Vụ cháy, nổ thương tâm tại TPHCM: Khẩn trương khắc phục, điều tra nguyên nhân

Sáng 26-2, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ TPHCM, đã đến kiểm tra hiện trường vụ cháy, nổ thương tâm vào sáng 24-2 tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8 quận 3. Đồng chí Lê Hoàng Quân động viên và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục, điều tra nguyên nhân sự cố. Đến chiều cùng ngày, khu vực xảy ra sự cố vẫn được phong tỏa để phục vụ công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường.
Vụ cháy, nổ thương tâm tại TPHCM: Khẩn trương khắc phục, điều tra nguyên nhân
  • Phát hiện thêm một địa điểm ông Lê Minh Phương thuê chứa chất nổ

(SGGP).- Sáng 26-2, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ TPHCM, đã đến kiểm tra hiện trường vụ cháy, nổ thương tâm vào sáng 24-2 tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8 quận 3. Đồng chí Lê Hoàng Quân động viên và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục, điều tra nguyên nhân sự cố. Đến chiều cùng ngày, khu vực xảy ra sự cố vẫn được phong tỏa để phục vụ công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường.

Cùng ngày, bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND phường 8 quận 3, cho biết chủ sở hữu căn nhà số 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà ông Phương thuê là vợ chồng ông bà Nguyễn Thủ Ngôn - Nguyễn Thị Tuấn Tú. Ông Phương đến thuê căn nhà này để đặt trụ sở Công ty CP Giải trí công nghệ Lạc Việt cách nay 2 tháng và có ký hợp đồng thuê nhà. Hiện gia đình ông Ngôn về phường 9 (quận Phú Nhuận) sinh sống, ở địa chỉ nào, số điện thoại liên lạc ra sao UBND phường không nắm rõ. Khi chúng tôi hỏi hợp đồng thuê nhà có nộp cho UBND phường không, bà Châu cho biết: “Phường có được xem qua nội dung các điều khoản ký kết trong hợp đồng”. “Nội dung trong bản hợp đồng thuê nhà nói gì, UBND phường có giữ bản hợp đồng này không?” - chúng tôi hỏi. Bà Châu cho biết UBND phường không được phép trả lời bất kể nội dung gì liên quan đến vụ cháy nổ này.

Cũng từ phản ảnh của người dân, lực lượng công an đã kiểm tra và niêm phong nhà số 461 Hoàng Sa (số cũ 62/135/45B Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3). Đây là nơi ông Lê Minh Phương thuê đặt trụ sở Công ty TNHH Sản xuất phim Lạc Việt và chứa vật liệu cháy nổ (ngoài việc mở Công ty CP Giải trí công nghệ Lạc Việt). Tại đây, công an thu giữ một số đạo cụ, kíp nổ, các bao, thùng chứa bột màu trắng. Hiện cơ quan chức năng đã ra quyết định trưng cầu giám định để xác định chất bột màu trắng và các dụng cụ, vật liệu, thiết bị khác thu giữ được tại căn nhà này có phải là chất cháy nổ hay không.

Căn nhà 461 Hoàng Sa, phường 8, quận 3 đã bị niêm phong. Ảnh: Hoài Nam

Căn nhà 461 Hoàng Sa, phường 8, quận 3 đã bị niêm phong. Ảnh: Hoài Nam

Trung tá Lại Văn Thanh, Trưởng công an phường 8, cho biết chưa xác định được ai là chủ căn nhà này vì đã được mua bán qua nhiều người. Ngay cả người đứng tên trong hộ khẩu từ trước đến nay là ai, ông Thanh cũng không nắm rõ khi chủ mới chưa chuyển hộ khẩu về...

Cơ quan chức năng cũng đang xác minh một số địa chỉ khác trên địa bàn quận 12 và Gò Vấp mà theo nguồn tin của người dân, ông Phương thuê làm nơi cất giữ dụng cụ, vật liệu, trang thiết bị phim trường - rất có thể là vật liệu nổ và chất cháy đã gây ra vụ cháy nổ này.

Sở Xây dựng TPHCM cũng đã có văn bản chính thức báo cáo UBND TP về việc xử lý các công trình lân cận bị ảnh hưởng bởi vụ nổ tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8 quận 3. Liên quan đến việc triển khai xử lý, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn cho biết, theo phương án xử lý, UBND quận 3 đang lập và thẩm định phương án tháo dỡ các căn nhà lân cận. Việc tháo dỡ chỉ được thực hiện sau khi có phương án thẩm định được duyệt để đảm bảo an toàn. Việc xử lý các vấn đề liên quan hiện đang được các cơ quan chức năng tiến hành một cách thận trọng vì lực lượng chức năng phát hiện còn một số vật liệu gây nổ tại khu vực xảy ra sự cố nên cần khoanh vùng để rà soát và kiểm tra thêm. Sở cũng đã yêu cầu UBND quận 3 song song với việc lập phương án tháo dỡ, cần phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và tháo dỡ ngay những mảng tường, vật liệu có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của các căn nhà xung quanh.

