Nhân lực ngành du lịch miền Trung: Yếu và thiếu

Miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, bởi đang sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, các di sản văn hóa thế giới... Tận dụng lợi thế này, thời gian qua, hàng loạt các resort, nhà hàng, khách sạn đua nhau mọc lên, trong khi lại thiếu đầu tư, chú trọng đến nguồn nhân lực cho “ngành công nghiệp không khói” để bây giờ xảy ra những chuyện… cười ra nước mắt!

Miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, bởi đang sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, các di sản văn hóa thế giới... Tận dụng lợi thế này, thời gian qua, hàng loạt các resort, nhà hàng, khách sạn đua nhau mọc lên, trong khi lại thiếu đầu tư, chú trọng đến nguồn nhân lực cho “ngành công nghiệp không khói” để bây giờ xảy ra những chuyện… cười ra nước mắt!

Tuyển lao động chưa qua đào tạo 

 Thống kê từ các công ty lữ hành quốc tế cho thấy, các tỉnh Bắc miền Trung đang cần ít nhất 35 hướng dẫn viên du lịch tiếng Thái, nhưng con số thực tế chỉ đáp ứng được 40%. Sự thiếu hụt này càng trầm trọng hơn đối với hướng dẫn viên tiếng Lào. Trong 6 tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Thanh Hóa, chỉ có duy nhất 1 hướng dẫn viên du lịch tiếng Lào của tỉnh Quảng Trị được cấp thẻ. Thiếu lực lượng chuyên nghiệp, một bộ phận đáng kể hướng dẫn viên của các công ty du lịch Thái Lan và Lào hiện nay đều là sinh viên Việt Nam đang học tại các trường đại học Thái Lan.

Sự thiếu hụt nhân lực còn là vấn đề nan giải ở hầu hết các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Ở nhóm dịch vụ này, số nhân viên phục vụ trực tiếp nói được tiếng Thái và Lào chỉ đạt tỷ lệ dưới 1%, trong khi số khách Thái và Lào của các khách sạn chiếm từ 10%-40% tổng số khách quốc tế. Hầu hết việc giao tiếp với khách Thái và Lào tại nhiều cơ sở kinh doanh du lịch là bằng tiếng Anh, trong khi khả năng này của khách Thái và Lào là rất thấp. Sự bất đồng ngôn ngữ, sự thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán đang là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn và điểm du lịch hiện nay ở các tỉnh Bắc miền Trung, trong đó có Thừa Thiên - Huế.

Trong khi đó, Đà Nẵng là địa phương được xem là điểm đến đầu tiên của khách quốc tế bằng đường hàng không và đường biển. Để từ đây, họ tổ chức những tour, tuyến đi tham quan ở Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng… Thế nhưng, lao động ở các vị trí buồng phòng, đầu bếp, phục vụ, bảo vệ… lại đang rơi vào tình trạng “khan hiếm”. Các điểm lưu trú buộc phải tuyển lao động chưa qua đào tạo, chiếm hơn 40%. Và hệ lụy của việc này là chất lượng phục vụ kém, du khách phàn nàn.

Không đáp ứng được nhu cầu, nên hiện nay đang xuất hiện tình trạng các đoàn khách nước ngoài muốn đến tham quan, du lịch tại các địa phương miền Trung phải dẫn theo cả hướng dẫn viên là người của nước họ.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều công ty du lịch có trụ sở ở Hà Nội, TPHCMvà chi nhánh của những công ty này ở Đà Nẵng tổ chức đưa các đoàn khách Hàn Quốc đến Huế. Tuy nhiên, các đoàn sử dụng người Hàn Quốc làm hướng dẫn viên. Việc này rất dễ dẫn đến khả năng các hướng dẫn viên này gây hiểu nhầm cho du khách về văn hóa, lịch sử, phong tục của địa phương... Qua kiểm tra hoạt động hướng dẫn du lịch tại các điểm tham quan du lịch, Thanh tra Sở VH-TT-DL Thừa Thiên - Huế và Phòng an ninh kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện và xử phạt 5 trường hợp người nước ngoài trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch.

Còn thiếu dài dài!

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện các trường đào tạo nghề về du lịch tại Đà Nẵng chỉ cung cấp mỗi năm chưa tới 1.000 người. Trong khi đó, theo thông tin từ Sở VH-TT-DL, đến năm 2015, Đà Nẵng có khoảng hơn 15.000 phòng khách sạn 4 - 5 sao, ước tính cần thêm 20.000 lao động. Đặc biệt, trong năm nay, nhiều hãng hàng không quốc tế đang cân nhắc mở đường bay từ Bangkok (Thái Lan) và Hồng Công đến Đà Nẵng, bên cạnh những đường bay đã có từ Hàn Quốc, Thượng Hải, Quảng Châu... nên nhu cầu về hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn là rất lớn.

Thiếu nhân lực khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Đà Nẵng tìm mọi cách “lôi kéo”, hút chất xám về đơn vị mình. “Việc này tạo nên mức lương “ảo” trong ngành du lịch, tạo sức ép chi phí cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn và vô hình trung khiến người lao động “đứng núi này trông núi nọ”, không gắn bó với doanh nghiệp. Việc tuyển người vô tội vạ khiến chất lượng thấp, làm du khách chán và các nhà đầu tư nản lòng”, ông Vinh nhận định.

 Dự báo, đến năm 2015, lượng khách từ Lào, Thái Lan đến miền Trung thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ đạt con số 1 triệu lượt/năm. Các tỉnh miền Trung cần ít nhất 100 hướng dẫn viên tiếng Thái và Lào, chưa kể một lượng lớn lao động biết tiếng Thái và Lào trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, các điểm mua sắm. Thế nhưng, với thực trạng trong đào tạo lao động ngành du lịch nói chung và hướng dẫn viên nói tiếng Thái, Lào nói riêng như hiện nay thì không biết đến bao giờ mới đáp ứng được nhu cầu.

Tiến sĩ Trần Thị Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế, nhận định, lâu nay, chúng ta chỉ tập trung quảng bá hình ảnh, giới thiệu rầm rộ những điểm du lịch của Việt Nam, rồi xây dựng hàng loạt các khách sạn, resort, nhà hàng… mà chưa quan tâm đến nguồn nhân lực để phục vụ. Chính vì vậy, khoảng giữa cung và cầu đối với lao động, kể cả quản lý trong ngành du lịch hiện nay khá lớn. Và khoảng cách này càng nới rộng hơn khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày một tăng

Nguyễn Hùng - Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục