Muốn quản lý tốt phải có chế tài

Chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son đã có cuộc đối thoại trực tuyến với người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Tại đây, vấn đề quản lý báo chí hiện nay đã trở thành tâm điểm.

(SGGP).- Chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son đã có cuộc đối thoại trực tuyến với người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Tại đây, vấn đề quản lý báo chí hiện nay đã trở thành tâm điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, trong những năm qua, báo chí luôn bám sát mục tiêu, tôn chỉ, đường lối chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thừa nhận tình trạng có một số báo, đặc biệt là phụ trang có tin bài không đúng tôn chỉ mục đích báo chí. Đây là sai phạm trầm trọng nhất và kéo dài, chậm khắc phục trong thời gian qua.

Bộ trưởng cũng cho rằng, có một số ít tờ báo đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, vi phạm đạo đức người làm báo. Hiện tượng này dù cá biệt nhưng phải lên án. Hoặc một số báo có xu hướng khai thác đời tư một số văn nghệ sĩ, ca sĩ, đưa nhiều hình ảnh, thông tin sai với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây bức xúc trong xã hội. “Chúng tôi đã và đang có giải pháp tích cực nhằm chấm dứt hiện tượng này” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, hiện nay cả nước có tới 61 báo điện tử, 191 trang mạng xã hội và trên 1.000 trang thông tin điện tử. Việc quản lý báo điện tử khó khăn hơn do loại hình mới phát sinh, chế tài quản lý báo điện tử còn đang dần hoàn thiện. Báo điện tử cũng có những sai sót, những sai sót này diễn ra hàng giờ, phút, giây. Muốn quản lý tốt thì phải làm sao bổ sung chế tài. Hiện tượng sao chép, cắt dán trên báo điện tử không phổ biến nhưng cũng khá nhiều, tuy có giảm nhưng vẫn tồn tại. Đây là hiện tượng vi phạm đạo đức báo chí, quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ mà ta không cho phép tồn tại trong đời sống báo chí.

Về tình trạng một số blog, trang mạng cá nhân thường xuyên đăng bài nói ngược lại chủ trương đường lối, bài xích cá nhân, đưa thông tin một chiều, không được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ nội bộ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng: có nhiều blog lợi dụng sự dân chủ, lợi dụng thuận lợi trong tác nghiệp trên mạng, lợi dụng việc cơ quan quản lý chưa có điều kiện chế tài quản lý các blog, dẫn tới có những hành vi vi phạm đạo đức của công dân, ảnh hưởng tới quyền tự do chân chính của người khác.

“Đây là hành vi không chỉ Luật Báo chí mà phải cả các luật khác có chế tài xử lý. Cơ quan quản lý truyền thông đã và đang soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 97 về quản lý hoạt động trên internet, trong đó có quản lý internet, game online và blog. Trong quá trình xây dựng chắc chắn sẽ xin ý kiến độc giả góp phần hạn chế hành vi xâm phạm đời tư người khác, vi phạm pháp luật” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết. 

T.LƯU

Tin cùng chuyên mục