Lại khốn đốn vì dịch tai xanh

Lại khốn đốn vì dịch tai xanh

Cách đây vài năm, dịch heo tai xanh đã xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Hải Dương và sau đó lan rộng ra khắp các tỉnh, làm hàng ngàn hộ nông dân khốn đốn vì heo chết, phải tiêu hủy khi sắp tới ngày xuất chuồng. Giờ đây, Hải Dương vẫn lại là nơi vừa khởi phát dịch tai xanh và đang trên đà lây lan nhanh chóng ra nhiều địa phương ở miền Bắc.

Chúng tôi về tỉnh Hải Dương, nơi dịch tai xanh đang làm người dân lo lắng, bồn chồn như ngồi trên lửa. Ban đầu chỉ có 3 xã có biểu hiện heo bị ốm nhưng chỉ sau khoảng 3 tuần, nơi đây đã có 38 xã thuộc 5 huyện có heo bị dịch với tổng cộng gần 6.000 con.

Xã đầu tiên xuất hiện dịch là Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng). Hiện tại, trong xã vẫn có những con heo lăn ra chết, có con chết chỉ sau chưa đầy 24 giờ bị ốm. Người dân “chạy” dịch không kịp, heo chết cũng không kịp đào hố chôn hoặc không có nơi để chôn lấp, lại có nhà heo chết nhiều quá, mà dân thì không ai dám ăn nên bà con vứt xác heo trên các kênh, mương dẫn nước. Hai bên sông chạy dọc đường làng, nhiều xác heo đang thối rữa, nổi lềnh bềnhï, bốc mùi nồng nặc.

Những con heo còn lại trong trang trại của anh Trung may mắn vẫn chưa mắc dịch tai xanh.

Những con heo còn lại trong trang trại của anh Trung may mắn vẫn chưa mắc dịch tai xanh.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo xử lý nghiêm các địa phương có dịch nhưng không thực hiện việc chống dịch theo quy định, để người dân vứt xác heo bừa bãi ra môi trường, chính quyền xã Thạch Lỗi đã tổ chức lực lượng đi thu gom xác heo chết trên đồng bãi, kênh mương nhưng do lượng heo quá nhiều nên không thu gom xuể.

Trong khi đó, các đàn heo ở đây vẫn đang tiếp tục lăn ra chết. Anh Vũ Ngọc Trung, một trong những chủ trang trại chăn nuôi lớn ở Thạch Lỗi, cho biết “đại dịch” tai xanh năm 2007 đã làm gia đình anh thiệt hại hàng trăm triệu đồng, sau đó không dám chăn nuôi trở lại. Sang năm 2010, dịch đã ập đến thật bất ngờ, cả đàn gần 100 con heo nái, heo thịt nhà anh Trung lăn ra ốm. Hiện tại, gia đình đã phải tiêu hủy hơn 1,7 tấn heo thịt, mất trắng gần 100 triệu đồng.

Theo anh Trung, Thạch Lỗi là điểm chăn nuôi heo lớn ở miền Bắc, cũng là nơi trung chuyển heo từ Bắc vào Nam và ngược lại hoặc đi các tỉnh lân cận, xuất khẩu heo sữa lên biên giới. Do đó, nơi đây thường xảy ra các ổ dịch khi không kiểm soát chặt nguồn bệnh.

Ông Vũ Thạch Bồn, Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi, cho rằng khi xảy ra dịch, lực lượng tham gia phòng, chống dịch rất khó khăn. Hầu như lực lượng an ninh xã, thú y viên đều từ chối tham gia tiêu hủy heo bệnh nên chủ hộ phải vứt heo ra bãi rác, sông hồ mà không chôn lấp. Trên địa bàn xã lại có 15-20 hộ chuyên buôn bán heo sữa, nên việc kiểm soát lưu thông gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình dịch tai xanh đang có nguy cơ “bung” rộng ra cả nước, ngày 26-4, ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc trao đổi nhanh với báo giới.

Ông Năm khẳng định: Việc các tỉnh công bố dịch chậm, để người dân bán chạy heo ốm, heo bệnh cũng một phần vì phải chờ đợi kết quả phân tích từ Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Để có kết quả chính xác, chúng tôi phải tiến hành các bước cẩn thận, kỹ càng, thậm chí phải tổ chức lấy mẫu lại. Khi có kết quả chắc chắn từ Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương thì các tỉnh mới có thể công bố dịch.

Virus gây bệnh tai xanh trên heo không gây bệnh cho người khi vô tình sử dụng phải. Song Cục Thú y đề nghị người dân không được bán chạy heo ốm, heo bệnh. Người tiêu dùng cũng không nên sử dụng các loại thịt heo ốm, chết nói chung, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đề phòng một số vi khuẩn gây bệnh kế phát như liên cầu khuẩn.

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã họp khẩn để bàn các giải pháp ngăn chặn sự lan rộng với tốc độ nhanh của dịch tai xanh. Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch, hiện tai xanh đã xuất hiện tại 9 tỉnh, thành phố và vào tới tận miền Trung, trong đó tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng với 125 xã của 19 huyện, làm tổng cộng hơn 33.000 con heo bị nhiễm bệnh, số tiêu hủy là  hơn 10.000 con.

Trước đó vài ngày mới chỉ phát hiện có 6 tỉnh xuất hiện dịch. Trong đó, tỉnh bị nặng nhất hiện vẫn là Hải Dương, sau đó là Thái Bình, Hưng Yên... Ba địa phương mới vừa công bố dịch là Hà Nội, Nam Định và Quảng Nam.

Phúc Văn

Tin cùng chuyên mục