Xuất khẩu hàng hóa TPHCM giai đoạn 2008 - 2015: Tăng trưởng chưa như kỳ vọng

Ngày 29-8 vừa qua, Sở Công thương TPHCM phối hợp với Viện Chính sách Công (Đại họcKinh tế TPHCM) tổ chức hội thảo định vị sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của TPHCM và các nút thắt quan trọng.
Sản xuất tủ gỗ xuất khẩu tại một đơn vị ở TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất tủ gỗ xuất khẩu tại một đơn vị ở TPHCM Ảnh: CAO THĂNG

Tại đây, các chuyên gia đã tập trung phân tích kết quả triển khai thực hiện các chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu giai đoạn 2008-2010 và 2011-2015, làm cơ sở để hoàn thiện đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” trình UBND TPHCM xem xét, phê duyệt. Mục tiêu của đề án là dự báo cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của TPHCM; xác định các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao trong thời gian tới; đề xuất chiến lược, hệ thống giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn để phát triển lĩnh vực xuất khẩu.

Liên kết còn rời rạc 

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030” cho thấy, giai đoạn 2006-2010 ghi nhận kết quả tăng trưởng xuất khẩu chung của TPHCM đạt 19,13%, cao hơn mục tiêu đề ra là 17,4%, đây cũng chính là mức tăng trưởng thực tế bình quân giai đoạn 2006-2010 của cả nước. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu lại đi ngược với mục tiêu, tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp tăng từ 17,6% lên 25,3%, trong khi tỷ trọng ngành công nghiệp lại giảm từ 59,3% xuống còn 53,1%, nhóm hàng hóa khác giảm không đáng kể xuống 21,7%.

Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng chung của TPHCM chỉ đạt 4,9%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra là 13%, đồng thời sự chuyển dịch cơ cấu giữa các nhóm ngành được ghi nhận là phù hợp với mục tiêu và định hướng cơ cấu của TP. Cụ thể, tỷ trọng hàng công nghiệp tăng từ 52,7% lên 74,4%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 25,5% xuống còn 18,4%, nhóm hàng hóa khác giảm mạnh tỷ trọng từ 21,8% xuống còn 7,2%.

Theo nhận định của TS Đinh Công Khải, Chủ nhiệm đề án, kết quả phân tích các chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu ở 2 giai đoạn 2008-2010 và 2011-2015 đã chỉ ra những hạn chế rất rõ rệt trong công tác xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình này. Mô hình tăng trưởng xuất khẩu vẫn tăng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển. Nền sản xuất và xuất khẩu có năng lực cạnh tranh thấp, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của TPHCM hoàn toàn bị dẫn dắt từ những biến động của thị trường thế giới, rất khó để hoạch định và triển khai hiệu quả các chiến lược hay chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của TP. Theo đó, TPHCM chưa xác định được những ngành hay cụm ngành có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cao và có đủ năng lực cạnh tranh dựa trên các phân tích đánh giá một cách khoa học hay cách tiếp cận mới hơn so với cách tiếp cận truyền thống, nên các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển xuất khẩu trong những năm trước vẫn còn dàn trải và thiếu cơ sở, gây lúng túng cho công tác triển khai. TP cũng chưa đánh giá được thực trạng và các nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm của ngành theo cách tiếp cận năng lực cạnh tranh của cụm và chuỗi giá trị, trong đó nhấn mạnh vai trò của sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) trong cùng ngành và sự liên kết giữa các công đoạn trong chuỗi.

Do đó, các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu cụ thể cho từng ngành thiếu tính hệ thống, phân mảng, dẫn đến kém hiệu quả. Đa số chương trình hỗ trợ phát triển xuất khẩu chưa được bố trí đầy đủ về nguồn lực để thực thi có hiệu quả các chương trình này…

Định vị sản phẩm xuất khẩu chủ lực?

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để thực hiện đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”, UBND TP đã giao Sở Công thương phối hợp với Viện Chính  sách Công (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) và các chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright xây dựng.

Nhóm tư vấn đã kết hợp sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, như phân tích chỉ số lợi thế so sánh bộ lộ (RCA) theo mã HS từ nguồn của Cục Hải quan TPHCM để xác định sản phẩm xuất khẩu của TP có lợi thế từ giai đoạn 2012 - 2016. Sử dụng dữ liệu của gần 14.000 DN xuất khẩu được thu thập từ nguồn của Cục Thống kê và Cục Thuế TP, kết hợp khảo sát, phỏng vấn gần 200 DN thuộc 14 nhóm ngành hàng xuất khẩu để xác định lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu. Kết hợp với các chuyên gia của Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) để xây dựng bản đồ liên kết các cụm, ngành công nghiệp của TP theo mô hình không gian sản phẩm, thông qua việc áp dụng phương pháp đo lường độ đa dạng về kinh tế của Hausmann - Hidalgo. Đây là phương pháp nghiên cứu mới và lần đầu tiên được nghiên cứu toàn diện ở cấp độ tỉnh, thành của Việt Nam. Qua đó, giúp nhóm tư vấn xác định những sản phẩm mới nào có khả năng phát triển trong thời gian tới để từ đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển.

Kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy, trong tổng số 1.014 sản phẩm mà TPHCM đang xuất khẩu, có 186 sản phẩm có lợi thế so sánh bộ lộ (RCA), chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của TPHCM năm 2016. 

Bình luận về đề án, hầu hết các ý kiến cho rằng, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về xuất khẩu của TPHCM rất bài bản và khoa học. Nhưng để chuyển từ đề án nghiên cứu sang đề án thực tế để trình UBND TP phê duyệt sẽ là một chặng đường dài, vì hiện nay các nhóm nghiên cứu đề án vẫn chưa có câu trả lời cụ thể TPHCM sẽ chọn ngành nào, sản phẩm nào là chủ lực để xuất khẩu trong giai đoạn mới. Báo cáo cũng chưa đề cập TPHCM hiện có bao nhiêu DN xuất khẩu, cũng như tỷ trọng xuất khẩu chính ngạch, tiểu ngạch ra sao…

Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, TPHCM nên tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu. Để làm được việc này, hoạt động sản xuất của TPHCM phải được gắn kết với Vùng kinh tế TPHCM, vì một mình TP sẽ không làm nên chuyện. Và hiện đang có sự dịch chuyển sản xuất rất mạnh mẽ từ TPHCM đến các tỉnh, thành khác vì nhiều lý do. 

Nhiều báo cáo đánh giá, Việt Nam hiện đã gần hết dư địa trong việc tăng trưởng theo chiều rộng mà thiếu vắng các nền tảng tăng trưởng theo chiều sâu. Trong đó, năng suất và sự dịch chuyển từ các ngành đơn giản sang các ngành có mức độ tinh vi là 2 chiến lược quan trọng giúp tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Do vậy, việc chọn ngành hàng nào, mặt hàng nào là sản phẩm chủ lực, định hướng xuất khẩu của TPHCM trong những năm tiếp theo là gì, là những vấn đề cần tiếp tục được bàn bạc một cách thấu đáo nhằm tránh tình trạng đề án không phát huy tốt hiệu quả hoặc đề án vừa ra đời đã trở nên lạc hậu.

Tin cùng chuyên mục