Trẻ em cần sự yêu thương

Thông tin cậu học trò lớp 7 ở Hải Phòng bị cha lột trần truồng trói vào cột điện trước cửa nhà dưới cái rét 15°C khiến không ít người bàng hoàng. Nguyên nhân là cậu bé trốn học đi chơi game, trong lúc tức giận ông bố đã áp dụng hình phạt trên với mục đích khi mọi người nhìn thấy như vậy, cháu sẽ xấu hổ để tiến bộ hơn.

Hay vụ việc khác diễn ra tại TPHCM, một cháu bé 13 tuổi sau khi được người chú bảo lãnh từ đồn công an về vì có hành vi định ăn cắp xe đã được… chú dạy bằng cách bắt đeo tấm biển có dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp” rồi đứng ở ngoài đường phố. Cách đây không lâu, ở Đắk Nông, một ông bố cũng vì quá bực tức việc hai con trai mê chơi game, kết quả học hành sa sút đã bắt hai con bò lết giữa đường cả cây số, có đoạn băng qua chợ nơi rất đông người.

Xã hội đang giật mình và phẫn uất khi xem những hình ảnh, đoạn phim ghi lại thương tật của trẻ nhỏ dưới đôi bàn tay bạc ác của chính cha mẹ mình. Chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến con trẻ. Từ quan niệm để trẻ xấu hổ, sợ hãi thì trẻ sẽ không lặp lại sai phạm của mình hay “phải đánh mới nên người”, nhiều bậc cha mẹ đánh đòn con, làm nhục trẻ như một biện pháp trừng phạt răn đe trẻ không mắc lỗi lần sau. Nhưng vô hình trung hành động dạy con nên người của họ đã đẩy con trẻ vào những cực hình mà lẽ ra với tuổi đó các em phải được chăm sóc, dạy bảo ân cần. Nguyên nhân của bạo hành có nhiều.

Áp lực công việc, nỗi lo cơm áo gạo tiền hay tư tưởng “con tôi, tôi xử” đã dồn đẩy cha mẹ chuyển từ tình thương sang roi vọt hoặc làm nhục trẻ mà không ý thức được tác hại nguy kịch, nặng nề lên bản thân, ý thức con trẻ. Có những em chịu thương tổn về thể chất nhưng sự tổn thương tâm lý còn kinh khủng hơn rất nhiều vì đây là cách hạ giá trị bản thân trẻ nhanh nhất. Đứa trẻ sẽ thấy xấu hổ, nhục nhã, bị cha mẹ và mọi người xung quanh khinh thường, thấy bố mẹ không yêu thương. Từ đó, các em sẽ có mặc cảm về bản thân, có thể mất niềm tin vào chính mình, mất niềm tin vào cha mẹ và mọi người xung quanh.

Thiết nghĩ, trẻ em cần một ngôi nhà thực sự an toàn và yêu thương, nơi chúng lớn lên không phải chịu đựng sự sợ hãi. Cha mẹ cần giúp con sửa sai phải bằng cách phân tích phải trái, khiển trách hành vi sai, phê phán hành vi chứ không làm nhục con người, nhân cách của con. Đó cũng là cơ sở giúp trẻ chủ động theo đuổi cái tốt, tránh xa cái xấu để trẻ tự tu dưỡng bản thân tới lòng hướng thiện, đây chính là điều tiên quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình và nuôi cho tâm hồn trẻ thơ trong sáng để các em bước vào đời với lòng thương yêu.

Một khi tình yêu được hình thành tự nhiên, mọi việc sẽ được giải quyết hiền hòa, tốt đẹp. Ngược lại, nếu không được giáo dục, chăm sóc, dạy dỗ về tâm lý, đạo đức lối sống thì rất có thể những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ không thể trở thành chủ nhân thực sự được. 

NHẤT HUỲNH
(Trường THCS Nguyễn Chí Trai, tỉnh Vĩnh Long)

Tin cùng chuyên mục