Ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên ở Việt Nam

Ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên ở Việt Nam

* Không được để dịch lây lan

Ngay sau khi nhận được mẫu bệnh phẩm của một trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 từ BV Bệnh nhiệt đới TPHCM gửi khẩn cấp vào đêm 30-5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nhanh chóng xét nghiệm theo chuẩn sinh học phân tử của Tổ chức Y tế thế giới. Và hôm qua 31-5, Bộ Y tế đã chính thức xác nhận mẫu bệnh phẩm nói trên dương tính với virus cúm A/H1N1, chỉ đạo Sở Y tế TPHCM họp báo công bố ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam.

        Trở về từ Mỹ

Lúc 14 giờ ngày hôm qua 31-5, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Châu thông báo TPHCM đã xuất hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 và là ca đầu tiên tại Việt Nam kể từ khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát trên thế giới vào đầu tháng 4-2009. Đó là một bệnh nhân nam, sinh năm 1986, có địa chỉ tại quận Tân Bình, TPHCM và là du học sinh đang theo học tại bang Wisconsin (Mỹ).

Trước đó, vào ngày 26-5, bệnh nhân đã bay từ Chicago (Mỹ) về Việt Nam và quá cảnh tại Hồng Công (Trung Quốc) trên chuyến bay 869 của Hãng hàng không United Airline. Khi đến Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, máy đo thân nhiệt của Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế đặt tại đây không phát hiện bệnh nhân có thân nhiệt cao bất thường, không có triệu chứng lâm sàng về hô hấp. Do đó, bệnh nhân đã lên taxi về nhà tại quận Tân Bình.

Đến ngày 28-5, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi nên tự đến BV Thống Nhất TPHCM khám. Sang ngày hôm sau, bệnh nhân trở nên sốt cao, ho nhiều, bỏ ăn nên được người nhà đưa đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ khám lại.

Tại đây, các bác sĩ đã sơ bộ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm đường hô hấp, và qua thông tin biết bệnh nhân vừa ở Mỹ về nên được yêu cầu điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân xin về nhà để được chăm sóc nên bác sĩ của bệnh viện có tư vấn cách ly.

Ngay sau đó, BV Hoàn Mỹ thông báo cho lãnh đạo Sở Y tế TPHCM về trường hợp bệnh nhân trên và cung cấp thông tin ca bệnh. BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, đã yêu cầu nhanh chóng xác minh địa chỉ bệnh nhân và đề nghị chuyển bệnh nhân đến BV Bệnh nhiệt đới để cách ly kiểm dịch, xét nghiệm virus cúm A/H1N1.

Tối 30-5, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM thông báo kết quả xét nghiệm virus cúm A/H1N1 đối với bệnh nhân trên có nhiều nghi vấn dương tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, để chắc chắn, BV này đã gửi 2 mẫu bệnh phẩm đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) làm xét nghiệm lại. Và đến sáng nay 31-5, Bộ Y tế xác nhận bệnh nhân đã dương tính với cúm A/H1N1. 

Bộ trưởng Bộ Y tế (trái) chỉ đạo giám sát kiểm dịch cúm A/H1N1 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ trưởng Bộ Y tế (trái) chỉ đạo giám sát kiểm dịch cúm A/H1N1 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

        Cách ly, giám sát những người tiếp xúc với bệnh nhân

Sáng 31-5, Cụm cảng hàng không miền Nam xác nhận, trên chuyến bay 869 từ Mỹ về Việt Nam của Hãng hàng không United Airline nói trên có 188 hành khách khác đi cùng bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Trong đó, có 133 hành khách đang lưu trú tại TPHCM và 55 hành khách đã di chuyển đến các tỉnh lân cận.

Cùng ngày, công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã tra cứu danh sách và xác định được địa chỉ lưu trú của tất cả 188 hành khách, đồng thời đã cung cấp cho cơ quan y tế kiểm dịch. Theo BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, 133 hành khách lưu trú tại TPHCM đã được thông báo đến 24 trung tâm y tế dự phòng quận huyện để triển khai cách ly tại cộng đồng trong vòng 7 ngày, theo dõi thân nhiệt 2 lần/ngày dưới sự giám sát của bác sĩ nhằm kịp thời chẩn đoán và xử lý, tránh lây lan ra cộng đồng.

Riêng danh sách 55 hành khách di chuyển đi các tỉnh đã được thông báo đến Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) và Viện Pasteur TPHCM để yêu cầu các địa phương giám sát kiểm dịch.

Đối với người nhà của bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 (5 người), Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu cách ly kiểm dịch tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM và đến sáng qua cả 5 người đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus cúm A/H1N1. Tuy nhiên, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu 5 trường hợp này uống thuốc Tamiflu để dự phòng.

Riêng tài xế taxi đã vận chuyển ca nhiễm cúm A/H1N1 cũng đã được xác minh và yêu cầu cách ly kiểm dịch tại nhà. Những nhân viên y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân tại BV Thống Nhất, BV Hoàn Mỹ, BV Bệnh nhiệt đới, bộ phận kiểm dịch y tế sân bay cũng đã được hướng dẫn cách ly, theo dõi tình trạng sức khỏe.

        Triển khai các biện pháp khẩn cấp

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Châu cho biết, ngay sau khi xác nhận ca nhiễm cúm A/H1N1, hệ thống giám sát của TP được đặt trong tình trạng khẩn cấp đối phó. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cũng đã trực tiếp chỉ đạo Sở Y tế triển khai biện pháp phòng ngừa lây lan.

Theo BS Châu, hiện Trung tâm Kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất được chỉ đạo giám sát chặt thân nhiệt từng hành khách qua cửa khẩu, kịp thời thông báo các trường hợp có thân nhiệt bất thường và nhanh chóng cách ly. Trung tâm y tế dự phòng 24 quận huyện được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly tập trung để bố trí khi cần thiết. Các BV Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã có khu cách ly kiểm dịch với tổng cộng gần 500 giường. Riêng BV Bệnh nhiệt đới, theo BS Châu, có thể trở thành BV chuyên tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 trong tình huống xấu nhất. Mặt khác, UBND TP cũng đã có chủ trương cho trưng dụng một số khách sạn, trường học để làm khu cách ly.

Hôm qua, ngay sau khi ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên được xác nhận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu sở y tế các địa phương khẩn cấp xác minh, giám sát những hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nói trên, không được để dịch lây lan. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan kiểm dịch y tế các tỉnh, nhất là tại các tỉnh có cửa khẩu thắt chặt hơn công tác giám sát dịch tễ, không để lọt một trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 nào.

Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Bộ Y tế, khẳng định hệ thống y tế dự phòng cả nước đã được chỉ đạo sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A/H1N1 trong tình huống xấu nhất. Bộ Y tế đã cử 15 đoàn giám sát công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại các địa phương và kiên quyết xử lý trách nhiệm những địa phương nào lơ là với công tác này.

Đề phòng lây nhiễm cúm A/H1N1

* Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn.

* Vệ sinh nhà ở, nơi làm việc bằng các chất tẩy rửa như xà phòng, nước javel, chloramin B.

* Tránh tiếp xúc với người bị đường hô hấp cấp tính, hạn chế tập trung nơi đông người, có biểu hiện hội chứng cúm cần đến ngay cơ sở y tế.

* Những người đến từ vùng dịch cúm A/H1N1 cần cách ly tại nhà 7 ngày, hạn chế tiếp xúc với người khác, báo ngay với nhân viên y tế để được theo dõi...

TƯỜNG LÂM

Thông tin liên quan

- Thêm 140 tỷ đồng phòng chống dịch cúm A/H1N1

- Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống cúm A/H1N1 

- Chuẩn bị đủ thuốc chống dịch tiêu chảy cấp và cúm A/H1N1

- Đề nghị bổ sung kinh phí chống dịch

- Dịch cúm A/H1N1: Số ca nhiễm gia tăng ở nhiều nước

- Đã có trên 10.000 người nhiễm cúm A/H1N1

- WHO xem xét nâng mức cảnh báo dịch cúm A/H1N1 lên cấp 6

- Cúm A/H1N1 lan rộng ở Nhật Bản

Tin cùng chuyên mục