Nguy cơ tai nạn mùa mưa bão

Vào thời điểm này, trước sự diễn biến bất thường của thời tiết, việc chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy cũng như đường bộ trong mùa mưa bão là vấn đề được nhiều người dân, cơ quan chức năng quan tâm. Mặc dù trong thời gian qua, việc phòng chống tai nạn đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Nguy cơ tai nạn mùa mưa bão

Vào thời điểm này, trước sự diễn biến bất thường của thời tiết, việc chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy cũng như đường bộ trong mùa mưa bão là vấn đề được nhiều người dân, cơ quan chức năng quan tâm. Mặc dù trong thời gian qua, việc phòng chống tai nạn đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn tiềm ẩn không ít nguy cơ.

        Không quen mặc áo phao

Trong mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp, thế nhưng tại các bến đò nhiều hành khách không chịu mặc áo phao. Đơn cử, tại bến đò Bình Quới trên sông Sài Gòn (nối từ phường 28, quận Bình Thạnh sang phường Linh Đông, quận Thủ Đức) vào giờ cao điểm, lượng khách chờ qua đò khá đông, dòng xe xếp thành hàng dài. Hàng chục người chen chúc trên con đò có sức chứa khoảng 25 xe máy và 20 người. Không hành khách nào chịu mặc áo phao dù trên đò có dòng chữ khá lớn: “Tất cả hành khách đi đò sang sông bắt buộc phải mặc áo phao”. Tại bến phà Phú Định, có 2 chiếc phà hoạt động liên tục, chở khách từ quận Bình Tân sang quận 8 và huyện Bình Chánh. Vào giờ cao điểm, người và xe máy chật kín nhưng không ai mặc áo phao. Tương tự, tại bến phà Bình Khánh, phà Cát Lái (quận 2) khoảng cách từ bờ bên này qua bờ bên kia rất xa, nước chảy xiết. Hàng ngày, lượng khách sử dụng phà qua lại khu vực này rất đông nhưng không ai mặc áo phao dù phía buồng lái và hai bên phà có treo rất nhiều áo phao.

Khách đi phà chưa có thói quen mặc áo phao. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Khách đi phà chưa có thói quen mặc áo phao. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Về giao thông đường bộ, hiện nay nhiều công trình hạ tầng đang triển khai thi công rào chắn không đảm bảo, rất dễ gây ra tai nạn cho người đi đường nhất là khi có mưa kèm theo lốc xoáy. Đó là chưa kể nhiều tuyến đường đã hư hỏng trầm trọng chưa được sửa chữa. Cụ thể, tuyến đường Võ Văn Vân và Vĩnh Lộc trên địa bàn huyện Bình Chánh đã xuống cấp trầm trọng, lún sụp, mặt đường gồ ghề, bị bong tróc tạo ổ gà, ổ voi, đọng nước, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Mặc dù Sở GTVT TPHCM và Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn khắc phục sửa chữa các hư hỏng như nêu trên nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Đó là chưa kể hàng loạt tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ sụt lún mặt đường bất ngờ khiến người đi đường không thể lường trước được.

        Chỉ đạo nhiều, chờ thực hiện

Thông tư số 15/2012 của Bộ GTVT quy định về trang bị, sử dụng áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân, ghi rõ: Chủ phương tiện vận tải ngang sông phải đáp ứng đủ số lượng áo phao, vật nổi cứu sinh cho tất cả mọi người trên phương tiện (bao gồm khách và chủ phương tiện). Chủ phương tiện có quyền từ chối và cương quyết không vận chuyển đối với hành khách không mặc áo phao, không chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy. Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện rất khó. Việc hành khách sử dụng áo phao khi qua đò vẫn là chuyện rất hiếm. Điều này thật sự là mối hiểm họa đang rình rập những chuyến đò ngang tại TPHCM.

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tai nạn xảy ra đối với người và phương tiện tham gia giao thông trong mùa mưa năm nay, Sở GTVT đã yêu cầu các Khu Quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm vượt sông Sài Gòn tăng cường công tác tuần tra kiểm tra công trình hạ tầng giao thông. Nếu phát hiện sự cố phải nhanh chóng khắc phục. Cần chú trọng kiểm tra hệ thống cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng, tín hiệu giao thông và hệ thống hầm kỹ thuật, nhất là sau mỗi đợt mưa to kéo dài để phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng phát sinh trên đường như biển báo bị nghiêng, ngã đổ; mặt đường, hệ thống chiếu sáng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng; đọng nước trên mặt đường; rò rỉ điện; các bộ phận kết cấu của công trình cầu không đảm bảo an toàn... Đồng thời gia cố giằng chống lại hàng rào chắn công trường thi công nhằm tránh ngã đỗ gây nguy hiểm trong mùa mưa bão; tăng cường rà soát các vị trí có liên quan đến bến thủy nội địa để có kế hoạch phối hợp đảm bảo an toàn giao thông kịp thời.

Ông Lê Minh Triết, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật nhanh chóng bàn giao mặt bằng đã thi công xong cho các khu quản lý giao thông đô thị và UBND các quận, huyện theo đúng yêu cầu. Các đơn vị liên quan tăng cường việc đôn đốc các đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công công trình hạ tầng kỹ thuật chấp hành nghiêm các quy định về thi công đào và tái lập mặt đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt các lỗi thường xuyên vi phạm như rào chắn nghiêng ngả, xiêu vẹo, không đúng quy cách, tái lập không hoàn trả nguyên trạng mặt đường, vỉa hè hiện hữu, không bố trí đầy đủ lực lượng điều tiết giao thông, sử dụng vật liệu tái lập không đúng theo quy định, thi công không phép…

Với những nỗ lực đó, hy vọng mùa mưa năm nay công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục