Bài 1: “Khai sáng” con đường làm giàu

Những lời “đường, mật”
Bài 1: “Khai sáng” con đường làm giàu

Hàng đa cấp bủa vây sinh viên

LTS: Sau khi chiêu dụ thành công giới nhân viên văn phòng, tiểu thương, các bà mẹ “bỉm sữa”, nhiều đường dây bán hàng đa cấp đã chuyển hướng sang đối tượng trẻ, đặc biệt là sinh viên. Mặc dù dư luận đã cảnh báo, vạch trần thủ đoạn của nhiều công ty bán hàng đa cấp vì biến tướng gần như một dạng lừa đảo, nhưng nhiều bạn trẻ, sinh viên vẫn bị choáng ngợp bởi những lời rủ rê có cánh, lời “khai sáng” về con đường làm giàu cấp tốc… Nhưng liệu có phải chỉ sau vài năm, các bạn trẻ có thể về “nghỉ hưu non” với lương tháng hàng chục ngàn USD như lời hứa hẹn?

“Các em là sinh viên, có gì đâu để bị lừa nên sao phải sợ? Cứ ra đường và va chạm. Đừng lúc nào cũng là con sâu nằm trong cái kén không chịu vươn mình để trở thành loài bướm kỳ diệu. Mình phải vươn lên bứt phá chứ. Có số điện thoại anh chưa? Cứ vào đây với anh chị, sẽ có người hướng dẫn cho em…”, lời mời chào pha lẫn trấn an của thành viên một công ty đa cấp làm cậu sinh viên tên B. - sinh viên năm nhất ĐH Công nghệ thông tin TPHCM, sáng lên quyết tâm.

Những lời “đường, mật”


“Đi dọc hướng Trường Chinh về hướng khu vực Lăng Cha Cả, nếu thấy chỗ nào tụ tập đông nhất, đủ các thành phần, từ người trang phục lịch sự đến người mặc đồ bộ ở nhà, thì đó là hội thảo đa cấp”, lần theo lời của một bác xe ôm, chúng tôi tìm tới tòa nhà Cộng Hòa Plaza (quận Tân Bình). 17 giờ một ngày đầu tuần, không khí nơi đây sôi động chẳng khác gì con phố phía trước. Trong vai sinh viên ngồi học bài ở quán cà phê phía sau tòa nhà, chỉ ít phút sau, chúng tôi được một người tên N.M.L. (từng học ĐH Tôn Đức Thắng) lân la làm quen. Sau khi hỏi về việc học tập và ước mơ của chúng tôi, người này phán: “Tưởng thế nào chứ chỉ cần thu nhập ổn định thì đơn giản, bạn theo mình không những có tiền, mà sẽ giàu, chẳng cần đợi đến lúc ra trường”. Chúng tôi tỏ vẻ không tin, L. liền mời tham gia hội thảo của Công ty U.C ngay lúc đó để minh chứng lời anh ta nói.

Nhân viên công ty bán hàng đa cấp đang “khai sáng”con đường làm giàu tại một hội thảo

Một thanh niên bước tới, L. khẽ hích vào vai tôi giới thiệu: “Đây là anh T.A.T, một upline (người tuyến trên) của mình, anh T. sẽ giúp bạn làm giàu”. T. tự giới thiệu năm nay 34 tuổi, ngụ quận 8, từng bỏ ngang ĐH Kinh tế vì cho rằng ở đó chỉ có những kiến thức lý thuyết, thiếu thực tế. Trước khi tham gia Công ty U.C, T. có thời gian nuôi dế nhưng thất bại. Sau màn chào hỏi qua loa, T. vào thẳng vấn đề: “Bây giờ anh chỉ hỏi ngắn gọn là tụi em có muốn giàu không? Nếu bình thường em làm tới 55 - 60 tuổi mới được nghỉ hưu mà lương chỉ đủ mua rau, còn làm ở đây chỉ cần 3 - 5 năm đã nghỉ hưu, lương đủ để em sống sung sướng, đi du lịch thoải mái. Em chọn cái nào?”. Khi chúng tôi hỏi về thu nhập của T. sau hơn 1 năm đầu quân cho Công ty U.C, T. luôn tìm cách lảng sang chuyện khác và nói rằng mọi thắc mắc của chúng tôi đều không được giải đáp ngay mà phải tham dự hội thảo “Cuộc sống hạnh phúc” và phải tập trung lắng nghe 100%, thì tư tưởng sẽ thông suốt, sau đó sẽ hỗ trợ để chúng tôi làm giàu.

Chúng tôi tham dự cả thảy 4 hội thảo và cuộc hội thảo nào cũng mở màn bằng giải nghĩa thế nào là dự án “Cuộc sống hạnh phúc” với 4 chìa khóa: Tự do 100% về tài chính; tự do 100% về thời gian; sức khỏe hoàn hảo; hạnh phúc viên mãn 100%.  Sau đó là màn giới thiệu công dụng thần kỳ của các thực phẩm chức năng Công ty U.C đang bán. Kết thúc hội thảo, lần lượt một nhóm 7 người lên “chia sẻ” về sắc đẹp sau khi sử dụng bộ thực phẩm chức năng, khoe độ giàu của mình, về cuộc sống như mơ và những nước họ đã đi du lịch.

Trong suốt những buổi hội thảo, chúng tôi thấy câu: “Mỗi chúng ta đều có một quyết định, một con đường riêng. Bạn quyết định thế nào chúng tôi cũng sẽ tôn trọng và ủng hộ bạn. Nếu bạn chọn chúng tôi, chọn tương lai có “cuộc sống hạnh phúc” thì chúng tôi, vâng, tất cả chúng tôi sẽ bên bạn, đi cùng bạn, chỉ 3 - 6 tháng nữa thôi, bạn sẽ có 4.000USD đầu tiên trong tay. Người giàu - nghèo không phụ thuộc vào giỏi - dở mà phụ thuộc vào việc họ có nắm bắt được cơ hội hay không…”. Chỉ bằng những lời đường mật, không ít bạn trẻ có mặt đều tin sái cổ. “Em tham gia, em chọn rồi, em không muốn chờ thêm nữa…”, Lương Thị A.T,  sinh viên ĐH Mở sốt sắng.

Vừa bước ra cửa, chúng tôi được một phụ nữ tên P.T.L chừng ngoài 50 tuổi kéo lại và chỉ về hướng có 3 ô tô đậu trước sảnh, vừa nói: “Xe của các Diamond đấy, cô kia kìa, từ mù chữ vào làm có 1 - 2 năm mà giờ có xe xịn, nhà đẹp. Các con là sinh viên hả? Quăng cái bằng đi, học lắm một tháng kiếm được 5 triệu bạc, có khi còn thất nghiệp, thì bao giờ mới báo hiếu cha mẹ được. Vào đây chỉ mấy tháng là kiếm vài chục triệu, tha hồ báo hiếu…”.

Chân rết đa cấp bao vây làng đại học

Thời gian gần đây, làng đại học lại rộ lên vụ bán hàng đa cấp của rất nhiều công ty có trụ sở tại Bình Dương và TPHCM. Phía sau khu chợ đêm sinh viên, trước khuôn viên trường ĐH Quốc tế, quán nước mía tại Khu A Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, xung quanh Thư viện ĐH Quốc gia, phía trước Nhà điều hành ĐH Quốc gia… thường có nhiều nhóm khoảng 10 đến 20 người sinh hoạt, nói chuyện. Trong đó, có những người mặc quần tây, áo sơ mi khá chỉn chu, là người của các công ty bán hàng đa cấp, và rất nhiều sinh viên.

Trong vai sinh viên ở làng đại học, chúng tôi ghé vào quán nước mía bên hông Khu A Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM. Tại đây, từ 19 giờ tối hàng ngày trở đi thường có một nhóm các nhân viên công ty đa cấp mặc áo đồng phục màu đỏ tiếp chuyện với hàng chục sinh viên, “khai sáng” con đường làm giàu cho họ. Những cô cậu sinh viên năm nhất mắt tròn, mắt dẹt lắng tai nghe những lời có cánh mà các anh chị mớm vào tai. Để trấn an các em vì trước đây có nhiều thông tin ngành đa cấp không hay, các thành viên “tuyến trên” này nói: “Chúng ta cứ làm việc đi, ai nói gì mặc kệ họ, không quan tâm. Họ đâu nuôi sống mình. Bạn bè lúc vui, tới lúc hết tiền đừng mong họ ở lại. Họ đâu giúp gì cho mình được, không giúp mình có tiền, không giúp mình mua xe, mua nhà…”.

Nhiều sinh viên làng Đại học bị dụ dỗ vào con đường bán hàng đa cấp. (Ảnh chụp tại khu A Ký túc xá ĐHQG TPHCM)

Chúng tôi lân la trò chuyện, hỏi cách tham gia vào nhóm với B., sinh viên ĐH Công nghệ thông tin TPHCM đang được “chiêu dụ” vô đường dây này. B. cho biết những người này tự xưng là một chi nhánh của công ty L.H., B. coi đây như “miền đất hứa” để làm giàu nhanh với vốn đầu tư tối thiểu của một sinh viên.
Hồ Thị Kim Thương, sinh viên năm 4 Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho biết: “Trước đây, nhiều vụ về bán hàng đa cấp đã diễn ra tại làng ĐH rồi lặng dần. Nhưng mấy tháng trở lại đây, nhiều nhóm bán hàng đa cấp trở lại rất đông. Đi học, đi làm thêm về, đều thấy. Cái này thật sự quá quen với những sinh viên năm cuối nhưng nhiều bạn năm nhất và năm hai vẫn bị lừa. Họ dụ dỗ sinh viên bằng những điều rất to tát: “kiếm tiền không khó, khai phá tiềm năng con người, chia sẻ thành công, thành công bằng đam mê... toàn đa cấp trá hình”.

Không chỉ tuyển dụng trên mạng mà các công ty trên còn phát tờ rơi, giấy dán tường tuyển lao động không cần trình độ, kinh nghiệm khắp làng đại học. 4 năm chứng kiến biết bao nhiêu sinh viên nhúng chân vào bán hàng đa cấp và chính bản thân Thương cũng từng bị lừa, may mà rút ra kịp. Trước đây, Kim Thương liên lạc theo số điện thoại trên tờ rơi tuyển dụng sinh viên làm thêm đến công ty T.N.M.U. “Nhưng khi tới đây thì hoàn toàn khác chứ không giống lời tuyển dụng làm thêm cho sinh viên như trong tờ rơi. Hàng loạt nhân viên tụ tập trước cổng công ty tay bắt mặt mừng rôm rả như người thân quen lâu lắm. Họ khoác trên mình bộ vét công sở, thắt cà vạt lịch lãm. Em được đưa vào một hội trường mà trong đó cũng có nhiều bạn sinh viên giống em. Và những bài rao giảng “khai sáng” con đường làm giàu của những người có thu nhập cao ngất ngưởng lần lượt xuất hiện. Họ bảo tụi em vào công ty là để trở thành chủ, chứ không phải làm thuê bán hàng cho ai cả. Rồi họ kêu tụi em mua sản phẩm của công ty để xài thử thì mới giới thiệu người khác mua vào tham gia được, chỉ cần đóng hơn 3 triệu đồng mua sản phẩm”.

Không may mắn như Thương, khi thoát ra khỏi cạm bẫy này, rất nhiều sinh viên làng đại học mê “làm giàu” quá đã phải bỏ học, mượn tiền gia đình, bạn bè nói là đóng tiền học Anh văn, mua máy vi tính, nhưng thật chất là lấy tiền đi mua hàng đa cấp. Mua xong các sản phẩm, sinh viên lại phải ăn uống chật vật với mì gói, cơm canh nghèo nàn trong nhiều tháng liền; có sinh viên cầm cố xe, máy tính cá nhân nhằm có đủ tiền để được công nhận là thành viên chính thức.

THU HƯỜNG - VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục