Săn và giữ “chất xám”

“Chào mừng bạn đến làm việc tại Ban Quản lý Đường sắt đô thị (BQL). Chúng tôi tin tưởng rằng, với khả năng, trình độ chuyên môn và tâm huyết của bạn, chúng ta sẽ góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM. Sự lựa chọn vào làm việc tại BQL của bạn là đúng đắn…” - đó là cách Trưởng phòng Tổ chức - Đào tạo BQL Vũ Minh Huyền đón chào thành viên mới kèm theo lời chúc “bạn luôn thành công trong công việc và có một tương lai đầy hứa hẹn tại BQL”.
Săn và giữ “chất xám”

“Chào mừng bạn đến làm việc tại Ban Quản lý Đường sắt đô thị (BQL). Chúng tôi tin tưởng rằng, với khả năng, trình độ chuyên môn và tâm huyết của bạn, chúng ta sẽ góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM. Sự lựa chọn vào làm việc tại BQL của bạn là đúng đắn…” - đó là cách Trưởng phòng Tổ chức - Đào tạo BQL Vũ Minh Huyền đón chào thành viên mới kèm theo lời chúc “bạn luôn thành công trong công việc và có một tương lai đầy hứa hẹn tại BQL”.

  • Có ích với bạn

Theo Huyền, công việc liên quan đến đầu tư xây dựng, khai thác và vận hành metro của TPHCM là mới mẻ. Hiểu cảm giác hoang mang khi ngày đầu nhận việc, chị biên soạn sổ tay nội bộ giới thiệu tổng quan về BQL, về quyền lợi của người lao động nhằm “có ích với bạn, giúp bạn thêm tự tin và nhanh chóng hòa nhập vào công việc”.

Chị Vũ Minh Huyền với nhiều sáng kiến thu hút nhân tài về cơ quan nhà nước.

Chị Vũ Minh Huyền với nhiều sáng kiến thu hút nhân tài về cơ quan nhà nước.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, đang đi làm thì năm 2004, Vũ Minh Huyền (37 tuổi) trúng tuyển chương trình đào tạo 300, 500 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM. Rẽ ngang sang quản trị hành chính công, sau 1 năm du học ở Anh, Huyền trở về với tấm bằng thạc sĩ. Sau đó, cuối năm 2008, chị nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Tổ chức - Đào tạo BQL. Lãnh nhiệm vụ mới mà chị không khỏi lo lắng, băn khoăn. Cơ quan làm dự án cả tỷ USD mà vô văn phòng làm việc, cứ tưởng người ta… nói chơi! Chả là lúc đó, cơ quan đang đặt tại 23-25 Hàm Nghi (quận 1). Văn phòng chật hẹp đến nỗi không có phòng họp riêng, nhiều khi trưởng ban phải đi ra ngoài cho các nhóm khác mượn phòng để họp. Về nhân sự thì còn bức bí hơn, cả cơ quan có 45 người. Làm sao đủ nhân lực vừa giỏi chuyên môn vừa rành ngoại ngữ để “bày binh bố trận” khắp các dự án trọng điểm thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài?

Chính trong môi trường được trân trọng như thế, đến nay, BQL đã thu hút được 215 người, trong đó, có 32 người trình độ sau đại học, 166 người trình độ đại học. Các vị trí đều giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, có thể “độc lập tác chiến” với đối tác nước ngoài.

Để giải bài toán nhân lực, Huyền cùng lãnh đạo BQL xác định chính xác số lượng nhân sự cần thiết; làm rõ các chức danh, tiêu chuẩn của từng chức danh cũng như yêu cầu đầu vào và thời gian đào tạo tương ứng. Ngoài nguồn tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế được UBND TPHCM phân bổ, Huyền còn trực tiếp tham mưu lãnh đạo “săn” những nhân sự có kinh nghiệm, có tâm huyết vào làm việc. Biết anh Phan Nhật Linh (37 tuổi, từng làm Trưởng phòng Kế hoạch đấu thầu dự án Đông Tây), có kinh nghiệm nhiều năm về công tác đấu thầu, kế hoạch, kỹ thuật, đàm phán với nước ngoài về vay vốn ODA nhưng hiện đã làm ở nơi khác. Xét về năng lực, kinh nghiệm, anh Linh rất phù hợp vị trí Phó Giám đốc BQL Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên của BQL Đường sắt đô thị. Chỉ có điều, về bằng cấp, anh Linh tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh (trong khi vị trí mới đòi hỏi phải có chuyên ngành kỹ thuật). Để không bỏ sót người có tố chất mà BQL đang cần, Huyền đề xuất lãnh đạo BQL linh hoạt tiếp nhận anh Linh để bố trí phù hợp với kinh nghiệm, năng lực của anh.

  • Giữ chân trí thức trẻ

Theo Huyền, làm công tác tổ chức nhân sự, đòi hỏi vừa biết việc lại vừa phải biết người để giao đúng người đúng việc. Buổi lễ trao quyết định nhân sự thường rất đơn giản, ngắn gọn nhưng khâu chuẩn bị để cho ra quyết định ấy không đơn giản. Trước đây, bộ phận kế hoạch và đấu thầu của BQL là hai phòng riêng biệt, vừa phân tán vừa chồng chéo. Năm 2010, Huyền lên đề án sát nhập hai phòng thành Phòng Kế hoạch - Đầu tư và điều này tất nhiên ảnh hưởng đến quyền lợi một số vị trí. Xác định dùng mệnh lệnh hành chính là hạ sách, thậm chí phản tác dụng, Huyền âm thầm nhiều ngày, nhiều tháng gặp người này, gặp người kia, có khi vừa thuyết phục, vừa tranh luận. “Khi trao đổi, tranh luận về một vấn đề, ai cũng đúng hết. Vấn đề là mình bảo vệ cái đúng của mình thế nào và cái đúng nào có lợi nhất với tập thể. Khi mọi người hiểu ra đều vui vẻ, không còn ấm ức nữa” - Huyền lý giải cho việc tạo được sự đồng thuận trong việc sắp xếp nhân sự của mình.

Tuyển được nhân lực chất lượng cao đã khó, giữ chân được họ còn khó hơn. Huyền cho biết, BQL được cơ chế tiền lương đặc thù (cán bộ công chức được hưởng 3 lần lương), nhưng công việc của BQL đòi hỏi phải làm việc trực tiếp với đối tác các đơn vị tư vấn, nhà thầu nước ngoài về metro - lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, công nghệ hiện đại, phức tạp - thì mức lương đó chưa tương xứng. Để bù đắp và “truyền lửa” cho anh em, Huyền lại dùng liệu pháp tinh thần và các hỗ trợ “mềm” khác. Ngoài lời nồng nhiệt chào mừng ban đầu, quá trình công tác, Huyền giúp các trí thức trẻ xác định công việc xây dựng hệ thống metro ở TPHCM là hết sức cấp bách để giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông của TP; được đóng góp trí tuệ vào thực hiện dự án có tính chất đột phá của TP là niềm tự hào của tuổi trẻ. Các hỗ trợ “mềm” như: phối hợp mở các lớp đào tạo nâng cao và rèn luyện kỹ năng mềm; đẩy mạnh các hoạt động văn - thể - mỹ… giúp gắn kết các thành viên, tạo môi trường thân thiện, cởi mở với tương lai đầy hứa hẹn cho trí thức trẻ ở BQL. 

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục