Cảnh sát “không thẻ xanh” phát hiện vi phạm vẫn có quyền xử lý

Theo quy định tại Thông tư 45/2012 của Bộ Công an, từ ngày 1-1-2013, Cảnh sát giao thông (CSGT) mang biển hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh (sau đây gọi tắt là “thẻ xanh”) mới có quyền dừng phương tiện đang lưu thông để xử lý. Theo ghi nhận, mấy ngày qua, CSGT TPHCM đã chấp hành khá nghiêm chỉnh quy định này, dù số thẻ xanh chưa cấp đủ. Dư luận nhân dân cũng rất đồng tình với quy định CSGT đeo thẻ xanh khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, liệu có thể xử lý triệt để việc các lực lượng công an khác vi phạm quy định này, như lo ngại của người dân?
Cảnh sát “không thẻ xanh” phát hiện vi phạm vẫn có quyền xử lý

Theo quy định tại Thông tư 45/2012 của Bộ Công an, từ ngày 1-1-2013, Cảnh sát giao thông (CSGT) mang biển hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh (sau đây gọi tắt là “thẻ xanh”) mới có quyền dừng phương tiện đang lưu thông để xử lý. Theo ghi nhận, mấy ngày qua, CSGT TPHCM đã chấp hành khá nghiêm chỉnh quy định này, dù số thẻ xanh chưa cấp đủ. Dư luận nhân dân cũng rất đồng tình với quy định CSGT đeo thẻ xanh khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, liệu có thể xử lý triệt để việc các lực lượng công an khác vi phạm quy định này, như lo ngại của người dân?

Cảnh sát đeo thẻ xanh xanh xử phạt người vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: Thạch Kim

Cảnh sát đeo thẻ xanh xanh xử phạt người vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: Thạch Kim

Dân còn thắc mắc

Sáng 21-1, hơn 10 CB-CS Đội 612 (Đội Tham mưu, Phòng CSGT) phối hợp Thanh tra giao thông tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của một số xe tải, xe taxi dừng đậu trái phép trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, khu vực gần vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương, quận 1. Theo ghi nhận, phần đông CSGT làm nhiệm vụ tại khu vực này đều đeo “thẻ xanh” thay cho bảng tên truyền thống. Các chiến sĩ chưa có thẻ xanh thực hiện nhiệm vụ ghi biên bản.

Tương tự, tại các giao lộ thường xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm, như: Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh, Cách Mạng Tháng Tám, Hai Bà Trưng, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, quận 3); An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ, Hùng Vương - Lý Thường Kiệt (quận 5); Ba Tháng Hai - Lý Thái Tổ (quận 10), vòng xoay Hàng Xanh, Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh)… lực lượng CSGT tham gia điều hòa, hướng dẫn, xử lý giao thông đều đeo “thẻ xanh”.

Trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội Tuần tra - Dẫn đoàn, Phòng CSGT TPHCM, cho biết: “Đến nay, hầu hết CB-CS làm công tác tuần tra, dẫn đoàn đã được cấp đủ “thẻ xanh”. Mấy ngày đầu tiên, khi chưa được cấp đủ “thẻ xanh”, chúng tôi cũng không gặp khó khăn nhiều lắm, bởi mình thực hiện đúng quy định của ngành. Các CB-CS có “thẻ xanh” thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện vi phạm và các anh em còn lại tiến hành lập biên bản. Thời gian qua, hầu hết người tham gia lưu thông vi phạm giao thông đều chấp hành tốt việc ký biên bản và không cự cãi hay phản ứng xung quanh việc CSGT có đeo “thẻ xanh” hay không”.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Long, nhà ở quận Thủ Đức, bức xúc: “Theo quy định mới, chỉ có CSGT mang thẻ xanh mới được quyền dừng xe đang lưu thông để xử lý vi phạm. Vậy các lực lượng khác, như: thanh tra giao thông, công an quận, phường, cảnh sát cơ động, phản ứng nhanh… có được quyền dừng xe đang lưu thông để xử lý vi phạm hay không? Đến thời điểm này, tôi vẫn không thấy họ đeo “thẻ xanh””. Đây không phải là bức xúc, thắc mắc của riêng ông Long mà cũng là của nhiều người dân khác.

Các lực lượng khác, phát hiện vi phạm vẫn có quyền xử lý

Theo lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TPHCM, vẫn còn một số trường hợp CSGT chưa có “thẻ xanh”. Đây là do một số sai sót trong việc viết tờ khai và in ấn.

Về vấn đề “thẻ xanh”, Đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết: “Mấy ngày qua, do công tác tuyên truyền chưa chặt chẽ, nên việc “thẻ xanh” và CSGT đã gây ít nhiều ngộ nhận và thắc mắc cho người dân. Theo Thông tư 45, CSGT khi làm nhiệm vụ có đeo biển hiệu tuần tra, kiểm soát mới được quyền ra hiệu lệnh dừng phương tiện lưu thông để xử lý vi phạm. Qua quy định này, người dân sẽ giám sát việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT tốt hơn nữa. Các lực lượng khác, như: CS cơ động, CS trật tự, phản ứng nhanh, hay công an phường, xã, thị trấn… vẫn thực hiện công việc theo Nghị định 34 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Như vậy, theo quy định, các lực lượng công an vừa nêu trong quá trình tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, nếu phát hiện người tham gia giao thông vi phạm các lỗi, như: lưu thông ngược chiều, không đội nón bảo hiểm, gây rối trật tự công cộng, lưu thông vào đường cấm, chở quá số người quy định, bấm còi, rú ga liên tục… có quyền lập biên bản xử lý vi phạm”.

Tại thời điểm này - đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán 2013 - việc xử lý vi phạm giao thông đang diễn ra khá kiên quyết. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, các lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 40.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; hơn 30.000 trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản; tạm giữ hơn 4.000 phương tiện các loại…

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục