm, cụ vẫn còn nhận ra tui, vẫn nói chuyện. Vậy mà…”.

Rồi ông Phan Đấu kể lại những ngày tháng không quên bên bác Võ Chí Công: “Anh Năm là Phó Bí thư Liên Khu ủy thường trực khu ủy, rồi Bí thư Liên khu ủy trực tiếp lãnh đạo quân dân trong khu đánh bại các quốc sách, các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng khu V góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Anh là người lãnh đạo đi sâu, đi sát công việc và là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức hoạt động bí mật nên anh Năm đã chỉ dẫn cho anh em chúng tôi từ công tác tổ chức, chọn địa điểm đóng cơ quan sao cho thuận lợi và an toàn, việc giao liên sao cho bí mật nhất, cách xóa dấu vết trên đường đi… Đặc biệt, anh là người biết tận dụng giao thông liên lạc hợp pháp để liên lạc với tổ chức ở các đầu mối quan trọng như Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, các tỉnh Nam Trung bộ… Nhờ đó, các đồng chí lãnh đạo liên tỉnh theo đường dây này về khu họp và quay về rất nhanh, an toàn. Các đồng chí khu ủy đi công tác vào Sài Gòn cũng mau lẹ”.

“Là một lãnh đạo khu nhưng anh Năm Công rất thường đi và nắm tường tận cơ sở, nên mỗi khi chiến tranh chuyển giai đoạn, anh phân tích, đưa ra những nhận định chính xác cũng như bày kế sách đánh địch hiệu quả. Tôi còn nhớ, giữa năm 1965, Mỹ đổ quân vào Chu Lai đánh phá dữ dội, tình hình chiến sự rất ác liệt ở huyện Nam Tam Kỳ (Quảng Nam), Bình Sơn (Quảng Ngãi), anh Năm Công trực tiếp đến Chu Lai để nghiên cứu vành đai diệt Mỹ thế nào cho hiệu quả, đã làm nên “trận đầu đánh Mỹ” vào 0 giờ 30 ngày 26-5-1965" – ông Phan Đấu hồi tưởng.

Trong công việc, bác Võ Chí Công xử lý rất linh hoạt, sáng tạo, có trường hợp tạo bước phát triển nhảy vọt, đột biến và đặc biệt những bài phát biểu của bác do chính bác biên soạn chứ không nhờ thư ký. Khi nói trước diễn đàn, bác không cần cầm giấy nhưng vẫn nói mạch lạc, rõ ràng. Trong chỉ đạo, bác không chỉ tập trung các vấn đề quân sự, chính trị mà rất quan tâm đến công tác hậu cần, chăm lo đời sống cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Bác Năm là “linh hồn” của khu ủy, là người rất quyết đoán trong công việc nhưng lại không bao giờ áp đặt ý kiến cá nhân của mình vào công việc chung, không độc đoán chủ quan mà biết nghe ngóng đề xuất của cấp dưới. Bác là người có tình cảm chân thành và thân ái đối với cán bộ chiến sĩ. Các anh em ở chiến trường xa, bác thường xuyên động viên, thăm hỏi, anh em nào khó khăn thì bác trực tiếp giúp đỡ. Bác Năm cũng là người rất giản dị, dù là lãnh đạo nhưng bác không bao giờ ưu tiên, ưu đãi gì cho bản thân mình, không tự đặt cho mình nếp sống tiện nghi…

Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông Phan Đấu cho biết sẽ vào TPHCM đưa tang bác Võ Chí Công. “Anh là một nhà cách mạng lỗi lạc, là người anh, là một nhân cách lớn, tôi phải vào đưa tiễn anh” – ông Đấu chia sẻ. 

NGUYÊN KHÔI ghi

Tin cùng chuyên mục