Đạo đức nghề nghiệp

Vấn đề đặt ra với người làm báo

Vấn đề đặt ra với người làm báo

Ông Mã Diệu Cương, từng là Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình TPHCM (HTV) trước khi được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM. Nhân kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với ông Mã Diệu Cương xoay quanh những vấn đề đang đặt ra đối với báo chí TPHCM.

Ông Mã Diệu Cương

Ông Mã Diệu Cương

- PV: Ông đánh giá thế nào về hoạt động của báo chí TPHCM thời gian qua?

Ông MÃ DIỆU CƯƠNG: Báo chí TPHCM thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào sự chuyển biến đi lên của TP và cả nước. Lực lượng báo chí TP rất năng động, sáng tạo trong lao động nghề nghiệp. Nhìn trên tổng thể, họ không chỉ làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân, chuyển tải sinh động đến bạn đọc các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đến các tầng lớp nhân dân mà còn thông tin đa dạng, khách quan, trung thực, chính xác về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí TP ngày càng đưa được nhiều điển hình học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… Bên cạnh những hoạt động nghiệp vụ, báo chí TP còn có nhiều hoạt động từ thiện xã hội, văn hóa nghệ thuật, thể thao và tôn vinh những gương điển hình trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt thời gian qua, báo chí TP đã thể hiện rõ ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, biển đảo, xây dựng và bảo vệ đất nước, tinh thần uống nước nhớ nguồn… không chỉ bằng những tác phẩm báo chí mà còn bằng những hành động thiết thực như phong trào Góp đá xây Trường Sa, Nghĩa tình Trường Sơn…

- Lực lượng phóng viên trẻ hiện chiếm phần không nhỏ trong làng báo TPHCM. Ông nhận xét gì về lực lượng này?

Theo tôi, lực lượng phóng viên trẻ của TP hiện nay khá đông, họ trẻ trung năng động, được đào tạo bài bản, có kiến thức đa dạng về nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội, lại yêu nghề nên rất tự tin trong công việc. Đây là thế mạnh của lớp phóng viên trẻ hiện nay và cũng là niềm tin của chúng tôi, những người đi trước trong nghề về sức bật mới của báo chí TP trong tương lai.

- Hội Nhà báo TPHCM đã và sẽ làm gì để giúp phóng viên nâng tầm, nâng chất và giữ được đạo đức nghề nghiệp trong môi trường nhiều cám dỗ hiện nay?

Đạo đức nghề báo rất cần được đặt ra với tất cả mọi người tham gia viết báo, làm báo, nhất là những người chịu trách nhiệm xuất bản. Cần phải biết mình viết gì, viết cho ai và tác động xã hội sau bài viết tới đâu. Trong các buổi giao ban định kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT-TT và Hội Nhà báo TP chủ trì, chúng tôi thường xuyên có những ý kiến thẳng thắn trước những nhận xét về bài tốt và chưa tốt, thái độ ứng xử trong tác nghiệp của phóng viên. Lãnh đạo các cơ quan báo, đài khi bảo vệ phóng viên của mình ngoài luật còn có tình cảm đồng đội; Hội Nhà báo xem việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong hoạt động nghiệp vụ là trách nhiệm, là thái độ cần có của chúng tôi và chúng tôi đã và đang thực hiện trách nhiệm của mình bằng trái tim nhạy cảm của những người làm báo.

- Gần đây dư luận đang tranh cãi nhiều về xu hướng “báo lá cải”, ông có thể nói gì về điều này?

Ở Việt Nam không có “báo lá cải” mà chỉ có những ấn phẩm cố ý đi sai tôn chỉ, mục đích đã được đề ra trong dự án khi xin phép hoạt động. Ngoài các loại báo chí truyền thống (báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử), thời gian gần đây có hàng ngàn trang thông tin điện tử, hàng trăm trang mạng điện tử, hàng chục kênh cung cấp truyền dẫn tín hiện truyền hình… đều đang hoạt động giống như những đơn vị báo chí. Sự đa dạng này mang nhiều loại thông tin đến cho người dân nhanh hơn, đa dạng hơn nhưng thực tế, chúng ta thấy có quá nhiều bài viết về mặt trái xã hội qua cách viết tự nhiên chủ nghĩa mà chưa được kiểm soát, chấn chỉnh kịp thời. Đạo đức nghề báo rất cần được đặt ra với tất cả mọi người tham gia viết báo, nhất là những người chịu trách nhiệm xuất bản; cần phải biết mình viết gì, viết cho ai và tác động xã hội sau bài viết tới đâu. Thật ra, theo tôi những bài báo viết chạy theo thị hiếu tầm thường, dễ dãi, kích động trí tò mò của người đọc mà dư luận đang phê phán hiện nay đã bộc lộ đạo đức, văn hóa nền của người viết và người chịu trách nhiệm xuất bản.

- Là chánh chủ khảo trong đợt chấm thi giải báo chí TP lần này, ông có nhận xét gì về cuộc thi giải báo chí năm nay?

Năm nay có 172 tác phẩm báo chí của 19/43 đơn vị tham gia dự thi giải báo chí TP. Thể loại phóng sự - điều tra là thể loại những năm trước thu hút rất đông tác giải tham dự với hàng trăm tác phẩm và vì thế sự cạnh tranh vị trí trong bảng xếp loại ở mảng này rất gay gắt, tuy nhiên năm nay ở thể loại này chỉ có 41 tác phẩm dự thi. Vài năm gần đây, các loạt bài gửi tham dự giải báo chí, theo tôi phạm vi thể hiện còn hạn hẹp, hầu như chỉ tập trung vào các vấn đề thời sự, nêu ra những tiêu cực trong xã hội nên nội dung bài dự thi trùng nhau và không có nhiều bài nổi trội. Một số đề tài đi vào sự chân thực trong cuộc sống và nét đẹp đời thường lại không được gửi dự thi.

Phương Thục thực hiện


Nghĩ về trách nhiệm nhà báo

Hôm qua, nhóm chúng tôi - làm việc ở nhiều cơ quan thông tấn khác nhau, từng làm việc cùng nhau, từng vui buồn cùng nhau trên biết bao nẻo đường đất nước mình và đất nước bạn - đã ngồi lại với nhau để gặm nhấm “những nỗi buồn sự cố” và cùng vui cười hể hả với biết bao việc đã làm được cho đời và cho người.

Cách nay 5 năm. Ngày ra mắt CLB Phóng viên nội chính (Hội Nhà báo TPHCM), sáng ấy, báo chí đưa thông tin ông L.K.T., nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Đồ Sơn, tự sát sau khi tham gia vào vụ tiêu cực đất đai. Điều đáng nói là trong bức thư tuyệt mệnh ngắn ngủi ông để lại, số chữ ông viết cho những phóng viên nội chính tham gia vụ việc nhiều hơn số chữ ông dặn dò vợ con chuyện gia đình (?!). Tôi đã nghẹn cổ khi tưởng tượng ra sự thống khổ của ông đằng sau những con chữ đắng cay đã đăng trên các báo. Tôi tin rằng trong những phút cuối cùng của cuộc đời, người ta sẽ nói thật. Và như thế, đồng nghiệp tôi đã nói quá điều gì khiến ông chết đắng cay thế? Tôi nhớ, hôm ấy, anh Hồng Sơn, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, đã nói về kết cuộc câu chuyện này bằng giọng rất buồn: “Tôi sẽ xem đây là lời nhắc nhở bằng máu để tự răn mình trong quá trình hoạt động báo chí của tôi và đồng nghiệp tôi”. Chắc nhiều người chưa quên sự đắng cay của những người làm báo năm xưa khi hay tin con gái của một cán bộ lãnh đạo, mới học lớp 10 phải tự tử vì không chịu nổi sự dè bỉu, mỉa mai chuyện vui chơi quá đà bố mình trên báo... Rồi chuyện nhạc sĩ trẻ với người học trò khuyết tài nhưng dư tiền đã được làm rùm beng và các nhà báo không chỉ phanh phui chuyện tiền nong mà nói cả những chuyện rất riêng tư khiến cậu ta chịu đựng không nổi áp lực từ công luận đã tự sát với sự oán hờn các nhà báo đọng đầy lòng và ngập cả trang thư tuyệt mệnh.

Mới đây dư luận tranh cãi về những bài viết trên các ấn phẩm được gọi là “lá cải”. Khi duyệt đăng những chuyện tình tiền tù tội, hình ảnh các cô người mẫu uốn éo không mảnh vải che thân, những câu nói “có vẻ” ngớ ngẩn liên tục trên phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà quản lý đang cố ý cổ súy cho lối sống tầm gửi, giới thiệu lối sống thích hưởng thụ dựa vào sự phô diễn thân xác. Khi đẩy sự việc các cô người mẫu, diễn viên bán dâm bị bắt đi quá xa bằng những bài viết, hình ảnh không chỉ của riêng họ mà còn viết cả về cha mẹ họ cùng lời van xin: “Cho em nó một con đường để quay về”! Nẻo về của họ liệu có còn không khi cả nước biết rất rõ nhân thân họ? Được phần mình mà mất phần người như thế, liệu có nên?

Kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải xoay trở nhọc nhằn để mong thoát vòng xoáy của cơn khủng hoảng kinh tế nhưng họ càng vất vả hơn trong ứng xử để không mất lòng các phóng viên theo mảng. Nhiều doanh nghiệp than trời khi những thông tin “lạc quẻ” hoặc cũ rích từ trên trời rơi xuống bị đưa vô tội vạ lên các phương tiện thông tin đại chúng. Một trong nhiều lý do doanh nghiệp bị làm khó là không chịu “bắt tay” với những nhóm phóng viên nào đó. 

Chắc chắn không nhà báo nào muốn những chuyện đau lòng sẽ xảy ra cho nhân vật của mình và càng không muốn điều bất hạnh xảy đến cho chính mình. Nhưng chuyện được - mất trong nghề báo thật khó tính toán phân minh. Và đã là nhà báo, ai cũng có thể đem đến hạnh phúc, lòng tin cho bạn đọc và nhân vật của mình; nhưng cũng có thể khiến nhân vật của mình phải cay đắng đau khổ mà không hề phân biệt mảng miếng, lĩnh vực đang theo dõi. Chỉ cần chúng ta bất cẩn trong ngôn từ, thiếu chọn lọc thông tin hoặc không biết điểm dừng hợp lý trong tác nghiệp, thiếu ước lượng sự tác động thế nào đến xã hội sau những bài báo mình viết, sẽ khiến ta ray rứt về sau. Để giữ thăng bằng, biết dừng lại đúng lúc và mẫn cảm nhưng không sa đà vào cuộc sống riêng tư của nhân vật, đó là cái tầm của mỗi nhà báo và cái tâm khi hạ bút. Tôi rất tâm đắc câu nói của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, trong buổi nói chuyện với các phóng viên nội chính: “Sự dũng cảm của nhà báo không chỉ là dám điều tra đến tận cùng những vụ việc tiêu cực để đưa lên mặt báo mà sẽ dũng cảm hơn khi dám không đăng thông tin mình biết vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng vì danh dự và sinh mạng của nhiều người vô can trong sự kiện ấy”.

Vâng, các nhà báo phải dũng cảm lắm mới làm nổi việc tưởng chừng đơn giản ấy.

Phạm Thục


Hãy là người cầm bút có trách nhiệm

LTS: Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), nhiều bạn đọc, cộng tác viên đồng hành cùng Báo SGGP đã gửi thư, bài viết đến Báo SGGP. Chúng tôi xin trích đăng một số thư, bài viết chia sẻ những cảm nhận, nghĩ suy, đòi hỏi, yêu cầu nghiêm túc của bạn đọc với tờ báo mình yêu mến.

Phóng viên báo, đài TPHCM tác nghiệp trong một sự kiện xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: Diễm Thy

Phóng viên báo, đài TPHCM tác nghiệp trong một sự kiện xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: Diễm Thy

  • Cái tâm với nghề viết

Chúng tôi là những nhà báo không thẻ, hoạt động nghiệp dư đã, đang và sẽ đứng cùng với các nhà báo chuyên nghiệp cống hiến cho bạn đọc nhiều thông tin đa dạng trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những nhà báo không thẻ như chúng tôi mong muốn góp phần đấu tranh chống lại cái ác, cổ vũ cái thiện, chống lại thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội. Được viết, được trải lòng mình vào cuộc sống là niềm vui nên chúng tôi hăng say nhiệt tình không mệt mỏi, từ đi thu lượm tin tức, sự việc diễn ra ở nơi này nơi khác hy vọng là cung cấp tin tức thật nóng hổi đến tòa soạn. Chúng tôi đều có cái tâm với nghề viết, chẳng đòi hỏi gì về phía tòa soạn và nhiều khi còn thầm cảm ơn tòa soạn đã sử dụng tin, bài của mình.

Trong niềm vui kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo dù chuyên hay không chuyên, chúng ta cùng bắt tay sát cánh cùng nhau xây dựng cho đất nước, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta có quyền tự hào vì đã đóng góp phần nhỏ nhoi của mình vào sự nghiệp báo chí của Đảng, của dân tộc.

Đỗ Thông - Xuân Miễn
(Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q. Bình Thạnh, TPHCM)

  • Loại trừ “văn hóa bẩn”

Vai trò của báo chí ngày càng có tác dụng sâu rộng, ảnh hưởng lớn, chi phối nhiều mặt hoạt động xã hội, phát huy các giá trị nhân sinh, nhân văn, là vũ khí sắc bén đấu tranh và phản biện xã hội. Sự đa dạng, phong phú, nhanh chóng, chính xác là những yếu tố ngày càng thu hút sự quan tâm, theo dõi, bình luận từ bạn đọc. Chính vì những yếu tố mang tính tích cực đó, số lượng người đọc ngày càng tăng, đối với tất cả các loại hình của báo chí hiện đại.

Thời gian gần đây, người đọc bắt đầu dị ứng với một số báo chuyên đưa những tin mang tính giật gân, khai thác đời tư của những ngôi sao, những vụ án bạo lực, thay vì khai thác những tình huống nhằm giải thích, phân tích các khía cạnh pháp lý, đạo đức, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho người đọc. Tần suất xuất hiện như bệnh dịch lây lan, lấn át cả những tin tức thời sự quan trọng, mục đích chỉ nhằm câu khách, thỏa mãn tính tò mò, nhưng mang lại tác hại khôn lường về mặt văn hóa, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội…

Theo chúng tôi, nếu cơ quan báo chí nào không thực hiện nghiêm quy định về tôn chỉ, mục đích của báo, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét để thu hồi giấy phép hoạt động, tăng cường khâu kiểm duyệt nội dung tin, bài. Gạn lọc lại đội ngũ báo chí, làm trong sạch môi trường văn hóa, góp phần xây dựng xã hội, đất nước bằng những bài viết, tin tức thiết thực, bổ ích. Thực phẩm bẩn bị ngăn chặn trong đời sống vật chất thì “văn hóa bẩn” cũng phải được loại trừ không khoan nhượng.

Huỳnh Đắc Nhất
(Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM)


Nhà báo ráng viết cho đúng

Người viết báo luôn được yêu cầu viết đúng. Viết đúng là viết không vụ lợi cá nhân. Lợi ích cá nhân luôn có sự chi phối lớn đến nhận thức và hành vi của con người. Vì vậy, nếu đã vì lợi ích của bản thân mà chỉ viết cái tốt trong khi (nhân vật, tổ chức) có cả mặt sai hay vì có thành kiến mà chỉ nêu mặt xấu trong khi nhân vật có cả mặt tốt thì không thể coi là viết đúng, dù những điều viết ra đều không sai sự thật. Bởi cái đúng ấy đã trở nên phiến diện và đã đi qua lăng kính chủ quan.

Viết đúng là viết thận trọng với hậu quả bất lợi cho ai đó. Tức là người viết phải lường trước điều đó. Viết về một loại bưởi của nước ngoài có nguy cơ gây ung thư cho người ăn phải lường trước rủi ro cho người trồng bưởi trong nước. Viết về một người tù (dù có sự đồng ý của họ) phải nghĩ đến áp lực, nỗi mặc cảm của thân nhân người đó. Suy cho cùng, viết đúng phải là vì chính nghĩa, vì chân lý, vì cái tốt đẹp nên không thể vì quyền thông tin của mình, vì khả năng nổi tiếng từ thông tin của mình mà có thể làm hại đến một chủ thể khác.

Có thể còn liệt kê ra thêm nhiều vấn đề của nội hàm viết đúng. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ thấy trách nhiệm nặng nề của người cầm bút nói chung và người viết báo nói riêng. Rõ ràng, viết đúng không chỉ có trái tim nóng, cái đầu lạnh là ít sai sót, nhầm lẫn. Người viết báo nói riêng và người làm báo nói chung phải học cật lực, phải không ngừng tự rèn luyện, trau chuốt ngòi bút của mình thì mới có thể viết đúng, hay ít ra cũng ít mắc sai sót.

Ai cũng muốn viết hay. Điều đó không chỉ tốt cho bản thân người viết, cho tờ báo mà còn cho bạn đọc. Nhưng trước khi rèn viết cho hay hãy rèn viết cho đúng đã.

Trúc Giang (đường Võ Thị Sáu, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục