Sức bật từ những công trình

Phát huy hiệu quả
Sức bật từ những công trình

Những năm qua, TP đầu tư mở rộng hàng loạt công trình cầu đường và xử lý bằng nhiều giải pháp kỹ thuật nên tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm hẳn. 

Giao thông không còn ùn ứ tại ngã 3 Cát Lái. Ảnh: CAO THĂNG

Giao thông không còn ùn ứ tại ngã 3 Cát Lái. Ảnh: CAO THĂNG

Phát huy hiệu quả

Trước đây, ai đã từng đi qua hai cửa ngõ phía Đông và phía Tây của TP cũng đều ngao ngán với cảnh xe cộ chen nhau nhích từng chút, thậm chí có hôm phơi nắng, dầm mưa hàng giờ ở hai khu vực trên vì kẹt xe. Nhất là trên tuyến xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Đồng Nai về đến cầu Sài Gòn ở phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) và đoạn từ cầu Bình Điền đến vòng xoay Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) hầu như không ngày nào không xảy ra kẹt xe.

Ngày nay, xa lộ Hà Nội là tuyến cửa ngõ chính phía Đông TP, kết nối giao thông với các tỉnh Đông Nam bộ. TP xác định đây là tuyến đường quan trọng hàng đầu đã và đang tập trung mở rộng, nâng cấp với 16 làn xe riêng biệt. Hiện nay, từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức đã nâng cấp hoàn chỉnh giao thông thông thoáng. Hình ảnh kẹt xe hầu như không còn xảy ra, các loại phương tiện lưu thông trật tự và nề nếp chứ không như lúc trước.

Một trong những công trình có ý nghĩa quan trọng không kém là đại lộ Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông Tây) dài hơn 20km với 6 - 10 làn xe chạy từ QL 1A (trên địa bàn huyện Bình Chánh) qua các quận 6, 5, 4, 1, 2 đến xa lộ Hà Nội. Không những giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông dọc trục Đông Tây của TP mà còn góp phần rất lớn vào việc chỉnh trang đô thị, mở ra hướng lưu thông cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, góp phần quan trọng giải thoát lưu lượng xe tải ra, vào cảng Cát Lái, phía quận 2.

Tương tự, đường Vành đai 2 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác hạn chế xe tải vào nội TP cũng như chống ùn tắc giao thông từ xa. Vành đai 2 bao gồm các tuyến QL1 đoạn từ nút giao thông Gò Dưa (quận Thủ Đức) chạy qua các nút giao thông An Sương, An Lạc đến khu vực đường Hồ Học Lãm rồi tiếp tục với đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và nối với nút giao thông Gò Dưa.

Nhằm giảm áp lực giao thông cho các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, thậm chí các trục đường vào quận trung tâm như Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu… cần phải có tuyến đường huyết mạch, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho các khu vực trên. Chính vì thế trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài ra đời và đến nay một số đoạn cơ bản đã hoàn thành sắp được đưa vào sử dụng.

Giao thông tại vòng xoay Lăng Cha Cả không còn xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm. Ảnh: CAO THĂNG

Giao thông tại vòng xoay Lăng Cha Cả không còn xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm ùn tắc giao thông

Tại khu vực ngã tư Thủ Đức, đường thông thoáng bất ngờ. Gỡ được nút thắt kẹt xe kinh niên này là nhờ có cầu vượt. Tại đây, ô tô đều theo cầu vượt để băng qua ngã tư, không tạo thành điểm giao cắt như trước nên ít khi xảy ra các sự cố giao thông.

Tương tự tại vòng xoay Hàng Xanh, dòng xe thưa thớt nhàn nhã vượt qua vòng xoay vốn nổi tiếng là điểm ùn ứ trọng điểm của thành phố. Nhờ có cầu vượt tại điểm giao này phát huy tác dụng một khi lượng lớn ô tô đã tách dòng, theo cầu vượt để băng qua vòng xoay đã giảm thiểu rất nhiều điểm giao cắt giữa 2 tuyến đường lưu lượng lớn này.

Ngoài các cầu vượt, Sở GTVT đã tiến hành điều chỉnh giao thông ở nhiều tuyến đường, khu vực. Điển hình là khu vực ngã tư Bảy Hiền, tam giác Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão quận Gò Vấp. Việc tổ chức phân luồng lại giao thông hàng loạt tuyến đường khu vực trung tâm TP như Sương Nguyệt Anh - Bùi Thị Xuân, quận 1 giao thông đã tương đối thông thoáng và trật tự hơn so với trước đây.

Hiện nay, Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu tổ chức lại giao thông ở hàng loạt tuyến đường, giao lộ, khu vực khác trên toàn thành phố. Ngoài việc phân luồng, Sở GTVT cũng đã tiến hành điều chỉnh giao thông tại 129 chốt đèn và các điểm phức tạp trong giờ cao điểm. Lắp đặt hàng loạt các bảng điện tử chỉ dẫn phân luồng, chỉ dẫn hướng lưu thông, cảnh báo tình trạng kẹt xe phía trước…

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông một cách bền vững, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang cho rằng, cần phải đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Ưu tiên đầu tư hệ thống vận tải hành khách công cộng có sức chuyên chở lớn, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân TP tham gia giao thông, đồng thời hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên một số khu vực đường.

Để giải quyết những vấn đề này, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có sức chuyên chở lớn, xây dựng hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt phủ khắp địa bàn TP và kết nối hợp lý với các nhà ga tuyến đường sắt đô thị; từng bước xây dựng hoàn thiện các đường vành đai, đường trên cao, đường hướng tâm.

Chiều 8-7, UBND TPHCM đã sơ kết 2 năm thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020. Trong những năm qua, nhờ triển khai và thực hiện nhiều giải pháp, tai nạn giao thông (TNGT) đã kéo giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ, trong đó, bình quân ùn tắc giao thông giảm 15%/năm, người chết giảm dưới 7%/năm, người bị thương giảm trên 20,1%/năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục. Công tác tuần tra kiểm soát giao thông, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, tập trung và triệt để. Việc xử lý các lỗi là nguyên nhân gây ra TNGT chưa đạt được chỉ tiêu đề ra, công tác xử lý chưa tập trung vào các đối tượng gây ra TNGT như ô tô chở khách, ô tô tải, xe container, học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe…

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục