Yêu thương bằng cả tấm lòng

Khác nhau về hoàn cảnh, tuổi tác, công việc nhưng những điển hình được tuyên dương nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh nhật Bác, đã gặp nhau ở tấm lòng tận tụy, yêu thương con người.
Yêu thương bằng cả tấm lòng

Khác nhau về hoàn cảnh, tuổi tác, công việc nhưng những điển hình được tuyên dương nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh nhật Bác, đã gặp nhau ở tấm lòng tận tụy, yêu thương con người.

        Góp nhặt ân tình

“Phượng ơi, nhà bà bị cắt điện rồi”

Đang lui cui trong bếp nấu cơm trưa, chị Đỗ Ngọc Phượng, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp 2 xã Tân Kiên huyện Bình Chánh nghe giọng bà cụ Nguyễn Thị Trước lanh lảnh.

“Bà đi bằng gì qua đây, sao chân tay lấm lem vậy nè”.

“Bà đi bộ”.

Nhìn bà cụ gần 90 tuổi mắt đã kèm nhèm, lập cập chân tay, mồ hôi nhễ nhại dưới trời trưa nắng gắt, chị ứa nước mắt, dắt bà cụ vào ngồi nghỉ. Chiều đó, chị Phượng chở bà lên Điện lực Bình Chánh làm thủ tục đóng tiền, mở điện lại cho cụ. Chẳng thân sơ gì nhưng đã hai năm nay, chị Phượng đã không nhớ hết bao lần mình bảo lãnh tiền điện và vài khoản chi tiêu khác cho bà cụ nghèo sức khỏe yếu, con gái bị tâm thần bằng số tiền lương ít ỏi của mình. Cũng không nhớ hết bao nhiêu lần phải chở bà cụ đi vòng vòng kiếm người con gái lên cơn bỏ nhà đi rong vì bà cụ khi có chuyện gì cũng chỉ biết hướng “nhà cô Phượng” mà đến nhờ thôi.

Chị Đỗ Ngọc Phượng (bìa trái) hướng dẫn thực hiện đồ lưu niệm bằng hạt cườm cho các chị em trong hội. Ảnh: HỒNG HIỆP

Chị Đỗ Ngọc Phượng (bìa trái) hướng dẫn thực hiện đồ lưu niệm bằng hạt cườm cho các chị em trong hội. Ảnh: HỒNG HIỆP

Ấp 2 là một ấp nghèo của xã Tân Kiên với số hộ nghèo và cận nghèo còn gần 200/2.000 hộ dân toàn ấp. Bước chân qua những con hẻm ngoằn ngoèo của ấp, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện đầy ắp tình người về người cán bộ hội nhân ái. Đó là câu chuyện bà Nguyễn Thị Của (78 tuổi) nghèo khó cuối đời phải ở trọ vất vưởng đã được chị Phượng xin mạnh thường quân là cô Huỳnh Kim Lệ xén khoảng vườn để làm nhà tạm cho cụ ở. Ngày chị Phạm Thị Đào và 3 đứa con nhỏ đi nhận xác chồng - lao động chính trong gia đình, do đi vớt bèo thuê chẳng may trượt chân xuống ao chết - là một ngày tang tóc và bế tắc. Không buông rơi người phụ nữ có hoàn cảnh thương tâm, chị lại tất bật đi về xin các loại quỹ giúp chị Đào có điều kiện tiếp tục cho con đến trường. Căn nhà xập xệ của 4 mẹ con cũng được suất nhà tình thương xây sửa lại đàng hoàng.

Trong dịp kỷ niệm sinh nhật của Bác, TPHCM sẽ biểu dương 356 tập thể, cá nhân thực hiện tốt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chương trình được truyền hình trực tiếp vào sáng 19-5.

Chuyên trách công tác hội, chị được 300.000 đồng/tháng, kiêm nhiệm thêm tổ phó ấp (150.000 đồng/tháng), cán bộ dân số (275.000 đồng/tháng), cộng tác viên trạm y tế (315.000 đồng) là toàn bộ số tiền chị nhận được hàng tháng và khoản tiền này chủ yếu để đổ xăng (50.000 đồng/ngày) vì địa bàn quá rộng. Đam mê công việc nên chị không ngơi tay, khi đi vận động hội viên trong ấp tham gia nuôi heo đất gây quỹ cho chị em có nghèo vay không lãi buôn bán nhỏ; khi tất bật tổ chức bữa cơm cho người già neo đơn; lúc lại đi vận động chi hội hỗ trợ tiền điện, tiền sinh hoạt cho người già khó khăn…

        Chọn con đường gian nan

Năm 2006, tốt nghiệp trung cấp quân y II, y sĩ Trần Thị Phương Thúy đăng ký làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định (Tân Uyên, Bình Dương). Nơi làm việc của Thúy nằm heo hút cách xa khu dân cư và cô đã chọn cho mình một công việc không hề đơn giản: chăm sóc người tâm thần.

Khi mới chân ướt chân ráo về khoa C - Khoa Chăm sóc bệnh nhân tâm thần nam, Thúy đã ăn ngay một cái tát như trời giáng của một bệnh nhân nam vì dám năn nỉ bệnh nhân… uống thuốc. Òa khóc tức tưởi, cô y sĩ trẻ chui vào phòng vệ sinh nghĩ mãi về quyết định bỏ cuộc quay về lại TP. Đắn đo một hồi, Thúy quyết định ở lại nhưng tâm trạng vẫn lăn tăn. Đến đầu năm 2007, trong lúc chăm sóc một bệnh nhân lớn tuổi, đột ngột người này mất ngay sau khi uống sữa. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng cô y sĩ trẻ vẫn cảm thấy rất sốc. Sau khi lau người và mặc quần áo mới cho bệnh nhân rồi đưa xuống nhà xác, Thúy bắt đầu nghĩ thật nhiều về nghề của mình. Cô đưa ra một quyết định dứt khoát phải làm tiếp, chăm sóc tốt hơn những người bệnh thiệt thòi để họ an ủi được phần nào.

Cũng trong năm 2007, khi Thúy đang công tác tại khoa chăm sóc những bệnh nhân tâm thần nặng, trung tâm xảy ra dịch bệnh tê phù. Thúy chia sẻ: “Lúc đó mình rất đau lòng vì chưa tìm ra cách điều trị như thế nào tốt nhất”. Những ngày nghỉ, Thúy tranh thủ về nhà, ra tiệm Internet ngoài trị trấn tra cứu thông tin về bệnh tê phù. Cô đề xuất ban giám đốc thêm dinh dưỡng, đồng thời cho bệnh nhân uống và tiêm vitamin B1 để điều trị bệnh. Sự chịu khó của Thúy đã có kết quả, bệnh nhân chuyển biến tích cực hẳn. Thúy còn nghĩ ra phương pháp tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân. Cô kiên trì tập cho bệnh nhân từng bước đi do bệnh tê phù làm mất cảm giác của hai chân. Dần dần người bệnh đã đi từng bước nhỏ, rồi tự đi lại được. Làm một thời gian, Thúy được phân công về khoa D - chăm sóc bệnh nhân tâm thần nữ. Ngày cô chuyển khoa, một bệnh nhân nam cứ nắm chặt cánh tay Thúy khóc khiến cô y sĩ trẻ xúc động mạnh.

Thúy tâm sự: Tôi mong sẽ chăm sóc tốt cho họ ở điểm cuối cuộc đời để đến lúc họ nhắm mắt, mình không có điều gì phải đắn đo suy nghĩ. Cũng qua công việc này tôi lại càng thấm thía hơn lời dạy của Bác “yêu ai yêu bằng cả tấm lòng”. 

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục