Nghiêm cấm đầu cơ, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số

(SGGPO).- Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

(SGGPO).- Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Theo Báo cáo, kết quả, ý nghĩa quan trọng nhất của chính sách này là hàng trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, không có đất ở, nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất, nhiều hộ nghèo đói, du canh, du cư, di cư tự do, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm..., nay đã có đất ở, nhà ở, cuộc sống ổn định hơn.

Cụ thể, trong 10 năm qua (2002 - 2011), đã có 333.995 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (148.059 hộ được hỗ trợ đất ở, 185.936 hộ được hỗ trợ đất sản xuất). Ngân sách nhà nước đã bố trí 23.023,37 tỷ đồng (chủ yếu là vốn đầu tư) để thực hiện mục đích này và nếu tính cả các nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng ưu đãi... thì tổng số vốn lên tới gần 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát, đến nay vẫn còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất. Như vậy, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang có cuộc sống không ổn định, nhiều khó khăn và có khoảng cách khá xa so với các vùng khác của cả nước.

Một trong số những nguyên nhân được chỉ rõ trong Báo cáo là do sự xuất hiện và ngày càng gia tăng hoạt động tích tụ đất sản xuất nông, lâm nghiệp để mở rộng sản xuất hàng hóa của một số cá nhân, doanh nghiệp. Hoạt động này - diễn ra khá mạnh tại một số địa bàn trọng điểm như các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết không được các cấp có thẩm quyền cho phép – đã làm phức tạp tình hình mua bán, sang nhượng, cầm cố đất đai, gây nhiều thiệt thòi cho đồng bào dân tộc tại địa phương.
 
Bên cạnh đó, tồn tại lớn nhất trong thực hiện chính sách giải quyết đất ở sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là hầu hết các chương trình, dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đều trong tình trạng chờ vốn và thiếu vốn, dẫn đến tình trạng dang dở, không đạt kế hoạch.
 
Đoàn giám sát kiến nghị, khi xem xét, sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, đề nghị bổ sung quy định: “Nhà nước có chính sách đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất”. Nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Đối với các loại đất thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (giao đất không thu tiền), chỉ được mua, bán, chuyển đổi, tặng, cho, khi được các cấp có thẩm quyền cho phép. Việc mua, nhận chuyển nhượng đất do Nhà nước hỗ trợ cho hộ dân tộc thiểu số là trái pháp luật, sẽ bị thu hồi, xử lý theo quy định.


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục