Vĩnh biệt NSND, họa sĩ Lương Đống

Nghiêng mình trước một tượng đài nghệ thuật

Có phải sự thông tuệ và nét tài hoa đã tạo nên cái nghệ danh Lương Đống hay chính từ tên gọi ấy mà những tác phẩm hội họa – sân khấu bậc thầy đã được sản sinh từ “tài lương đống”? Ông chính là NSND, họa sĩ Lương Đống (ảnh), người thiết kế một không gian nghệ thuật dân tộc đặc sắc và đậm đà bản sắc.
Nghiêng mình trước một tượng đài nghệ thuật

Có phải sự thông tuệ và nét tài hoa đã tạo nên cái nghệ danh Lương Đống hay chính từ tên gọi ấy mà những tác phẩm hội họa – sân khấu bậc thầy đã được sản sinh từ “tài lương đống”? Ông chính là NSND, họa sĩ Lương Đống (ảnh), người thiết kế một không gian nghệ thuật dân tộc đặc sắc và đậm đà bản sắc.

NSND, họa sĩ Lương Đống

NSND, họa sĩ Lương Đống

Sân khấu là bộ môn nghệ thuật có tính tổng hợp cao, thiết kế sân khấu – với NSND Lương Đống chưa bao giờ, và không bao giờ là phép cộng hay trừ, mà là phép nhân cho sự liên tưởng và trí tưởng tượng; là phép chia cho những chiều sâu của hình ảnh và không gian – giúp người nghệ sĩ biểu diễn được chắp cánh, được tiếp sức, được thăng hoa.

Đôi lần, ngồi xem lại NSƯT Ngọc Giàu diễn cảnh bà Hai Hương (Đời cô Lựu), tôi yêu chị không chỉ cái giọng mộc mạc, gương mặt đôn hậu mà cả cái dáng vẻ lủi thủi giữa giàn trầu đã bao mùa không còn xanh lá, xa xa là con lộ, bờ kênh.

Với Đời cô Lựu, họa sĩ Lương Đống đã vẽ thêm cho quái kiệt Ngọc Giàu một khoảng trời để trong câu chuyện với Võ Minh Thành, bà Hai Hương cứ trách cứ, xót xa bởi nghịch cảnh “ở nhà nó đi lấy người ta”. Trầu úa, cau nghiêng, đạo vợ chồng hồ tan keo rã. Trong không gian ấy, hình ảnh ấy, lời ca chua chát của Ngọc Giàu, những tưởng không còn giá trị biểu cảm nào có thể sâu sắc hơn!

Nhớ thời điểm “ra trận” của 7 hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga, họa sĩ Lương Đống đã cùng tôi ngược ra Bắc, tìm về đền thờ bà Thái hậu, lật lại từng trang sách, lần mò cho ra những hoa văn, di chỉ còn sót lại nơi miếu mạo, am đình… Để cuối cùng, Thái hậu Dương Vân Nga đĩnh đạc, uy nghi với phục trang truyền thống Việt, những nét chạm trổ được cách điệu từ hoa văn – rồng thuở giao thời Đinh – Lê.

Bộ phục trang ấy được họa sĩ Lương Đống chú trọng phần thân và áo mão (đầu), riêng bộ củng (váy) ông không cho vẽ vời, thêu thùa, tạo nên một sự nhẹ nhàng, thanh thoát để bà Thái hậu “buông rèm nhiếp chính” uy nghi mà rất tháo vát, nhanh nhẹn, quyết đoán mà vẫn uyển chuyển, dịu dàng.

Đến Hoàng hậu của hai vua – cũng là hình tượng nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga, nhưng lại là một thử thách hoàn toàn khác biệt. Ngày xưa, tôi diễn Dương Vân Nga có đầy đủ bá quan văn võ, có một dàn nghệ sĩ, diễn viên cùng tung hứng, giao lưu. Ngày nay, tôi diễn Dương Vân Nga một mình. Và ông, vốn đã không có thói quen vẽ vời lại càng tiết chế - để cuối cùng, từ ngôn ngữ kịch bản của Lê Duy Hạnh đến ngôn ngữ không gian của Lương Đống, ngôn ngữ âm nhạc của NSƯT Thanh Hải, đạo diễn Nguyễn Minh Hải chỉ còn duy nhất một sự lựa chọn cho tôi: nâng cao và phát huy tối đa tính ước lệ - khai thác và hài hòa tính nội tâm – độc thoại.

Đến giờ, thảng hoặc biểu diễn lại Hoàng hậu của hai vua, trong điều kiện sân khấu không đầy đủ nhưng ấn chứng trong tôi mãi mãi là hai đỉnh đồng – tượng trưng cho hai triều đại Đinh – Lê đã được NSND Lương Đống đặt hai đầu sân khấu. Giá trị nghệ thuật – thông qua những biểu tượng sân khấu tuyệt vời – đã góp phần giải mã giá trị lịch sử. Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được, có thể lặp lại cái giây khắc được xoay chuyển cùng vũ trụ… “Đã ngàn năm trôi qua, sao dời vật đổi mà ta vẫn không thể nào quên…”.

Ở NSND Lương Đống, tính khoa học, độ chính xác, tỉ mỉ, cân đối của một nhà kiến trúc và nét tài hoa, phóng khoáng của một họa sĩ – nghệ sĩ là Nhất Thể. Kỹ thuật – kiến trúc trong các tác phẩm của ông đậm tính logic, không thừa không thiếu; hơn nữa quan niệm về mỹ thuật – sân khấu của ông lại luôn khởi nguồn từ nền tảng văn hóa dân tộc… từ đó đã thống nhất thành một kiến trúc – không gian truyền thống – hiện đại. Về điều này, từ ê kíp làm Diễn kịch một mình đến Hoàng hậu của hai vua, chẳng biết do vô tình hay tất yếu lại có một mẫu số chung. Sự thành công đã đến, e cũng là điều có thể lý giải.

Đời làm nghệ thuật của tôi, tôi nặng lòng bởi bao ơn nghĩa. Với NSND Lương Đống, tôi ngưỡng vọng tài năng và kính trọng sự mực thước, ân cần trong cách sống của ông. Vẫn nhớ như in, một ngày giữa tháng 5 năm 1990, từ Anh quốc, tôi về nhà nghỉ hè, gặp ông tại Hội Sân khấu, ông cười hiền bảo coi kiếm cái gì mấy anh em làm cho vui hả Bạch Tuyết. Lời rủ rê ấy vô tình gặp phải Hồng Phúc và mấy tháng sau, Diễn kịch một mình chào đời. Gia tài nghệ thuật của tôi giàu có hơn cũng nhờ mấy lời rủ rê ân tình ấy…

NSƯT Bạch Tuyết


* Sau một thời gian lâm bệnh nặng, NSND, họa sĩ Lương Đống đã từ trần lúc 3 giờ 45 phút ngày 28-9 (nhằm ngày 2-9 Âm lịch) tại TPHCM, hưởng thọ 88 tuổi. Linh cữu của NSND, họa sĩ Lương Đống quàn tại Nhà tang lễ thành phố - 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 14 giờ ngày 28-9. Lễ truy điệu lúc 6 giờ 30 ngày 30-9 (nhằm ngày 4-9 Âm lịch), sau đó an táng tại Nghĩa trang TPHCM.

Đ.H.

Tin cùng chuyên mục