Cả nhà cùng… viết

Cả nhà cùng… viết

Thời sinh viên, anh thường chú ý đến tên một tác giả của những truyện ngắn thiếu nhi đăng trên một tờ báo văn nghệ. Cô bé học lớp 12 mà biết viết văn, có tác phẩm đăng báo lúc đó cũng hiếm nên anh ái mộ và viết thư làm quen. Thư từ trao đổi với nhau cả năm trời, khi cô bé ấy thi đậu vào Đại học Sư phạm thì họ đã “nghiện” đọc thư của nhau… Những bức thư ấy chẳng có lời yêu đương nồng cháy nào cả mà toàn là chuyện công tác đoàn, công tác lớp, về lẽ sống…

Ngọn lửa tình yêu

Cuối cùng hai người cũng gặp nhau ở ngoài đời và luôn động viên nhau để cùng học tốt và công tác tốt. Những món quà họ trao tặng cho nhau toàn sách và báo có in bài của mình. Họ cảm thấy không thể sống thiếu nhau và thầm mơ ước đến tương lai… Từ đó, anh chị bắt đầu ghi hai quyển nhật ký chung, mỗi đứa giữ một quyển, lâu lâu gặp nhau thì trao đổi nhật ký để người kia đọc.

Rồi anh được phân công về công tác ở một lâm trường heo hút tận biên giới Tây Nam thuộc huyện Tri Tôn - An Giang, sống trong vùng có đông người dân tộc Khmer và làm quen với khí hậu vùng núi đồi và cánh đồng hoang phèn chua, muỗi hát. Chị tốt nghiệp loại giỏi sau anh hai năm nhưng từ chối ở lại trường dạy học, bỏ qua bao lời khuyên can của người thân, theo anh về dạy học ở trường cấp ba Tri Tôn - An Giang. Họ nên vợ nên chồng.

Gia đình anh Mai Bửu Minh.

Hai đứa con của anh chị, từ khi bắt đầu hoài thai đều được cha mẹ thay nhau ghi nhật ký “giùm” các con: những lúc thai hành mẹ ói mửa trên lớp, từ giây phút các con chào đời cho đến người đỡ đẻ; những đổi thay khi con biết lẫy, biết lật, mọc răng, biết đứng chựng, biết đi, biết nói, vào nhà trẻ, lên lớp một… Anh tâm sự: “Chúng tôi viết nhật ký với mục đích ghi lại tuổi thơ của các con, để sau này khi con lớn lên sẽ biết rõ mình đã được sinh ra và lớn lên như thế nào. Đây là món quà (vô giá) dành cho các con… Món quà này được các con viết tiếp khi chúng bước vào năm học lớp 4. Chúng tôi động viên các con quan sát và tiếp tục ghi lại những gì mình muốn nói riêng với bản thân mình vào nhật ký… Có lẽ, chuyện viết nhật ký trở thành thói quen đã góp phần cho các con thích học văn, thích viết văn ngay từ khi học cấp hai…”.

Khơi nguồn cảm hứng sáng tạo

Thật hiếm có một gia đình nào có cùng chung niềm đam mê viết lách, văn chương và sáng tạo như vậy. Anh là Mai Bửu Minh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật An Giang; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh An Giang và là một nhà văn, nhà báo luôn đam mê viết.

Vợ anh là chị Hoàng Mai Quyên, ngoài việc dạy ngữ văn ở trường chuyên của tỉnh còn viết báo, viết văn… và đã in 17 quyển sách, khoảng trên 600 bài báo về giáo dục, tuổi mới lớn, về hôn nhân gia đình in trên các báo, tạp chí và đoạt một số giải thưởng văn học…

Con trai lớn của anh chị là Mai Bửu Hoàng Hưng, ba lần có truyện ngắn đoạt giải Văn chương Thủ Khoa Nghĩa (Sở GD-ĐT và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang tổ chức), giải truyện ngắn Khăn quàng đỏ, giải khuyến khích truyện ngắn bán nguyệt san Áo Trắng (NXB Trẻ), xuất bản 1 tập truyện ngắn và 1 tập truyện dài (NXB Kim Đồng). Hiện nay Hoàng Hưng là biên tập viên Đài Truyền hình TPHCM, từng có tác phẩm truyền hình đoạt giải nhì giải Báo chí TPHCM, giải ba giải Báo chí toàn quốc.

Cô con gái út Mai Hoàng Bảo Trân, từng đoạt giải A giải Văn chương Thủ Khoa Nghĩa (2006); giải nhất “Văn hay chữ tốt” tỉnh An Giang năm 2007 (Báo SGGP và Prudential tổ chức); 2 lần đoạt giải khuyến khích UPU toàn quốc (2008, 2009), huy chương vàng học sinh giỏi văn ĐBSCL, Huy chương vàng học sinh giỏi văn Olympic khu vực phía Nam, giải nhì với tùy bút “Ngôi trường trong trí nhớ” (Áo Trắng, NXB Trẻ). Và hiện nay, Bảo Trân vừa tốt nghiệp khoa Báo chí Truyền thông (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) và đã có tác phẩm báo chí, văn học in trên một số báo, tạp chí… Điều thú vị, mới đây gia đình anh có thêm một thành viên mới cũng mê viết và sáng tác, đó là cô con dâu: nhà báo Nguyễn Thị Thủy Ngân, hiện là biên tập viên Ban Chuyên đề của Đài Truyền hình TPHCM.

Một gia đình có ba thế hệ với 6 thành viên tham gia viết văn, viết báo… có lẽ do được sống trong một môi trường khơi gợi được niềm cảm hứng sáng tác, được nuôi dưỡng trong một dòng chảy truyền thống, bởi đây cũng là gia đình mang dòng máu của nhà báo, nhà biên kịch, nhà văn quân đội Hoàng Văn Bổn (giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, với trên 50 đầu sách văn học, 23 kịch bản phim). Ông cũng chính là người luôn động viên con, cháu tham gia sáng tác.

Mai Minh

Tin cùng chuyên mục