Tư nhân không được sử dụng vật liệu nổ

Chiều 26-2, Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM, cho biết, theo Pháp lệnh 16/2011 (ngày 30-6-2011) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23-4-2009 của Chính phủ... chỉ có các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, công ty có 100% vốn nhà nước mới được sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN).

Việc sản xuất và kinh doanh VLNCN, phải được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương và Bộ Quốc phòng. Tính đến nay, chỉ có các đơn vị của Bộ Quốc phòng được phép hoạt động. Nghị định cũng quy định việc vận chuyển VLNCN phải có giấy phép do đơn vị quản lý nhà nước về PCCC cấp và nhất thiết phải chấp hành quy chuẩn an toàn của Việt Nam. Công ty của ông Phương là công ty tư nhân nên không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và sử dụng VLNCN.

Nhóm PV


Giật mình chuyện khói lửa

Vụ nổ kinh hoàng tại hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 TPHCM, khiến người ta phải giật mình nhìn lại hoạt động với vô vàn kẽ hở của chuyên gia “khói lửa” trên phim trường.

AK dưới gầm ghế, đạn mã tử găm trong túi áo

Nếu các hãng phim truyện nhà nước, những bộ phim điện ảnh được đầu tư với kinh phí lớn thường tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng và quản lý vật liệu cháy nổ trong suốt quá trình sản xuất thì chuyện “khói lửa” trong phim truyền hình lại hoàn toàn được giao phó cho các họa sĩ bối cảnh. Anh Trần Quốc Hùng, họa sĩ bối cảnh của Hãng phim Truyền hình Việt Nam, cho biết, 18 năm gắn bó với truyền hình trong đó có hơn 10 năm gắn bó với việc dựng bối cảnh làm phim đã bao phen đối mặt với cảnh cháy, nổ giờ nhìn lại mới thấy mình đúng là “điếc không sợ súng”.

Trước kia, lúc còn trẻ, kinh phí làm phim khá hơn thì mỗi khi cần đến vật liệu nổ như súng, đạn… những người làm bối cảnh như anh thường đến với Hãng phim Truyện I (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) với chuyên gia khói lửa Duy Vợi để thuê, mượn, mua. Về sau, mọi thứ đắt đỏ hơn mà kinh phí dành cho dựng bối cảnh hạn thế thì phải tự mày mò, thu xếp.

Trong nhiều chuyến đi quay xa, súng, đạn, thậm chí cả thuốc nổ dùng cho các bối cảnh cũng được tống cả lên xe chở diễn viên, đạo diễn… Lúc đó nói dại, nhỡ có sự cố gì thì “bay” luôn cả đoàn. Sợ là thế nhưng rồi cái khó bó cái khôn, hết phim này lại đến phim khác, những họa sĩ bối cảnh kiêm cả chuyên gia “khói lửa” vẫn cứ mày mò làm việc theo kiểu thủ công với súng AK để dưới gầm ghế, đạn mã tử nhét trong túi áo. Tham gia 100 tập trong loạt phim Cảnh sát hình sự thì cũng là từng đó thời gian phải đối mặt với súng, đạn, vật liệu nổ theo kiểu thô sơ thế, các diễn viên cũng chấp nhận những tai nạn trầy trụa mặt mày với những kíp nổ tự chế… song ai cũng tặc lưỡi cho qua vì yêu nghề, vì mưu sinh.

Để khỏa lấp sự thiếu chuyên nghiệp trong việc tạo các bối cảnh cháy nổ, nhiều họa sĩ bối cảnh còn buộc phải “nghịch dại” để có được hiệu ứng hình ảnh ưng ý. Anh Hùng rùng mình nhớ lại những cảnh cháy nhà bùng bùng ở trong Ma làng mà anh tham gia làm bối cảnh. Anh kể, để có được cảnh cháy nhà sống động như thế buộc phải chất rơm lên mái nhà đốt. Và chính lúc lửa đang cháy phừng phừng ấy, các anh em bối cảnh phải lao vào kéo rơm xuống thật nhanh để không cháy nhà người ta. Lúc đó, chỉ cần một cơn gió thổi ngược là anh em hứng đủ.

Tự tạo “bom” xăng bằng túi ni lông

Sau vụ tai nạn cháy, nổ thương tâm xảy ra tại TPHCM với những nghi vấn liên quan tới việc tích trữ, sử dụng vật liệu cháy nổ trong tạo hiệu ứng cháy nổ, khói lửa trong phim, ngày 26-2, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết, sẽ nhắc nhở các hãng phim, đơn vị điện ảnh rà soát, kiểm tra việc bảo quản và sử dụng vật liệu cháy nổ. Đồng thời thực hiện nghiêm Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vật liệu cháy nổ trong quá trình tác nghiệp.

Có một thực tế, Việt Nam hiện tại có rất ít người được đào tạo bài bản làm khói lửa mà phần lớn làm nghề theo… kinh nghiệm. Người phụ trách khói lửa tự rút kinh nghiệm và “học lóm” là chính.

Trong khi đó, các thiết bị đi kèm làm hiệu ứng khói lửa hầu như không có, các họa sĩ bối cảnh kiêm luôn phụ trách khỏi lửa cứ “tay bo”, thủ công hoàn toàn nên đối với phim chiến tranh hoặc các cảnh quay có sử dụng đến hiệu ứng của thuốc nổ, đâu đó vẫn xảy ra tai nạn phim trường.

Theo diễn viên Thế Anh, ở Việt Nam diễn viên được đem ra làm “vật thí nghiệm” cho những kíp nổ trên phim. Người diễn không được bảo hộ, cứ thế chạy băng băng trong làn khói lửa. Vậy bảo sao không có tai nạn, không có đổ máu? Chính ông cũng từng là nạn nhân của những kiểu kỹ xảo đầy tính thủ công không kiểm soát được hệ số an toàn như vậy. Không chỉ diễn viên mà chính các chuyên gia “khói lửa” cũng nếm trải những kinh nghiệm xương máu trên trường quay. Họa sĩ Trần Hoài Nam có một kỷ niệm đau đớn về cháy nổ. Theo đó, nhiều cảnh quay túp lều, một ngôi nhà, một cái cây hay thậm chí chỉ là một đống rơm cháy bùng lên như xem trong phim không chỉ đơn giản là châm lửa vào đốt như vụ đốt rơm trên mái nhà trong phim Ma làng mà cần phải dùng tới “bom xăng”.

Anh kể, mỗi khi cần những cảnh cháy bùng bùng lên như thế, chuyên gia “khói lửa” phải mua xăng rồi đổ vào túi ni lông, buộc kín xếp dưới các bối cảnh rồi khi đạo diễn hô cháy là kích cho túi xăng mà anh em hay gọi tếu là “bom” xăng ấy vỡ ra, bùng lửa lên. Cách kích “bom” ấy khi thì dùng tới các kíp nổ tự chế nhưng cũng có lúc thực hiện thô sơ hơn là ném một chiếc đuốc tự chế vào đống xăng mồi. Vì không kiểm soát được tốc độ lan xa của ngọn lửa, tết năm 2006, anh Nam đã bị bỏng toàn bộ phần mặt, hai tay sau khi thực hiện một bối cảnh cháy trong phim như thế.

Giờ đây, 6 năm sau tai nạn, mặc dù vẫn không nén được cảm giác rùng mình mỗi khi nhớ lại nhưng những bối cảnh khói lửa trong các bộ phim anh tham gia cũng chưa tìm ra cách gây cháy nào hiệu quả, an toàn hơn vì thế trò dại “bom” xăng vẫn được dùng.

Chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp, họa sĩ Trần Thanh Việt cho rằng dù biết là những bối cảnh khói lửa thô sơ, thậm chí có thể nói là “man rợ”, thiếu chuyên nghiệp như vậy nhưng với kinh phí chỉ khoảng 10 triệu đồng cho toàn bộ bối cảnh trong 1 tập phim truyền hình 45 phút buộc nhiều họa sĩ bối cảnh phải “làm ngơ” với nguy hiểm.

Tai nạn của gia đình ông Lê Minh Phương là một điều đau xót, nó khiến cho những người làm khói lửa nói chung và những nhà làm phim hiện tại không chỉ giật mình mà đó cũng chính là tiếng chuông cảnh tỉnh buộc những người có trách nhiệm cần phải rà soát, xốc lại quy trình cũng như cách quản lý, thực hiện các kỹ xảo cháy nổ. Có như vậy mới có thể tránh được những tai nạn thương tâm đã được cảnh báo trước.

Vĩnh Xuân

Thông tin liên quan

- Vụ cháy, nổ thương tâm ở TPHCM: 11 người đã chết

- Đừng để cư dân phải sống trong sợ hãi

- Cảnh cháy nổ trong phim Việt: Nguy hiểm cao, hiệu quả ít

- Chung tay hỗ trợ gia đình các nạn nhân

- Cháy nổ làm sập 3 căn nhà, 10 người tử vong

Tin cùng chuyên mục