Không còn xe quá tải sẽ giảm nạn mãi lộ

Không còn xe quá tải sẽ giảm nạn mãi lộ

Việc siết chặt xe quá tải đang được triển khai trên toàn quốc, được dư luận xã hội rất đồng tình. Nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) đã chia sẻ, họ không sợ việc kiểm soát tải trọng mà chỉ lo các lực lượng chức năng làm không nghiêm, không công bằng và tình trạng mãi lộ vẫn tiếp diễn. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Hiện vẫn còn không ít chủ DNVT chưa đồng thuận với chủ trương siết chặt xe quá tải, tạo ra những phản ứng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, ông có thể cho biết lý do vì sao?

* Ông NGUYỄN VĂN THANH: Có thể nói, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và phần lớn chủ DNVT rất đồng tình với chủ trương siết chặt xe quá tải. Lâu nay chúng ta đã buông lỏng, thậm chí là dung túng cho xe quá tải. Tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên đường đồng lõa, mãi lộ đã diễn ra phổ biến nhiều năm nay, gây mất an toàn giao thông, phá hoại đường sá. Bây giờ chúng ta siết chặt lại thì một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp sẽ phản ứng cũng là điều dễ hiểu, vì họ đã có lợi ích từ việc làm ăn phi pháp đó.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

* Tình trạng mãi lộ đã được nói đến từ lâu nhưng không thể phủ nhận chính các DNVT, các chủ xe đã tiếp tay cho tình trạng này, muốn mãi lộ để được việc mình?

* Tôi cho rằng đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã bị cuốn vào dòng thác phải chở quá tải vì cạnh tranh quá khốc liệt chứ thực tình họ cũng không muốn chở quá tải. Làm vận tải rất vất vả, chở quá tải không sung sướng gì, ngoài việc xử lý trên đường khó khăn, rất mất an toàn, nhanh xuống cấp phương tiện và phá hoại đường sá, lái xe còn rất nhiều áp lực khi phải đối phó với lực lượng chức năng. Nhiều lái xe tâm sự, làm ăn phi pháp nhiều khi rất tủi nhục, có không ít người của lực lượng chức năng vừa ăn tiền vừa mắng mỏ mình.

* Vậy theo ông có thể chống mãi lộ ngay từ chính các DNVT, vốn được coi là “nạn nhân” của tình trạng mãi lộ?

* Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có nói với tôi phải làm sao tuyên truyền, thuyết phục các doanh nghiệp đừng chở quá tải nữa, chở quá tải thì phải mãi lộ, rồi lại kêu người ta nhận mãi lộ. Tôi cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp hãy chở đúng tải để đi trên đường một cách đàng hoàng, không sợ bất kỳ ai gây sự. Nhiều doanh nghiệp than thở: “Khó lắm anh ơi, làm nghiêm túc thì sẽ mất chủ hàng” nhưng tôi bảo mình cũng có cái thế của mình, miễn là các doanh nghiệp làm ăn chân chính cùng hợp lực lại, sẵn sàng dừng hàng trăm xe không chạy nữa nếu chủ hàng ép giá rẻ, sẵn sàng dừng xe đấu tranh với lực lượng CSGT trên đường vì đã chở đúng tải… Tôi cũng kêu gọi các chủ hàng đừng ham giá rẻ mà ép giá vận tải, chủ xếp dỡ cũng vậy, không thể xếp vô lối, xếp bao nhiêu cũng được mà phải xếp đúng tải trọng xe, trong trường hợp chở quá tải thì chủ hàng, chủ xếp dỡ cũng là tội phạm, có điều hiện tại luật pháp của ta chưa điều chỉnh được các đối tượng này.

* Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai kiểm soát xe quá tải hiện nay?

* Thật ra điều doanh nghiệp lo ngại không phải là làm chặt mà là sợ làm không đến nơi đến chốn, không công bằng, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh. Việc triển khai kiểm soát xe quá tải chỉ phát huy được tác dụng khi chúng ta làm kiên quyết, rộng khắp cả 63 tỉnh thành. Hiện nay mới được 2/3 địa phương triển khai, trong số các địa phương đã triển khai thì đến 1/2 làm hời hợt, chỉ kiểm tra ban ngày, ban đêm lại nghỉ hoặc chỉ kiểm tra theo giờ hành chính nên khó mà lập lại được trật tự. Tôi nói thẳng, các tỉnh chưa triển khai hoặc triển khai chưa mạnh là động chạm đến lợi ích của họ, chứ không vì lý do gì cả. Để tình trạng xe quá tải diễn ra lâu nay đều là do lợi ích nhóm, chủ hàng muốn ép giá vận tải để có giá rẻ; chủ phương tiện phải chở quá tải để có lãi nhiều; lực lượng thanh tra, kiểm tra trên đường muốn cho xe quá tải để nhận mãi lộ…

* Nếu như trước đây các chủ hàng thường ép chủ phương tiện giảm giá thì bây giờ các chủ phương tiện lại đang gây sức ép ngược lại với chủ hàng đòi tăng giá cước vận tải vì lý do siết chặt xe quá tải, theo ông vấn đề này sẽ giải quyết thế nào?

* Tới đây các bên vận tải và chủ hàng sẽ phải gặp nhau để tìm ra giá cước mới, chỉ khi nào có mặt bằng giá cước mới thì hoạt động vận tải mới ổn định được. Đã đến lúc tất cả chúng ta phải chấp nhận một thực tế là giá cước vận tải đường bộ không thể rẻ như thế và cần phải kéo giảm chi phí bằng cách khác chứ không phải bằng chở quá tải. Với tư cách chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tôi có thể khẳng định, khi doanh nghiệp làm ăn đúng đắn, nghiêm túc, nếu tổ chức, cá nhân nào gây khó khăn thì chúng tôi sẽ bảo vệ đến cùng. Đơn cử như vụ chiếc xe chở bạch tuộc của bà con Cần Giờ bị CSGT Hải Dương bắt giữ, quyền lợi chủ phương tiện và chủ hàng sẽ được đảm bảo.

* Nói đến xe quá tải, không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, theo ông cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm như thế nào trong mục tiêu chấm dứt tình trạng xe quá tải?

* Chấn chỉnh lại các cơ quan, đơn vị đăng kiểm là câu chuyện dài. Do đặc thù nên cơ quan này thành ra vừa đá bóng vừa thổi còi, có hiện tượng tiêu cực tiếp tay cho tình trạng xe quá tải. Mới đây Thủ tướng đã có chỉ thị cho cơ quan này phải nâng cao chất lượng đăng kiểm, chống tiêu cực, nghiêm cấm việc cải hoán phương tiện, đây cũng sẽ là những giải pháp góp phần hạn chế tình trạng xe quá tải và mất ATGT.

BÍCH QUYÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục