Có nước sạch nhưng nhiều hộ dân Củ Chi vẫn dùng nước giếng khoan

Sáng nay 18-8, Ban Đô thị HĐND TPHCM tổ chức giám sát thực địa tại các xã của huyện Củ Chi về triển khai thực hiện chỉ tiêu phấn đấu 100% hộ dân TPHCM được sử dụng nước sạch theo Nghị quyết 35/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 của HĐND TPHCM khóa VIII.
Có nước sạch nhưng nhiều hộ dân Củ Chi vẫn dùng nước giếng khoan

(SGGPO).- Sáng nay 18-8, Ban Đô thị HĐND TPHCM tổ chức giám sát thực địa tại các xã của huyện Củ Chi về triển khai thực hiện chỉ tiêu phấn đấu 100% hộ dân TPHCM được sử dụng nước sạch theo Nghị quyết 35/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 của HĐND TPHCM khóa VIII.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh cùng đại diện các sở, ngành TP tham gia cuộc giám sát và chất vấn kết quả thực hiện chỉ tiêu người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện Củ Chi.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh thăm hỏi một hộ dân xã Phước Hiệp vừa được đưa nước sạch đến tận nhà. Ảnh: Hoài Nam

Báo cáo với đoàn giám sát, UBND huyện Củ Chi cho biết, để cung cấp nước sạch cho 52.053 hộ dân còn lại (chiếm 50% tổng số hộ dân trong huyện), huyện đã tập trung vào 4 giải pháp gồm: sử dụng mạng cấp nước hiện hữu và phát triển thêm 453,65 km mạng lưới cấp nước cho 43.397 hộ dân; lắp đặt 68 đồng hồ tổng cung cấp cho 6.777 hộ dân; xây dựng 5 trạm cấp nước cung cấp cho 1.096 hộ và lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình cho 783 hộ. Tuy nhiên, đến nay chỉ có giải pháp xây dựng trạm cấp nước đã lắp đồng hồ nước và đưa nước sạch tới 1.045/1096 hộ (đạt tỷ lệ 95,34%), các giải pháp còn lại đạt thấp, chỉ 7,74% ở giải pháp phát triển mạng lưới cấp nước và lắp đặt 43/68 đồng hồ tổng.

Giải trình về tiến độ lắp đặt đồng hồ nước và đưa nước sạch đến hộ dân theo giải pháp phát triển mạng và lắp đặt đồng hồ tổng, lãnh đạo Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn - đơn vị được giao thực hiện 2 giải pháp này cho biết, ở địa bàn một số xã người dân vẫn có thói quen dùng nước giếng vì nguồn nước ở những khu vực này ít ô nhiễm; giải pháp đồng hồ tổng dân phải bỏ chi phí lắp đặt đường ống, thiết bị kéo từ vòi nước về nhà, trong khi các giải pháp khác thì được Nhà nước hỗ trợ 100%. Trong số 3.359 hộ đã được lắp đồng hồ nước và đưa nước sạch đến tận nhà chỉ có 30% sử dụng nước sạch và trả tiền theo số mét khối thực sử dụng, phần lớn còn lại sử dụng hết 5 mét khối đầu khuyến mãi là ngưng, quay trở lại sử dụng nước giếng khoan.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh kiểm tra đồng hồ nước đưa nước sạch tới một hộ dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: Hoài Nam

Tại cuộc giám sát, các đại biểu HĐND đánh giá cao nỗ lực của UBND huyện Củ Chi trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35. Tuy nhiên, kết quả của một số giải pháp thì chưa đạt. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền, vận động hộ dân sử dụng nước sạch thực hiện chưa tốt, thậm chí có nhiều hộ dân đường ống dẫn nước và đồng hồ đã lắp hết cả khu vực và đến ngay cửa nhà mình vẫn không biết đã có nước sạch đã đưa đến để sử dụng; giải pháp lắp đặt thiết bị lọc nước tại nhà mới chỉ thực hiện được 200 hộ với chi phí hàng chục triệu đồng mỗi hộ là quá cao.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh, nếu làm quyết liệt hơn nữa và kịp thời chấn chỉnh những bất hợp lý trong các giải pháp nêu trên thì công tác đưa nước sạch đến hộ dân đạt kết quả cao hơn. Bà Trương Thị Ánh đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác mạng lưới cung cấp nước sạch trên toàn địa bàn huyện Củ Chi cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách để lo nước sạch cho dân, tránh lãng phí, thất thoát và linh hoạt trong các giải pháp đưa nước sạch đến 100% hộ dân trong thời gian sớm nhất.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục