Quản lý kiểu công - tư lẫn lộn: Đẩy cán bộ y tế rời xa các cam kết y đức

Từ những ca tử vong không tưởng cho tới không ít vụ việc sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn y tế liên tiếp xảy ra tại nhiều bệnh viện thời gian qua khiến người dân không khỏi bức xúc, lo lắng mỗi khi đi khám chữa bệnh. Phải chăng sự xuống cấp về y đức, thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém về chuyên môn và trục lợi trong khám chữa bệnh đang ngày càng trầm trọng? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), một trong những chuyên gia chuyên nghiên cứu về những chính sách và vấn đề y tế.* PV:
Quản lý kiểu công - tư lẫn lộn: Đẩy cán bộ y tế rời xa các cam kết y đức

Từ những ca tử vong không tưởng cho tới không ít vụ việc sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn y tế liên tiếp xảy ra tại nhiều bệnh viện thời gian qua khiến người dân không khỏi bức xúc, lo lắng mỗi khi đi khám chữa bệnh. Phải chăng sự xuống cấp về y đức, thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém về chuyên môn và trục lợi trong khám chữa bệnh đang ngày càng trầm trọng? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), một trong những chuyên gia chuyên nghiên cứu về những chính sách và vấn đề y tế.

* PV:
Sau vụ 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B, tuần qua dư luận lại phải đón nhận những thông tin bức xúc về y tế qua vụ nhân bản hàng ngàn kết quả xét nghiệm tại BV huyện Hoài Đức (Hà Nội) và mới đây là vụ mẹ con sản phụ tử vong ở BV Cần Thơ. Là một người nghiên cứu về y tế, ông đón nhận hay phản ứng như thế nào trước những thông tin trên?

Ông Trần Tuấn.

Ông Trần Tuấn.

* TS-BS TRẦN TUẤN: Trước hết, tôi không ngạc nhiên. Đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” của câu chuyện muôn màu khi không giải quyết triệt để vấn đề lẫn lộn công - tư trong quản lý cơ sở y tế công lập hiện nay. Cũng như khi trong cấu trúc quản lý hệ thống y tế công đang thiếu hẳn thành phần giám sát, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ y tế. Và hơn nữa, khi chính sách y tế không được phát triển dựa trên bằng chứng nghiên cứu khoa học khách quan, cũng như các vấn đề về trách nhiệm giải trình và minh bạch trong quản lý y tế không được đặt đúng chỗ.

* Những vụ việc đầy tai tiếng liên quan tới lĩnh vực khám chữa bệnh trong thời gian qua phải chăng đang đồng nghĩa với sự suy thoái và xuống cấp y đức ngày càng nặng nề, thưa ông?

* Y đức là một khái niệm, tự nó chẳng suy mà cũng chẳng tiến. Nói suy thoái, xuống cấp về y đức phải chỉ vào đối tượng cụ thể mới có nghĩa. Đối tượng ở đây là con người và hệ thống mà con người dựng ra và vận hành nó. Vì thế, ở đây với con người là câu chuyện lương tâm và hành động trước người bệnh của người cán bộ y tế. Còn đối với hệ thống là vấn đề thiết kế bộ máy và vận hành bộ máy trước nhu cầu thực tế đời sống. Qua những vụ việc vừa rồi có thể thấy, bộ máy y tế đang sản sinh ra những “sản phẩm” gây sốc cho xã hội. Trong đó, nguyên nhân sâu xa nằm ở lương tâm của những người có trách nhiệm thiết kế và vận hành bộ máy.

* Những vụ việc y tế bức xúc gần đây đều xảy ra trong các bệnh viện công từ tuyến huyện cho tới tuyến trung ương. Phải chăng, nguyên nhân của vấn đề này là do dịch vụ y tế công đang bị thương mại hóa?

* Qua nghiên cứu của chúng tôi thì hệ thống y tế công hiện nay của chúng ta đang trong tình trạng công - tư lẫn lộn do cơ chế điều hành quản lý của chúng ta. Dịch vụ y tế công nhưng điều hành lại theo cơ chế thị trường, tự hạch toán. Với việc thực hiện việc tự chủ trong bệnh viện, với quỹ lương cho cán bộ y tế bệnh viện trích từ nguồn thu phí dịch vụ từ bệnh nhân thì rõ ràng hoạt động của bệnh viện công hiện nay đang được đặt vào bài toán tự điều chỉnh lợi nhuận. Do đó, khi bệnh viện bị đặt vào tình huống phải xem bệnh nhân là nguồn thu thì vô hình trung đã đặt y bác sĩ vào môi trường mà họ buộc phải coi công việc họ làm luôn luôn bị đặt trong tình trạng “được quản lý theo kiểu kinh doanh”. Đấy là tiền đề đẩy nhân viên y tế rời xa các cam kết y đức.

* Theo ông để ngành y tế lấy lại niềm tin của người dân, nhất là trong vấn đề y đức thì cần phải làm gì hay giải pháp như thế nào?

* Mất niềm tin của dân là mất dân. Muốn có dân thì cần biết dân đang suy nghĩ gì, đang trăn trở gì với ngành y tế. Biết trăn trở của dân rồi thì phải điều chỉnh hành động, đáp ứng cho đúng nguyện vọng của dân sẽ có lại được niềm tin. Là người chuyên nghiên cứu hệ thống y tế đang sống và làm việc ở nơi có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người dân thôn quê, tôi xin nêu ngắn gọn thế này: những câu chuyện vừa rồi và rất nhiều câu chuyện trước đây, cũng như các cảnh đang diễn ra trong các cơ sở chăm sóc y tế cả công và tư hiện nay đang buộc những người có trách nhiệm trả lời trước dân câu hỏi. Đó là hệ thống y tế lập ra để chăm lo sức khỏe cho người dân hay để “làm tiền” dân?

Có nhiều bằng chứng để nói lên rằng, hệ thống y tế từ nhiều năm nay đang trượt theo xu hướng thương mại hóa, đặt mục tiêu lợi nhuận trên sức khỏe, tính mạng người bệnh và phần lớn nguồn tiền thu được này đang làm giàu cho các công ty dược phẩm, sinh phẩm, trang thiết bị máy móc vật tư tiêu hao... Vì thế, hệ thống y tế đang trở thành “bẫy nghèo” đối với nhiều người dân. Trước thực trạng này, đòi hỏi câu chuyện y đức phải được giải quyết ở tầm như thế.

* Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN QUỐC (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục