Khó tiếp cận gói tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng, lãng phí chính sách trầm trọng

Khó tiếp cận gói tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng, lãng phí chính sách trầm trọng

Từ ngày 1-6, 5 ngân hàng thương mại lớn đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, việc tiếp cận gói tín dụng này rất khó khăn. Hôm qua 6-6, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với TS TRẦN HOÀNG NGÂN, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, về vấn đề này.

TS TRẦN HOÀNG NGÂN

TS TRẦN HOÀNG NGÂN

- Phóng viên: Thưa ông, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng triển khai nhưng trên thực tế đã nảy sinh nhiều rào cản khiến người dân không tiếp cận được. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

>> TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Diễn biến này cho thấy sự lãng phí trong xây dựng chính sách. Nghị quyết 02 của Chính phủ được ban hành ngày 7-1-2013 đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, có các giải pháp tháo gỡ tồn kho bất động sản mà trọng tâm là giao cho Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thiết kế gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Tuy nhiên, phải đến 6 tháng sau gói hỗ trợ này mới được ban hành. Đáng lo ngại hơn, khi bắt đầu triển khai đã gặp vướng mắc, người dân vẫn chưa thể tiếp cận được vốn vay do các rào cản như báo chí đã phản ánh. Điều này cho thấy sự lãng phí thời gian là rất nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thị trường đang rất khó khăn, người dân trông đợi các giải pháp của Chính phủ phát huy tác dụng ngay.

- Sự lãng phí đó sẽ nghiêm trọng hơn nếu những vướng mắc của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không sớm được tháo gỡ. Theo ông nên giải quyết theo hướng nào?

Tôi nghĩ báo chí nên vào cuộc mạnh mẽ để tìm hiểu cụ thể các vướng mắc của người dân khi tiếp cận gói tín dụng này, nêu lên để các cơ quan có trách nhiệm nhìn nhận được vấn đề, rút kinh nghiệm và chỉnh sửa chính sách một cách kịp thời. Làm sao để chính sách ban hành xong không bị lãng phí, phải thu hồi lại.

- Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, hiện vướng mắc lớn của người vay vốn hỗ trợ nhà ở là khó chứng minh khả năng trả nợ, bởi thực tế nếu muốn vay khoảng 500 - 800 triệu đồng (để mua 1 căn hộ nhà ở xã hội giá khoảng 1 tỷ đồng), hàng tháng phải trả ngân hàng 6 - 9 triệu đồng cả gốc và lãi. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân trong khu vực doanh nghiệp năm 2011 chỉ là 4,8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy, các ngân hàng không dám cho vay vốn vì lo người vay không trả được nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng yêu cầu phải có hợp đồng mua nhà mới cho vay, còn bên bán nhà yêu cầu người mua phải vay được vốn mới bán. Vậy phải làm thế nào người có thu nhập thấp có được nhà ở, thưa ông?

Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phải sớm ngồi lại ngay để giải quyết các vấn đề phát sinh. Có thể yêu cầu các doanh nghiệp bán nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp làm việc với ngân hàng, chứng nhận sản phẩm của họ thuộc đối tượng được vay hỗ trợ, người nào mua thì cần tạo điều kiện cho họ làm thủ tục vay. Nghĩa là tạo một đầu mối thống nhất để người dân vay và mua. Còn về khả năng trả nợ, tôi nghĩ với người có thu nhập quá thấp thì không thể mua nhà được. Tùy theo khả năng tài chính, người dân có thể chọn hình thức thuê nhà. Bộ Xây dựng cũng cần điều tiết một số lượng nhà ở xã hội để người dân thuê. Nhà ở thương mại thì có thể bán, còn nhà ở xã hội thì theo tôi nên dành phần lớn cho người dân thuê và thuê mua. Với thu nhập của người lao động hiện nay, tôi nghĩ một hộ chỉ có thể dành khoảng 1 triệu đồng cho mục đích nhà ở. Số tiền này chỉ có thể thuê chứ không thể mua nhà được.

- Như vậy gói hỗ trợ nhà ở sẽ không giải quyết được căn cơ vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp. Theo ông, có nên xem xét giải pháp để một cơ quan hay tổ chức nào đó đứng ra bảo lãnh cho người thu nhập thấp mua nhà?

Tôi nghĩ đây là vấn đề khó, trước mắt không nên yêu cầu tổ chức nào đứng ra bảo lãnh mà nên để cá nhân người vay vốn chịu trách nhiệm về khoản vay của mình. Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở chỉ hỗ trợ lãi suất, còn các điều kiện tín dụng thì giống như cho vay thông thường nên các ngân hàng cũng phải tính toán để bảo đảm không xảy ra rủi ro.

BẢO MINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục